Hội thảo về vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong phòng chống tham nhũng

08/05/2019 18:53 Số lượt xem: 4352
Chiều 8/5, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo "Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác phòng chống tham nhũng tại Bắc Ninh". Đồng chí Nguyễn Quốc Chung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì. Đại diện lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng và sở, ban, ngành có tham luận dự.

 

Thời gian qua, Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ động phối hợp với các cấp ủy Đảng và cơ quan nội chính tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của TW; ban hành Chỉ thị số 45-CT/TU ngày 7/12/2015 của Ban Thường Vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 09-KH/TU ngày 29/2/2016 và Chương trình hành động số 11 - CTr/TU ngày 30/3/2016 và Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Hàng năm Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức rà soát nghiêm túc, hiệu quả các cuộc thanh tra kinh tế xã hội và kiến nghị của kiểm toán; kiểm tra, giám sát phòng chống tham nhũng ở một số đảng bộ cấp huyện và đảng ủy sở, ban, ngành; kiểm tra, giám sát việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; tích cực theo dõi, đôn đốc, phối hợp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các vụ án vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, ngân hàng, giám định tư pháp.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận hai nội dung lớn: Thực trạng và giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phòng chống tham nhũng; Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng (gồm 8 chuyên đề ).

Các ý kiến tham luận tập trung đánh giá việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013-2018, đưa ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được khởi tố, điều tra; tăng cường phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng; khắc phục những khó khăn trong giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở, ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt vv...

Nhiều ý kiến tham luận cũng cho rằng công tác phòng chống tham nhũng, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng hiện nay chưa đạt được yêu cầu, mục tiêu đề ra. Hoạt động tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương nhìn chung còn yếu. Nhiều đơn vị, địa phương chưa thật sự chủ động trong việc nắm tình hình, phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, đơn vị. Việc kê khai tài sản, thu nhập còn mang tính hình thức, không có tác dụng phòng ngừa tham nhũng, chưa giúp cơ quan chức năng theo dõi sự biến động tài sản, thu nhập của đối tượng phải kê khai; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng. Việc nghiên cứu chế độ chính sách chưa được quan tâm đúng mức, có hiện tượng phó mặc cho cán bộ làm chuyên môn. Vai trò của người đứng đầu trong  quán triệt, triển khai các văn bản về chế độ mua sắm tài sản tới cán bộ, đảng viên chưa cao. Quá trình xử lý thông tin tố cáo nhiều nơi còn chậm, trong giải quyết tố cáo có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, việc bảo vệ tố cáo hành vi tham nhũng còn hạn chế, cán bộ đảng viên sợ bị trù dập nên không dám tố cáo...

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nói trên là do nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm của người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí ở một số cơ quan, đơn vị chưa cao; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn nặng tính hình thức; chưa thực sự quan tâm nghiên cứu, triển khai các giải pháp phòng chống tham nhũng phù hợp, sát với thực tế địa phương, đơn vị; vai trò của người dân, cán bộ, đảng viên, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội chưa được phát huy.

Hội thảo là cơ giúp cho các cấp ủy, chính quyền có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về hiện trạng công tác phòng chống tham nhũng và các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng, trong đó có vai trò của người đứng dầu trên nhiều khía cạnh như: thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; giám sát đảng viên, cán bộ trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và trách nhiệm trực tiếp đấu tranh phòng chống tham nhũng; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần bám sát tinh thần, nội dung của Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực của thủ trưởng tại các địa phương, đơn vị, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng.

 

Gia Bảo