Hướng về nguồn cội

19/04/2021 21:37 Số lượt xem: 2106
Tháng Ba thường trở về trong thẳm sâu tâm tưởng những người con đất Việt niềm tự hào nguồn cội thiêng liêng của một dân tộc có bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đối với gần 100 triệu dân chung dòng máu Lạc Hồng, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và hai tiếng đồng bào luôn ẩn chứa những giá trị vừa thiêng liêng, cao quý, vừa gần gũi, thiết tha, sâu nặng.

Quần thể di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương luôn thu hút người dân tìm về bái yết tri ân công đức Thủy tổ dân tộc.

 

Không rõ từ bao giờ, bên triền đê sông Đuống thuộc huyện Thuận Thành ở miền Kinh Bắc văn hiến đã thấy uy nghiêm, sừng sững mộ phần Thủy tổ người Việt - Kinh Dương Vương. Đây là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của vùng đất cổ Luy Lâu-Kinh Bắc, là sự kết tinh, ngưng đọng dấu ấn linh thiêng, phản ánh sức mạnh cội nguồn dân tộc, nhắc nhở con cháu luôn nhớ về tổ tông.
Di tích này có bia đá trùng tu thời nhà Nguyễn năm 1840 đề bốn chữ Hán “Kinh Dương Vương lăng”. Phía trước phần mộ cổ còn có hai chữ Bất Vong, nghĩa là “không bao giờ mất”. Và còn một số câu đối là: “Vạn cổ giang sơn tư duy tổ/Nhất khâu phong vũ ngật hồng bi” (nghĩa là: Hàng vạn năm con cháu quy về miếu Tổ/Một nấm mồ phong ba bão táp vẫn ửng hồng); “Nghĩa Lĩnh cổ kim thành/Đức giang kim lăng miếu” (nghĩa là: Kinh thành cổ xưa núi Nghĩa Lĩnh/Lăng miếu nay ở bờ sông Nguyệt Đức)…
Ngàn đời nay, người dân Bách Việt suy tôn Kinh Dương Vương là thủy tổ của mình và tự coi mình là con cháu của Kinh Dương Vương. Công cuộc gây dựng và trị nước của Kinh Dương Vương được 235 năm sau đó Ngài tạ thế vào ngày 18 tháng Giêng tại Phúc Khang, bộ Vũ Ninh, thuộc Bắc Ninh ngày nay. Nhân dân địa phương chọn phần đất cao, địa thế đẹp đắp mộ thờ phụng ông tại làng Á Lữ bây giờ và lấy ngày giỗ đức Thủy tổ để tổ chức lễ hội.
Vinh dự, tự hào là nơi lưu giữ một tài sản lịch sử vô cùng quý giá, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo khu di tích đền thờ, lăng mộ Kinh Dương Vương ngày một khang trang, tố hảo. Khuôn viên lăng mộ được quy hoạch mở rộng hàng nghìn m2 có nhà tả văn, hữu võ, nhà bàn soạn, nhà trình... Cách lăng mộ không xa, phía trong đê là đền thờ uy nghiêm, cổ kính, lưu giữ nhiều đạo sắc phong, thần phả, bia đá, hoành phi câu đối vô cùng quý giá. Mỗi dịp giỗ Tổ Hùng Vương, đây cũng là điểm hành hương ý nghĩa của đồng bào trong nước và kiều bào nước ngoài hướng về tri ân tổ tiên, nguồn cội.
Tâm sự với chúng tôi, bà Hoàng Thị Điệp, một Việt kiều từ Ba Lan về thăm quê Thuận Thành xúc động: Mấy chục năm xa quê, trong thâm tâm tôi lúc nào cũng muốn được một lần về dâng nén tâm hương, tri ân đức Thủy tổ dân tộc và sau bao ngày chờ đợi, tháng Ba này, niềm mong ước của tôi đã thành hiện thực. Về đây, ngồi dưới bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi thâm u, tĩnh mịch, tưởng nhớ đến đức Thủy tổ dân tộc Kinh Dương Vương, mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân bỗng thấy lòng mình an nhiên, tĩnh tại lạ thường. Trong tiếng gió xạc xào lay động trên những tầng cao linh mộc, tôi như nghe thấy lời thì thầm của mẹ cha, của tổ tiên cội nguồn từ muôn xưa dội về vọng vang, che chở...
Trong rất nhiều câu chuyện trở về của những người con xa xứ, có lẽ xúc động nhất vẫn là câu chuyện của hậu duệ dòng họ Lý gốc Việt sinh sống tại Hàn Quốc-những người luôn mang nỗi niềm hoài hương. Tuy không cùng tiếng mẹ đẻ, lại sống xa vạn dặm đằng đẵng qua hàng trăm năm nhưng bằng tình yêu nguồn cội và chung dòng máu Việt chảy trong cơ thể đã hóa thành sức mạnh thần kì thôi thúc, dẫn lối, mở đường đưa những người dòng họ Lý sống trên đất khách tìm về cố hương sau 800 năm. Từ đó, dòng máu Việt không ngừng thôi thúc để cứ mỗi độ tháng Ba, con cháu dòng họ Lý ly hương lại trở về thành kính dâng nén tâm hương tưởng nhớ các bậc tiên vương triều Lý tại quê cha đất Tổ - Đền Đô (Đình Bảng, Từ Sơn).

Lăng Kinh Dương Vương (Thuận Thành) uy nghiêm dưới vườn cây cổ thụ.


Không chỉ thỏa nguyện niềm mong đợi hoài hương - “sứ mệnh đặc biệt” của dòng dõi suốt hàng trăm năm, những người họ Lý gốc Việt ở Hàn Quốc còn góp sức đầu tư phát triển kinh tế tại Việt Nam. Được biết, hậu duệ đời thứ 31 của hoàng thân Lý Long Tường là ông Lý Xương Căn sau khi tìm về với nguồn cội của mình đã quyết định đưa cả gia đình sang nhập cư sinh sống lâu dài tại Hà Nội từ năm 1999 đến nay.
Quê hương bản quán, tổ tiên dòng tộc luôn là một lãnh địa thiêng liêng trong tâm khảm của hết thảy người dân mang dòng máu Việt. Vì muôn lẽ mưu sinh và thời cuộc, hàng triệu người Việt Nam trước đây cũng như bây giờ đã ra đi và sinh sống ở nhiều quốc gia, châu lục. Tuy cuộc sống đời thường nhiều bộn bề lo toan, nhưng thẳm sâu trong đáy lòng họ, tình yêu nước Việt, nỗi nhớ quê hương nguồn cội luôn da diết khôn nguôi.
Tiếng gọi quê hương, tiếng gọi cội nguồn là tiếng gọi của con tim-mạnh mẽ và thôi thúc, thâm trầm và âm ỉ. Tiếng gọi ấy níu giữ những con người “cùng chung một bọc” xích lại gần nhau, xóa mọi rào cản, ngăn cách về chiều dài thời gian và không gian địa lý để chung lưng đấu cật, xây đắp, bảo vệ quê hương, đất nước, xứng đáng là con Lạc cháu Hồng.

Việt Thanh