Khát vọng thời bình

26/07/2018 15:56 Số lượt xem: 1350
Trải qua tháng năm cầm súng đánh giặc, những người lính một thời “xẻ dọc trường sơn đi cứu nước” giờ tuổi đã cao nhưng lòng vẫn phơi phới khát vọng trở thành doanh nhân đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đất nước.

 

 

“Chất lính” trong thời bình

Sau chiến tranh, người lính Nguyễn Tiến Thắng (thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình) trở về quê hương phải đối mặt với thực tại đầy khó khăn khi sức trẻ bị bào mòn, cảnh nhà thiếu thốn đủ bề. Thế nhưng, bằng ý chí được tôi rèn trong quân ngũ, ông đã vượt lên xây đắp cuộc sống ấm no.

Thôn Phù Ninh quê ông vốn là vùng quê thuần nông, chiêm trũng. Người dân quanh năm cần cù, chịu khó nhưng vẫn không đủ ăn. Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, vất vả của bà con, ông nhen nhóm phải đổi mới suy nghĩ, cách làm để người dân bớt khổ. Năm 1981, ông được cử làm Đội trưởng sản xuất của HTX. Điều đầu tiên ông làm là tái sản xuất, quy hoạch lại những vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Khi đã quy hoạch xong, ông nghiên cứu, tìm tòi các loại giống cây trồng, vật nuôi thích hợp đưa vào sản xuất. Cựu binh Nguyễn Tiến Thắng là người tiên phong đưa cây ngô đông về trồng tại địa phương, góp phần bảo đảm lương thực trong thời kỳ khó khăn. Ông còn tham mưu HTX phát triển mô hình chăn nuôi lợn tập thể. Nhờ hướng đi đúng đắn và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên hoạt động sản xuất của HTX từng bước khởi sắc, trở thành điểm sáng của tỉnh lúc bấy giờ. Năm 2011, câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân  cực chiến binh (CCB) huyện Gia Bình được thành lập nhằm tập hợp, giúp đỡ những người đồng đội vươn lên phát triển kinh tế, ông  được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch. Đến giờ, ông có 25 năm giữ chức Bí thư Chi bộ, 20 năm làm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp, 12 năm Chi hội trưởng CCB và từ năm 2011 kiêm Chủ tịch CLB Doanh nhân CCB huyện Gia Bình. Dù ở vị trí nào, CCB Nguyễn Tiến Thắng luôn luôn nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được nhân dân tin tưởng, quý mến.

Không chỉ hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, ông Thắng còn là tấm gương làm kinh tế giỏi. Từ một cửa hàng nhỏ lẻ của gia đình, ông đã thành lập doanh nghiệp tư nhân chuyên cung cấp các mặt hàng đồ gia dụng phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, hiện là đại lý cấp 1 của nhiều thương hiệu nổi tiếng như: nhựa Song Long, sứ Hải Dương, bàn ghế Xuân Hòa… Tháng 7-2017, ông mở rộng kinh doanh, xây dựng Siêu thị mini của gia đình trên diện tích 200 m2  với nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân. Tổng doanh thu năm 2017 đạt hơn 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động. Với những thành tích đó, ông được các cấp, ngành ghi nhận. Từ năm (2003 – 2017) luôn là đảng viên xuất sắc được Đảng bộ huyện, thị trấn Gia Bình tặng Giấy khen và nhiều phần thưởng cao quý khác của các cấp, ngành trong tỉnh.  

Trách nhiệm với cộng đồng xã hội

Ông Trần Văn Thư, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đại Tân, KCN Quế Võ 2 là một trong những doanh nhân CCB tiêu biểu của cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong thực hiện nhiệm vụ và phong trào thi đua “Cựu chiến bính giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi” góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc giai đoạn 2011- 2016.

