Kết quả tích cực trong giảm nghèo đa chiều

10/10/2019 08:08 Số lượt xem: 1370
Năm 2019 là năm thứ tư Bắc Ninh thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều (giai đoạn 2016-2020). Đây là một trong những chương trình mục tiêu Quốc gia được tỉnh đặc biệt quan tâm, xem là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

Đa dạng các giải pháp giảm nghèo


Theo đánh giá của Ban chỉ đạo (BCĐ) rà soát hộ nghèo, cận nghèo tỉnh, sau gần 4 năm thực hiện, việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều không phát sinh khó khăn, vướng mắc lớn. Thực tế triển khai cho thấy việc xác định hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và chính xác hơn so với giai đoạn trước, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. 
Trên cơ sở kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm, BCĐ tỉnh, các địa phương tập trung phân loại nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo của từng nhóm hộ nghèo như: Thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu vốn, thiếu đất, phương tiện sản xuất, tai nạn rủi ro, khuyết tật, bệnh hiểm nghèo, thiếu điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản... Các ngành, địa phương đi sâu tìm hiểu nhu cầu và khả năng thực tế của từng hộ để có hình thức giúp đỡ phù hợp với chiều thiếu hụt như: Hỗ trợ bằng vốn, dạy nghề, xây dựng, sửa chữa nhà, bảo hiểm y tế, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, kinh nghiệm làm ăn… Việc hỗ trợ được thực hiện theo hướng giảm dần hình thức hỗ trợ trực tiếp, không hoàn trả, tăng dần hình thức hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả. 

 

Lãnh đạo tỉnh và huyện Quế Võ thăm hỏi, động viên hộ gia đình nghèo xây dựng nhà ở trên địa bàn huyện.


Ngoài nguồn vốn ngân sách của Trung ương, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2017/QĐ-UBND về quy chế quản lý và sử dụng nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách - Xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Đến nay 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu đều được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách - Xã hội. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đưa ra chính sách ưu tiên đầu tư cho những hộ có ý chí thoát nghèo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất, rà soát các mô hình dịch vụ, sản xuất, kinh doanh hiệu quả để tổ chức nhân rộng, chuyển giao phù hợp với điều kiện của hộ gia đình… Từ đó nâng cao khả năng tự vận động, tự vươn lên của chính người nghèo.
Xác định chỉ số thiếu hụt cao nhất trong 10 tiêu chí giảm nghèo là nhà ở, từ năm 2016 đến 2018, ngoài tiền hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh đã nỗ lực huy động các nguồn lực xây dựng, sửa chữa 1.912 căn nhà cho người nghèo gặp khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí gần 86 tỷ đồng, hiện đang triển khai hỗ trợ giai đoạn 2019-2020. Việc thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo đã góp phần hoàn thành sớm, vượt chỉ tiêu giảm nghèo theo kế hoạch Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Kết quà rà soát mới nhất, từ cuối năm 2018 đến tháng 9-2019, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 2,06% xuống còn 1,62%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 2,48% xuống còn 2,17%.


Quyết tâm xóa hộ nghèo là người có công


Theo ông Nguyễn Văn Cậy, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bên cạnh các đặc điểm chung của hộ nghèo cả nước thì riêng với Bắc Ninh, số hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội chiếm tỷ lệ khá cao. Đây có thể coi là thách thức trong công tác giảm nghèo của tỉnh. 
Để trợ giúp thiết thực cho nhóm hộ nghèo này, tỉnh thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội đặc thù như: Hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT đối với người đủ 65 tuổi đến dưới 70 tuổi; trợ cấp hàng tháng với người cao tuổi và Đảng viên được tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng trở lên; hỗ trợ 100% kinh phí tham gia BHYT hàng năm đối với người cao tuổi đủ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi… Những chính sách mang tính vượt trước Trung ương đã khẳng định quyết tâm của Bắc Ninh trong việc gắn phát triển kinh tế với an sinh xã hội, giúp người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được tiếp cận các dịch vụ xã hội, ổn định cuộc sống.
Hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn 8 hộ nghèo thuộc diện ưu đãi người có công, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với mục tiêu không để hộ người có công nào là hộ nghèo, trong năm 2019, tỉnh và các địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực hỗ trợ các gia đình về mọi mặt như: Hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây dựng nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, thiết bị gia đình, kinh phí sinh hoạt hàng tháng… Dự kiến đến năm 2020, 100% hộ nghèo thuộc diện người có công trên địa bàn tỉnh sẽ thoát nghèo (hoàn thành sớm so với Trung ương 2 năm).
Thời gian tới, tỉnh sẽ từng bước mở rộng đối tượng chính sách, nâng mức trợ cấp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hoàn thiện các mô hình trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già cô đơn không nơi nương tựa; tăng cường hiệu quả trợ giúp đột xuất cho những người gặp rủi ro, thiên tai; trợ giúp cho các đối tượng đặc biệt khó khăn, học chữ, học nghề tạo việc làm, tự bảo đảm cuộc sống...
Tuy nhiên, để các giải pháp đề ra phát huy hiệu quả cần nhiều hơn nữa nỗ lực và ý chí thoát nghèo của hộ nghèo. Bởi sự thay đổi phương pháp tiếp cận giảm nghèo cần đi kèm với sự thay đổi trong nhận thức của chính những chủ thể hưởng chính sách. Mỗi người nghèo tự ý thức được trách nhiệm  của mình trong công cuộc giảm nghèo chung, thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước thì việc giảm nghèo mới đạt được mục tiêu bền vững và thực chất, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Hoài Phương