Khẳng định thương hiệu na Chi Lăng (Lạng Sơn)

17/08/2018 09:32 Số lượt xem: 2895
Ngày 18-8, tại huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) diễn ra Ngày hội na Chi Lăng năm 2018. Đây là dịp để tuyên truyền, quảng bá, khẳng định thương hiệu na Chi Lăng và hình ảnh Lạng Sơn đến đông đảo người dân trong nước và du khách quốc tế, là dịp cho Lạng Sơn kết nối, xây dựng chuỗi giá trị cho cây na Chi Lăng và các sản phẩm nông nghiệp.

Đặc sản na Chi Lăng.                                                             Ảnh: V.T
 

Na được xếp vào danh sách 1 trong 50 loại trái cây thơm ngon nhất Việt Nam. Tỉnh Lạng Sơn hiện có gần 3.000 ha trồng na, hầu hết được trồng tại huyện Chi Lăng (gần 1.600 ha) và huyện Hữu Lũng (hơn 1.300 ha). Na Chi Lăng trở thành một thương hiệu và ngon nổi tiếng nhất miền Bắc hiện nay. Năm 2011, Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ KH-CN quyết định cấp giấy đăng ký nhãn hiệu “Na Chi Lăng” và năm 2013 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đưa vào danh sách 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo Bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam.
Từ năm 2016 đến nay, người dân huyện Chi Lăng trồng mới khoảng 100 ha na. Không chỉ tăng về diện tích, nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng, huyện Chi Lăng vận động, hướng dẫn người dân trồng na theo mô hình VietGAP, na an toàn. Vụ na năm 2018, diện tích na VietGAP của huyện tăng lên 136,5 ha (năm 2017 là hơn 50 ha); có 3.500 hộ đăng ký trồng theo mô hình na an toàn, với diện tích hơn 1.200 ha. Tại huyện Hữu Lũng cũng đã và đang thực hiện theo hướng sản xuất na an toàn. Vụ na năm nay, huyện vận động, hướng dẫn người trồng thực hiện đúng các quy trình chăm sóc cây theo hướng VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm nay, huyện Hữu Lũng triển khai 3 mô hình mẫu trồng na VietGAP với diện tích 25 ha. Huyện còn vận động, hướng dẫn người dân triển khai sản xuất 900 ha na an toàn tại các xã: Cai Kinh, Yên Sơn, Yên Vượng, Hòa Lạc…
Để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho na, công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến thương mại được quan tâm đặc biệt nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn thì: Ngày 18-8 sẽ diễn ra lễ khai mạc ngày hội na Chi Lăng năm 2018 tại xã Quang Lang, huyện Chi Lăng. Để tránh tình trạng nhái thương hiệu na Chi Lăng trục lợi, với sự hướng dẫn từ Bộ NN&PTNT, hai huyện: Chi Lăng và Hữu Lũng sẽ dán tem truy xuất nguồn gốc trên quả na để giúp người tiêu dùng phân biệt na Chi Lăng. Việc dám tem truy xuất nguồn gốc còn để hướng đến việc xuất khẩu na sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch. Để tiếp tục khẳng định vị thế là loại hoa quả đặc sản của Việt Nam, khẳng định thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, trong vụ na 2018, huyện Chi Lăng và Hữu Lũng cũng sẽ phối hợp với một số doanh nghiệp, thực hiện xuất khẩu na Chi Lăng sang thị trường Australia.
Ngày hội na Chi Lăng sẽ có nhiều hoạt động chính như: Phát động sản xuất na an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; tham quan vùng na, các mô hình vườn na mẫu theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại huyện Chi Lăng và Hữu Lũng; hội thảo “Hiệu quả trong xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”; trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm na Chi Lăng và các sản phẩm đặc sản của Lạng Sơn… Nhân dịp này, tỉnh Lạng Sơn cũng sẽ tổ chức Tuần lễ quảng bá na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn tại Khu hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại  ở Hà Nội, với khoảng 20 gian hàng giới thiệu sản phẩm na và các đặc sản khác của Lạng Sơn.   

Ngọc Đăng (Theo Báo Lạng Sơn)