Hồn quê trong tranh gốm

30/03/2022 16:00 Số lượt xem: 3887
Mặc dù không phải là người gốc ở làng Phù Lãng (huyện Quế Võ) nhưng vì yêu hội họa và yêu chất liệu gốm mộc nên trong suốt hơn 20 năm qua, Nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh đã tìm tòi, sáng tạo, tìm hướng đi mới cho nghề gốm bằng việc sáng tạo ra dòng tranh gốm với những chủ đề nông thôn đặc sắc, gần gũi được nhiều người yêu thích, đón nhận.

Bức tranh gốm hoàn thiện được tạo nên từ nhiều miếng gốm nhỏ ghép lại.

 

Ấn tượng ban đầu khi men theo những con đường dọc sông Cầu đến làng gốm Phù Lãng là từng hàng chum, vại, lọ, bình… được xếp ngay ngắn bên đường; những chồng củi cao quá đầu người kéo dài từ đầu đến cuối làng. Đến cơ sở cơ sở sản xuất gốm của nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh vừa đúng lúc anh đang vẽ phác thảo tranh cho khách đặt trước. Người nghệ nhân cầm trên tay cây bút tre dài, vừa nhìn mẫu, tay điệu nghệ đưa những đường vẽ trên nền đất đã được dàn một cách nhẹ nhàng, khéo léo và tỉ mỉ.

Hoàn thành bức phác thảo, anh Thịnh mới nghỉ tay và chia sẻ với chúng tôi nhiều hơn về hành trình gắn bó và phát triển nghề gốm của gia đình. Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, có ông ngoại và mẹ đều là họa sĩ, nghệ nhân Ðức Thịnh sớm có niềm yên thích và say mê với điêu khắc từ nhỏ. Lớn lên, cùng với việc theo học tại Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, anh Thịnh còn phụ giúp mẹ xây dựng và sản xuất các sản phẩm gốm tại Phù Lãng. Ban đầu, gia đình anh cũng làm sản phẩm gốm truyền thống như lọ, chum, vại… nhưng vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm nhựa gia dụng.

Bằng tố chất nghệ thuật sẵn có, lại được sự hỗ trợ của gia đình, anh Thịnh mạnh dạn thay đổi hướng sản xuất làm đồ gốm trang trí, trưng bày. Thay vì các bình, lọ đơn giản, anh Thịnh sản xuất những chiếc lọ hoa, lục bình, tiểu cảnh, đèn…mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao với những đường nét trang trí đặc sắc được nhiều người yêu thích và tìm mua. Trong số đó, bức tượng “Xay lúa giã gạo” được tôn vinh là 1 trong 12 sản phẩm tinh hoa của làng nghề truyền thống Việt Nam năm 2014. Nhờ vậy, anh Nguyễn Đức Thịnh được phong tặng Nghệ nhân vào năm 2016 khi mới 33 tuổi. 

 

Tô màu là một trong những công đoạn để làm tranh gốm.

 

Nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh vẫn luôn tìm tòi những hướng đi mới để tiếp tục phát triển nghề và thỏa niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật. Dòng tranh gốm ra đời sau nhiều nghiên cứu tìm hiểu dường như đáp ứng cả hai tiêu chí đó của anh. Trên nền chất liệu gốm, anh Thịnh sáng tác những bức tranh về cảnh sắc làng quê, văn hóa dân gian Việt Nam, gần gũi với thiên nhiên, ca ngợi lao động sản xuất, vẻ đẹp quê hương, đất nước như: Tranh cây đa, giếng nước, sân đình, đồng quê, ngày mùa, làng quê, tranh sen, vinh quy bái tổ, chợ quê, lễ hội, quan họ Kinh Bắc…  Anh Thịnh chia sẻ: “Tranh gốm Phù Lãng tinh tế từ khâu chọn đất, làm đất, dàn đất, vẽ phác thảo, đắp đất nổi, tỉa lại chi tiết, phân nhỏ bức tranh, đánh số, phơi tranh lần 1, ghép tranh lần một rồi tô màu cho tranh, phơi tranh lần 2, xếp trong lò sấy khô lần cuối với nhiệt độ khoảng 180 đến 200 độ C thời gian sấy khoảng 3 đến 4 giờ và cuối cùng là nung tranh ở nhiệt độ 1200 độ C trong khoảng thời gian từ 4 đến 5 ngày để tranh có sự bền màu.

Tranh gốm của Nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh không chỉ mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao mà còn phù hợp trang trí không gian nội, ngoại thất tại các khách sạn, nhà hàng, nhà vườn, khu resort… Bởi vậy, không ít khách hàng từ các tỉnh thành lớn như Cần Thơ, Đà Nẵng, Đà Lạt, Hải Dương, Phú Thọ… tìm đến anh Thịnh để đặt hàng. Với những sản phẩm gốm đáp ứng thị hiếu của khách hàng, cơ sở sản xuất gốm của gia đình nghệ nhân Đức Thịnh luôn có công việc đều đặn với mức doanh thu khoảng gần 2 tỷ đồng/ năm, tạo việc làm cho khoảng 10 lao động thường xuyên với mức lương từ 8-15 triệu đồng/ tháng. Năm 2021, cơ sở gốm Đức Thịnh được lựa chọn tham gia Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Bắc Ninh (OCOP). Đây là cơ hội đưa sản phẩm gốm Đức Thịnh cũng như sản phẩm làng nghề gốm Phù Lãng lan tỏa, vươn xa, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng diện mạo mới cho quê hương trong thời kỳ hội nhập.

Sự trở lại của gốm Phù Lãng trên những tủ trưng bày, những bức tranh trang trí trong các gia đình từ thành thị đến nông thôn, càng chứng minh sức sống mãnh liệt của những giá trị văn hóa lâu đời kết tinh trong từng sản phẩm. Sự chuyển mình của gốm Phù Lãng nói chung và của những người làm gốm như nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh nói riêng đang cho thấy sự năng động của người dân làng nghề, để không chỉ giữ được nghề, theo được nghề, mà còn đưa tinh hoa nghề gốm, đưa sắc màu văn hóa dân tộc tới bạn bè quốc tế hôm nay.

 

 

Nguyễn Quân