Khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề Đại Bái

14/12/2018 08:13 Số lượt xem: 3875
Khói bụi, tiếng ồn, nước thải, chất thải từ cô đúc nhôm, gò đúc đồng, dát mỏng kim loại, chạm khắc kim loại, gia công cơ khí... đang hàng ngày xả trực tiếp ra môi trường sống của người dân Đại Bái (Gia Bình), gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân.

Làng nghề đúc đồng Đại Bái có từ lâu đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ trong xu thế hội nhập. Toàn xã có gần 2000 hộ làm nghề, tổng thu nhập từ nghề truyền thống hơn 500 tỷ đồng/ năm, nâng mức thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm. Thế nhưng hệ lụy từ nguồn thải của nó cũng tăng theo cấp số nhân, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Gia Bình về việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại làng nghề Đại Bái cho thấy: Trung bình mỗi ngày làng nghề có khoảng 7 tấn chất thải rắn phát sinh, trong đó mới đưa được khoảng 3 tấn về Khu xử lý chất thải rắn của huyện, 4 tấn còn lại vận chuyển về bãi chôn lấp tập trung của xã rộng khoảng 8.000 m2, chưa được xử lý. Chất thải từ xỉ than, bã nhôm cũng phát sinh khoảng gần 1 tấn/ngày. Đối với nguồn nước thải, nước thải sinh hoạt phát sinh 70m3/ngày, nước thải sản xuất khoảng 10m3/ngày, lượng nước này được đấu nối chung vào hệ thống thoát nước của địa phương, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nước. Về khí thải, hơn 200 lò đúc đồng, nhôm được hút qua hệ thống ống khói cao từ 7m-12m chưa đạt chuẩn, sau đó xả trực tiếp ra môi trường, nhiều lò còn không có ống khói, ảnh hưởng lớn đến không khí và sức khỏe của người dân...

 

Hệ thống ống khói chưa đạt chuẩn theo quy định.


Nhìn chung, việc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường tại làng nghề chưa thực sự hiệu quả, chưa được xử lý theo đúng quy định và đầu tư đúng mức. Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Cụm công nghiệp làng nghề không hoạt động, nước thải của các hộ có sử dụng hóa chất như axit, sút… không được thu gom xử lý, đổ trực tiếp ra sông, ao, hồ, mương máng, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Công nghệ sản xuất lạc hậu, máy móc, thiết bị đa phần mua thanh lý từ Trung Quốc hoặc tự chế tạo, chắp vá nên nguy cơ mất an toàn cao, gây tiếng ồn lớn. Hệ thống nhà xưởng xây dựng sơ sài, diện tích chật hẹp, điện, nước lắp đặt tùy tiện, không an toàn, trình độ dân trí chưa cao, nhận thức về bảo vệ môi trường hạn chế... là những tác nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây.

 

Cán nhôm tại cụm công nghiệp làng nghề Đại Bái.

Hiện công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề Đại Bái mới chỉ dừng ở việc thành lập các tổ thu gom rác, hàng ngày vận chuyển về 2 bãi chôn lấp tập trung của xã. Đối với nước thải, khí thải, khói bụi, tiếng ồn vượt quá nhiều lần mức cho phép, nhưng chưa có phương án giải quyết. Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Bái cho biết: Đảng ủy xã có Nghị quyết chuyên đề về khảo sát thực trạng các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ảnh hưởng đến môi trường làng nghề và đưa ra giải pháp cụ thể: Gắn vào quy ước làng nghề, động viên các hộ xây dựng ống khói từ 12m trở lên; các hộ có máy móc sản xuất phải tuân thủ thời gian quy định từ 5h đến 19h, tránh ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của người dân; các hộ tẩy rửa hóa chất bắt buộc phải xây dựng bể chứa lắng đọng... Tuy nhiên, việc xây dựng ống khói và bể chứa lắng đọng khá tốn kém, lên tới 200-300 triệu đồng/ống khói hoặc bể chứa, nên hầu hết các hộ sản xuất chưa làm được. Ngoài ra, còn hiện tượng mua bán chất thải rắn lén lút từ các nhà máy thải nhựa dính kim loại để tận dụng lõi đồng cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường lớn.
Được biết, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đúc đồng xã Đại Bái, tổng vốn đầu tư hơn 52 tỷ đồng với các hạng mục: Xây dựng hai khu xử lý nước thải sản xuất và sinh hoạt tại cụm công nghiệp làng nghề ở hai thôn Ngoài và Tây Giữa, công suất mỗi khu đạt 900 - 1.000 m3/ngày đêm, bảo đảm nước thải trước khi thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn theo quy chuẩn. Xây dựng hệ thống xử lý rác thải sản xuất và sinh hoạt với công suất khoảng 5 tấn/ngày đêm, trong đó, rác thải sinh hoạt khoảng 3,5 tấn/ngày đêm, rác thải sản xuất 1,5 tấn/ngày đêm. Đây chính là phương án khả thi giải quyết bài toán ô nhiễm làng nghề Đại Bái. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa triển khai xong. Đại Bái rất cần khu xử lý ô nhiễm môi trường tập trung để người dân yên tâm sản xuất và sinh sống.

Bài, ảnh: Hoài Anh