Khơi thông “điểm nghẽn”

23/08/2018 08:05 Số lượt xem: 915
Nhân bàn về chuyện thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân mà trọng tâm là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (Small & Medium Enterprises-SME), Thành - bạn đồng học nói với Hòa (công tác ở Hiệp hội doanh nghiệp): Được xác định là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, song sự yếu kém của khu vực tư nhân được coi là “điểm nghẽn” lớn của nền kinh tế. Dù chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp, nhưng nhiều năm qua các SME này vẫn chưa phát huy được tiềm năng để đóng góp nhiều hơn nữa vào thành quả chung của đất nước.

Anh không thể phủ nhận vai trò, vị trí của các SME chỉ bằng nhận định chủ quan như thế được! Hòa phản biện lại Thành: Theo thống kê của Hiệp hội, nước ta có gần 600.000 SME, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Hàng năm đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu, là nơi tạo việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… Như vậy vẫn còn ít sao?
Không hoàn toàn thuyết phục với dẫn chứng của Hòa, Thành phân tích: Đành rằng như vậy, nhưng các SME đa phần qui mô nhỏ và rất nhỏ, không đủ năng lực tài chính để đầu tư vào thiết bị, công nghệ hiện đại, năng lực quản lý yếu và thiếu kinh nghiệm tiếp cận thông tin, đất đai, thị trường… Vì vậy, cạnh tranh trong nước đã khó, khi tham gia các hiệp định thương mại quốc tế đối mặt với doanh nghiệp rất mạnh của các nước thì càng trở nên khó khăn hơn. Đây chính là những “điểm nghẽn” lớn cản trở sự phát triển và đóng góp của các SME đối với nền kinh tế đất nước.
Anh Thắng-Chủ một doanh nghiệp tư nhân xen vào câu chuyện: Quan điểm của các bác đều không sai! Vấn đề đặt ra là tìm ra được “điểm nghẽn” để khơi thông kinh tế tư nhân phát triển mới là điều cốt yếu hiện nay.
Đúng như vậy. Hòa hưởng ứng: Để khơi thông “điểm nghẽn”, tháo gỡ khó khăn cho SME, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Mới đây nhất, Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực với các chính sách hỗ trợ chung cũng như các chương trình hỗ trợ mục tiêu. Trong tháng 3-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật. Theo đó, các SME được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước như: hỗ trợ thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Chung tay cùng các cấp, các ngành, tiếp tục cụ thể hóa chính sách thêm một bước nữa, Bắc Ninh đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đóng góp ý kiến hoàn thiện Kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh. Như vậy sẽ tạo động lực “kép” để các SME bứt phá trong tương lai gần. Anh Thắng tin tưởng. Với sự đồng hành của các chính sách hỗ trợ “điểm nghẽn” sẽ được khơi thông, nhưng các SME không thể hoàn toàn trông đợi vào điều đó mà cần xác định rõ vai trò, vị trí của mình, đi đúng xu thế của thời đại, tạo thế đứng thật vững chắc phát triển mạnh mẽ hơn, chủ động tham gia sân chơi hội nhập và đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế.

Thái Uyên