Sinh năm 1953, ông Thư từng là người lính cầm súng chiến đấu trong chiến trường PCK (Nam-  Lào- Campuchia). Sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, ông nhận công tác tại Cục Hậu cần thuộc Tổng Cục Hậu cần miền Đông Nam Bộ. Cống hiến trong quân đội 20 năm, năm 1999 về nghỉ chế độ với hàm Đại úy. Dù mang trong mình di chứng của cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhưng khi trở về quê hương ông phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ tích cực phát triển kinh tế và tham gia các hoạt động xã hội từ thiện vì cộng đồng. Sinh ra và lớn lên tại làng Phù Lãng, xã Phù lãng (Quế Võ) vốn có làng nghề gốm truyền thống và ông thấu hiểu những thăng trầm mà làng nghề gặp phải, năm 2000 quyết định thành lập HTX vận vải Đại Tân nhằm hỗ trợ làng nghề trong tìm kiếm đầu ra sản phẩm, đến năm 2003 chuyển sang mô hình Công ty TNHH. Dựa trên mối quan hệ nhiều năm trong nghề vận tải, cuối năm 2016, ông xây dựng thêm nhà máy may tại KCN Quế Võ 2 với diện tích 15.000 m2, quy mô 16 dây chuyền chuyên sản xuất gia công hàng may mặc xuất khẩu (hiện có 8 dây chuyền hoạt động) với các sản phẩm chính: quần áo dệt kim, quần áo thời trang, áo jacket…, trong đó mặt hàng chủ lực là quần áo dệt kim.

Nhà máy may của Công ty TNHH Đại Tâm giải quyết việc làm cho 300 lao động

 

Khu nhà xưởng, nhà ăn được xây dựng theo phong cách hiện đại, thoáng mát với đầy đủ  hệ thống lò hơi, hệ thống PCCC tự động,  camera giám sát, chấm công vân tay, hệ thống làm mát bảo đảm môi trường tốt nhất cho người lao động. Hiện Công ty giải quyết việc làm cho 600 công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng/ người/ tháng, trong đó lĩnh vực may 300 công nhân, 300 công nhân làm vận tại với 200 đầu xe. Năm 2017, tổng doanh thu Công ty đạt 150 tỷ đồng. Đầu năm 2018, Công ty đầu tư hơn 10 tỷ đồng mua 6 xe du lịch từ 16 đến 47 chỗ để phục khách trong các KCN đi tham quan du lịch. Đối với ông, học theo Bác là học suốt đời, học từ những việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày. Trong quản lý điều hành Công ty, ông luôn chọn giải pháp, phù hợp với từng công việc, đối tượng cụ thể, đỗi đãi với công nhân lao động như người thân, thương yêu, đùm bọc sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.

Điều đáng nói ở doanh nhân CCB Trần Văn Thư là khi còn khó khăn hay lúc trở nên thành đạt, ông cũng đều gắn bó mật thiết với Hội CCB và không quên nghĩa tình đồng đội. Ngoài việc giúp đỡ CCB và con em họ có việc làm tại doanh nghiệp, ông tích cực tham gia mọi hoạt động của Hội CCB huyện Quế Võ, Hội DN CCB tỉnh, nhất là những hoạt động từ thiện, xã hội. Bình quân mỗi năm ông dành khoảng 300 triệu đồng làm các hoạt động từ thiện. Điển hình, vừa qua ông hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho CCB là hộ nghèo thuộc thôn Hữu Bằng, xã Ngọc Xá; năm 2016 hỗ trợ xây dựng trường Mầm non xã Phù Lãng (Quế Võ) gần 100 triệu đồng…. Với những đóng góp cho xã hội, với tấm lòng nhân ái, nghĩa tình với đồng đội, đồng chí, doanh nhân CCB Trần Văn Thư được các cấp, ngành tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Trong gian phòng truyền thống của doanh nghiệp, nhiều Bằng khen, Huân, Huy chương, nhiều chứng nhận và ảnh lưu niệm chụp chung với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương được ông treo ở những vị trí trang trọng để nhắc nhở bản thân và giáo dục các con, những người thân trong gia đình cũng như cán bộ, nhân viên Công ty luôn phát huy truyền thống, phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ. Tâm sự về những dự định của mình trong tương lai, doanh nhân Trần Văn Thư cho biết: “Tôi đang ấp ủ rất nhiều dự định, tuy nhiên vì quỹ đất của Công ty còn hạn hẹp nên đành gác lại. Trong thời gian tới, nếu được chính quyền địa phương tạo điều kiện để mở rộng quỹ đất, tôi sẽ phát triển thêm ngành nghề kinh doanh để tạo nhiều việc làm cho hội viên CCB cũng như người dân địa phương. Kinh doanh nhưng không tách rời công tác an sinh xã hội, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục với các hoạt động từ thiện xã hội của địa phương, của tỉnh…”

Những người lính như ông Nguyễn Tiến Thắng, Trần Văn Thư sau chiến tranh đều mang một khát vọng chiến thắng đói nghèo, họ đã thành công tiếp tục đóng góp sức lực của mình xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Ghi chép của Hà Linh- Thanh Ngân