Hồn Việt qua thư pháp

14/09/2018 08:24 Số lượt xem: 1791
Gặp Nguyễn Văn Toàn, sinh năm 1986, thôn Tam Á, xã Gia Đông (Thuận Thành) tại chương trình hát Quan họ trên thuyền số tháng 4-2018, tôi bị cuốn hút khi thấy em đang tạo những bức thư pháp Việt bay bổng. 

Những bức Thư pháp Việt của Toàn được du khách yêu thích.

Trong mỗi bức thư pháp Việt của Toàn đều có lời thơ, hình vẽ minh họa với bố cục, đường nét và sắc độ phù hợp gây ấn tượng với người xem.

Hẹn mãi tôi cũng gặp được Toàn tại nhà riêng, bởi em bận sáng tạo những bức thư pháp Việt phục vụ du khách tại các điểm di tích lịch sử văn hóa và vẽ tranh cho các gia đình. Toàn từng là sinh viên Đại học Sư phạm Mỹ Thuật Trung ương, khoa Sư phạm Mỹ thuật. Ngay từ năm thứ ba, Toàn tham gia vẽ tranh thư pháp tại Miếu Quốc Tử Giám, chợ đêm Hà Nội, các cổng trường Đại học được nhiều người yêu thích. Ra trường, với niềm đam mê thư pháp Việt, Toàn tiếp tục trau dồi ngòi bút và được đông đảo du khách gần xa biết đến.
Toàn tâm sự: Thư pháp theo nghĩa chữ Hán là cách viết chữ đẹp. Những năm gần đây, song song với việc thể hiện thư pháp Hán, nhiều người thực hiện thư pháp bằng chữ Việt. Từ thời học Đại học, em mày mò tìm hiểu và học hỏi chủ yếu trên internet và qua sách. Lần đầu tiên em về quê viết tại chùa Dâu được du khách yêu thích khi xem những bức tranh thư pháp và nhờ em viết tặng.
Vào chính hội chùa Dâu (Thuận Thành), hội Lim (Tiên Du), hội Đền Đô (thị xã Từ Sơn), mỗi ngày Toàn viết khoảng gần 200 bức thư pháp Việt phục vụ du khách. Với lối viết tự do, sáng tạo, mỗi bức thư pháp Toàn thể hiện đều có sự khác biệt, độc đáo. Bố cục trong mỗi bức thư pháp của Toàn đều có hình vẽ minh họa như: Đào, mai, cảnh vật mùa xuân và những câu thơ, châm ngôn về cuộc sống, gia đình, tình yêu… Tùy theo nội tâm mong muốn của du khách mà Toàn viết tặng chữ phù hợp cho từng người. Theo Toàn, viết chữ xuất phát từ tâm mong muốn điều tốt đẹp nhất sẽ đến với du khách đồng thời cũng là cái duyên và sự giao cảm giữa người viết chữ và người xin chữ. Vì thế Toàn viết tặng mọi người với đa dạng các loại chữ Việt như: “Hạnh phúc”, “Tâm”, “Thuận”, “Tài”, “Lộc”, “Bình an”…
 Với lối thư pháp theo kiểu “gân” (bàn tay cầm viết không chạm vào giấy hay bàn viết; các ngón tay cầm viết từ giữa thân viết trở lên cuối thân viết), Toàn đã tạo nên những bức thư pháp bay bổng, thanh thoát, xuất thần, diễn cảm được ý tưởng chủ đề, tâm tư của người xin chữ. Theo Toàn khi cầm bút, ngoài thể hiện những đường nét rồng bay phượng múa, người viết cần phải “nhiếp tâm” với những gì mình sắp viết ra. Với mỗi người, bước vào bộ môn nghệ thuật này thì cần phải có tâm hồn thanh thản, phóng khoáng, giữ được tâm hồn như tấm gương sáng cứ tùy vật đến mà cảm hứng. Bức thư pháp đẹp phải được tạo nên bởi yếu tố bố cục, đường nét và sắc độ hòa quyện lẫn nhau. Từ bố cục tổng thể đến bố cục từng con chữ, từng âm một và dấu, khoảng trống được trải rộng tự do theo tư duy của người viết, tạo được ấn tượng khi thoáng nhìn.
Nếu coi thư pháp là một bộ môn trong ngành Mỹ thuật thì thư pháp có lẽ là môn học ít tốn kém nhất so với họa, điêu khắc, sơn mài… Để tạo nên một bức tranh thư pháp người viết chỉ cần có các dụng cụ đơn sơ là giấy, bút lông, mực Tàu. Mực thường được pha trong một cái đĩa bằng sành hoặc đá cho đến khi có được độ mực ưng ý. Sau đó người viết cầm bút chấm đầu lông vào mực rồi viết vào giấy, cườm tay không tựa trên giấy, phết viết nhẹ nhàng, trôi chảy. Để mực xuống đều, động tác phải nhanh mà liên tục, đồng thời bàn tay và cánh tay phải đưa đẩy mềm mại giống như đang múa. Tuy nhiên, người viết thư pháp Việt cần phải có sự rung cảm thực sự, sự sáng tạo, biến hóa để mỗi bức thư pháp toát lên một tư tưởng đẹp, một thái độ sống đẹp.
Thăm quan gian phòng của Toàn trưng bày đa phần là những bức thư pháp, tôi càng thấy sự sáng tạo ở một người trẻ yêu thư pháp Việt, đây chỉ là khởi điểm, mong cho em tiếp tục niềm đam mê để nâng cao giá trị tiếng Việt góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Minh Hường