HTX chuyên ngành mở lối phát triển nông sản chủ lực

08/08/2018 08:33 Số lượt xem: 2129
Cùng thời điểm Luật HTX năm 2012 đi vào cuộc sống, hàng loạt HTX chuyên ngành ra đời đem đến nhiều mảng màu tươi sáng hơn cho bức tranh về kinh tế tập thể. Không chỉ có vai trò tập hợp, vận động nông dân cùng tham gia phát triển kinh tế, các HTX chuyên ngành còn phát huy tối đa thế mạnh sản xuất đặc thù của từng địa phương.

HTX thủy sản Trường Mạnh (Thuận Thành) chuyển hướng sản xuất theo VietGap.

 


Sau nhiều năm kinh doanh vật tư, anh Trương Văn Bắc, Thượng Thôn, xã Đông Tiến, Yên Phong luôn trăn trở về việc sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún không đem lại hiệu quả. Giữa năm 2013, được sự tư vấn của Liên minh HTX tỉnh, anh quyết định cùng với một số thành viên triển khai vận động thành lập HTX với vốn điều lệ là 1,9 tỷ đồng cùng 14 thành viên. HTX xây dựng mô hình dịch vụ tổng hợp gồm cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng...; trồng cây vụ đông, bảo quản kho lạnh, cung cấp cho khu công nghiệp trong tỉnh (khoai tây, ngô…); nuôi trồng thủy sản, nuôi lợn hữu cơ từ nguồn thức ăn thừa tiếp nhận từ Công ty TNHH Samsung Electronies Việt Nam. Bên cạnh trụ sở kiêm cửa hàng kinh doanh 0,2ha, HTX có khoảng 3 ha nuôi trồng thủy sản, hơn 50 ha trồng rau màu. Ngoài ra, HTX trực tiếp thuê 200 ha đất nông nghiệp ở các xã lân cận như Tam Giang, Yên Trung… để trồng khoai tây, sau đó thu mua toàn bộ khoai thương phẩm để bán cho nhà máy ORION và một số nhà máy, siêu thị lớn có nhu cầu. Tổng sản lượng khoai tây vụ đông hàng năm của toàn HTX đạt hơn 5.000 tấn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Doanh thu các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của HTX ổn định khoảng 70 - 80 tỷ đồng/năm; lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với thu nhập 7 triệu đồng/người/ tháng. Anh Trương Văn Bắc chia sẻ: “Thay vì là HTX của toàn dân, với bộ máy lãnh đạo gọn nhẹ, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là được phân công trách nhiệm rõ ràng, chúng tôi cùng nhau tối đa hóa hiệu quả một số dịch vụ khi ký kết trực tiếp với doanh nghiệp, rút bớt một số khâu trung gian, nhờ vậy, giá trị nông sản được nâng cao”
Theo ông Nguyễn Anh Phương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, các HTX chuyên ngành mới thành lập đều dựa trên những người có nhu cầu liên kết thật sự, hoạt động sản xuất, kinh doanh tập trung vào từng lĩnh vực và thường lựa chọn một số loại sản phẩm chính như trồng rau sạch, nấm, dược liệu, hoa và cây cảnh; chăn nuôi; nuôi thủy sản,… vì vậy, phát triển mạnh mẽ nông sản chủ lực. Có không ít HTX mạnh dạn quy hoạch lại sản xuất, hợp tác tốt với các doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi căn bản đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới”.
Được biết, toàn tỉnh hiện có 168 HTX chuyên ngành nông nghiệp với 1.720 thành viên, bình quân có 10 thành viên/ HTX thấp hơn rất nhiều con số 222 thành viên/HTX như các HTX dịch vụ nông nghiệp. Trong khi, doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 của các HTX chuyên ngành nông nghiệp là 55,2 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần so với các HTX dịch vụ nông nghiệp. Thực tế thành lập và vận hành ở nhiều địa phương đã xuất hiện ngày càng nhiều những cái tên HTX vừa mạnh về tổ chức sản xuất, vừa vững vàng trong tiếp cận thị trường như HTX chuyên biệt về khoai tây, măng tây xanh, nấm,… chăn nuôi có trứng, thịt gia súc, gia cầm, nuôi cá lồng Gia Bình, Lương Tài, con đặc sản như HTX gà Hồ, HTX Phú Quý nuôi vịt trời, HTX nuôi thỏ Việt Nhật; .. Đặc biệt là HTX sản xuất công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGap được hình thành ngày càng nhiều như HTX An Phú sản xuất khoai tây sạch, HTX Liêm Anh  sản xuất rau hữu cơ; HTX thủy sản Trường Mạnh nuôi cá lồng... Quan trọng hơn, các HTX kiểu mới đã nâng cao nhận thức của chính đội ngũ quản trị về xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với năng lực và nhu cầu của các thành viên cũng như người lao động.
Mặc dù đã có những dấu ấn đáng kể nhưng phần lớn các HTX chuyên ngành hiện nay đều gặp khó về nguồn vốn đầu tư; hệ thống bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu; việc liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm nhìn chung còn lỏng lẻo… Vì vậy, các HTX này thực sự cần được quan tâm, trợ giúp hơn nữa về chính sách, định hướng phát triển để tiếp tục thực hiện sứ mệnh thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân, đẩy nhanh quá trình chuyển từ sản xuất hộ đơn lẻ, manh mún sang nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, thích ứng với cơ chế thị trường.
 

Song Giang