Khi trái tim không tật nguyền

17/04/2018 08:59 Số lượt xem: 1509

 “Những đôi mắt nào chưa từng thấy ánh bình minh… Bạn và tôi cùng sánh vai hướng về tương lai, nụ cười trên môi âm vang cùng câu hát…”. Đó là những lời ca được cất lên từ các hội viên khiếm thị của Hội Người mù tỉnh tại Festival lần thứ Nhất “Nhìn bằng trái tim”. Dù khuyết tật đôi mắt nhưng trái tim của các hội viên luôn nồng ấm đập những nhịp yêu thương và hướng về một tương lai tươi sáng.

Hội viên khiếm thị giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại festival.

 

Nhìn bằng trái tim

Festival lần thứ Nhất “Nhìn bằng trái tim” do Hội Người mù tỉnh tổ chức, cuối năm 2017 là chương trình hội chợ việc làm nhằm giới thiệu, đưa sản phẩm do các hội viên khiếm thị làm ra đến gần hơn với người tiêu dùng, qua đó tìm kiếm cơ hội việc làm cho hội viên. Do hạn chế về đôi mắt nên người khiếm thị gặp khó khăn trong lao động, sản xuất, Ban Chấp hành Hội Người mù tỉnh luôn trăn trở các giải pháp đào tạo nghề và tạo việc làm phù hợp cho hội viên như: tổ chức các lớp học xoa bóp tẩm quất, khuyến nông, chăn nuôi, trồng trọt, vi tính, dạy chữ... giúp nhiều hội viên có thêm cơ hội việc làm để ổn định cuộc sống.

Thời gian qua, nghề thủ công mỹ nghệ được Hội Người mù tỉnh đẩy mạnh, bước đầu có nhiều hội viên tham gia học nghề, tạo ra những sản phẩm đẹp như: bình hoa, lọ hoa, móc chìa khóa, trái tim… tạo được nguồn thu nhập đáng kể. Tại hội chợ việc làm, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ trưng bày, giới thiệu được đông đảo khách hàng ưa thích. Nhiều sản phẩm gần gũi với cuộc sống hàng ngày như: Các sản phẩm đan, tăm tre, chổi đót… cũng thu hút được nhiều khách hàng đến tham quan, mua sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Thu Nga, phường Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh) đưa hai con đến tham gia Festival chia sẻ: Tôi thật sự bất ngờ với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do các hội viên khiếm thị làm ra. Những sản phẩm này yêu cầu phải có sự khéo léo, kiên trì, với người mắt sáng học làm đã khó. Đến đây các con tôi học được tinh thần vượt khó của người khiếm thị, hội chợ việc làm là cơ hội tốt để người sáng mắt và người khiếm thị giao lưu, học hỏi, hơn hết là sự sẻ chia, cảm thông, trao nhau tình thân ái.

Nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên

Để tạo việc làm cho người khiếm thị, thời gian qua, Hội Người mù tỉnh khuyến khích các hội viên duy trì và phát triển các cơ sở xoa bóp, tẩm quất. Hiện toàn tỉnh có 33 cơ sở dịch vụ xoa bóp, tẩm quất, tạo việc làm thường xuyên cho 120 hội viên trẻ, lương bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/tháng. Cùng với việc đẩy mạnh đào tạo nghề phù hợp, Hội triển khai hiệu quả các dự án vay vốn cho các hội viên phát triển kinh tế. Năm 2018, Hội triển khai 7 dự án cho 41 hội viên vay với số tiền gần 500 triệu đồng, quản lý 20 dự án cho 109 người vay với số tiền hơn 1 tỷ đồng do nguồn vốn của Trung ương Hội và 7 hội viên vay ở các kênh như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân với tổng số tiền 250 triệu đồng. Để bảo đảm tốt nguồn vốn vay, Tỉnh Hội cùng thường trực các huyện, thị Hội thường xuyên kiểm tra hội viên sử dụng nguồn vốn, điều tra nhu cầu vay vốn và nắm bắt nguyện vọng của từng hội viên, hướng dẫn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Được vay vốn, tập huấn nâng cao kiến thức, hội viên tích cực tham gia lao động sản xuất cải thiện đời sống của bản thân, nhiều gia đình hội viên thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Bên cạnh các giải pháp đào tạo nghề, tạo việc làm cho hội viên, các cấp Hội còn quan tâm vận động, xin tài trợ để trợ cấp và tặng quà cho 100% hội viên trong các dịp lễ, tết với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Năm 2017, Hội Người mù tỉnh vận động được Hội đỡ đầu những người có hoàn cảnh khó khăn Bắc Ninh tài trợ cho gần 40 hội viên, mỗi suất 300-500 nghìn đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Thời gian tới, Hội tiếp tục tổ chức các lớp học nghề, truyền nghề theo chương trình mục tiêu, tạo việc làm cho người khiếm thị kết hợp với dạy chữ cho hội viên; tiếp tục đề nghị tăng thêm nguồn vốn địa phương cho hội viên vay phát triển kinh tế, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt đề án “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng”. Với nhiều hình thức hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống đã giúp cho tỷ lệ hội viên nghèo đến nay theo chuẩn mực mới còn 15,2%.

Minh Hường