Hội thảo khoa học “Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm Bắc Ninh - giá trị lý luận và thực tiễn”

08/10/2018 16:00 Số lượt xem: 3631
Ngày 8-10, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, Tỉnh ủy Bắc Ninh phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm Bắc Ninh – giá trị lý luận và thực tiễn”. Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đồng chủ trì.

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo.

 

Dự hội thảo có các đồng chí Nguyễn Hữu Quất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đào Hồng Lan, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; các nhà khoa học, quản lý T.Ư và địa phương, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.

Trong đề dẫn hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến nhấn mạnh: Bắc Ninh là vùng đất giàu truyền thống văn hiến, cách mạng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Trong 18 lần về thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh: Chăm lo đời sống nhân dân; nâng cao dân trí; tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; làm tốt công tác thủy lợi; xây dựng hợp tác xã nông nghiệp; thực hiện đại đoàn kết toàn dân; xây dựng Bắc Ninh trở thành tỉnh giàu có; công tác thi đua; công tác cán bộ; công tác xây dựng Đảng... Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tầm nhìn, tính nhân văn, là tư tưởng chỉ đạo mang tính chiến lược, toàn diện và sâu sắc, có giá trị lý luận và thực tiễn, là kim chỉ nam soi đường cho toàn Đảng, cho nhân dân cả nước nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng nghiên cứu, học tập và làm theo.

 

Toàn cảnh hội thảo.

 

40 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý tập trung nghiên cứu, luận giải làm sáng tỏ giá trị lý luận và thực tiễn những lời căn dặn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 18 lần về thăm tỉnh Bắc Ninh; tầm nhìn, tính nhân văn, sự quan tâm của Người dành cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh nói riêng, cả nước nói chung; những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề xuất những giải pháp tiếp tục thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2022.

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm qua, nhất là sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh luôn khắc ghi ân tình và những lời căn dặn của Bác, tập trung chăm lo đời sống, nâng cao dân trí, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; làm tốt công tác thủy lợi; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành tỉnh phát triển toàn diện.

 

Nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh tặng tỉnh Bắc Ninh tác phẩm “Bác Hồ về thăm, chúc Tết tỉnh Bắc Ninh ngày mồng Một Tết xuân Đinh Mùi 1967 tại xã Tam Sơn”.

 

Bế mạc Hội thảo, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến tham luận tại Hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ giá trị lý luận và thực tiễn những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 18 lần Bác về thăm Bắc Ninh, cũng như những kết quả thực hiện lời căn dặn của Bác được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh vận dụng và cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Đó là bài học về tinh thần đại đoàn kết, bài học về công tác dân vận của Đảng, bài học về đội ngũ cán bộ… Từ đó, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2022 theo hướng “Hiện đại, văn hóa, sinh thái, tri thức và đô thị thông minh”.

Nhân dịp này, nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh hiến tặng tác phẩm khảm ốc “Bác Hồ về thăm, chúc Tết tỉnh Bắc Ninh ngày mồng Một Tết xuân Đinh Mùi 1967 tại xã Tam Sơn” cho tỉnh Bắc Ninh. Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh do có nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Ninh.

 

Vận dụng lời căn dặn của Bác, xây dựng Bắc Ninh thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2022

Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Là một tỉnh giàu truyền thống lịch sử, quê hương cách mạng và nổi tiếng với làn điệu Dân ca Quan họ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh luôn nhận được sự quan tâm, động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, Bắc Ninh vinh dự, phấn khởi và tự hào khi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tới 18 lần, được trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe những lời dặn dò hết sức ân cần của Người.

Trong những lời căn dặn ấy, chúng ta thấy toát lên những tư tưởng, giá trị cơ bản sau: Thứ nhất, “đoàn kết là một lực lượng”, là sức mạnh dẫn tới thành công. Thứ hai, tập hợp, phát huy “trí tuệ và lực lượng của nhân dân”. Thứ ba, kế thừa giá trị lịch sử và phát huy truyền thống cách mạng của tỉnh Bắc Ninh trong xây dựng và phát triển. Thứ tư, “Cán bộ cần phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn thể nhân dân”. Thứ năm, phát huy dân chủ, “phải có dân chủ thật sự trong Đảng. Phải thường xuyên nghiêm chỉnh phê bình và thật thà tự phê bình”. Thứ sáu, đảng viên phải “khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị”. Thứ bảy, “đảng viên và cán bộ phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa và chuyên môn”. Thứ tám, cán bộ phải tránh địa phương chủ nghĩa, “Cần phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm”. Thứ chín, các cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh phải đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, thi đua, “biến tỉnh Bắc Ninh thành một tỉnh giàu có”.

Xây dựng Bắc Ninh thành địa phương giàu đẹp, hướng tới năm 2022 đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là nhiệm vụ vô vàn khó khăn, nhiều thách thức, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh phải luôn ghi nhớ, thấm nhuần những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những lời căn dặn của Bác khi về thăm công trình thủy lợi Bắc – Hưng - Hải

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Công trình thủy lợi Bắc - Hưng - Hải là một hệ thống kênh, đập, trạm bơm, đê, với tổng chiều dài của hệ thống kênh chính là 200 km, nhằm phục vụ tưới tiêu, thoát úng cho một vùng tứ giác nước được giới hạn bởi sông Hồng ở phía tây, sông Đuống ở phía bắc, sông Thái Bình ở phía đông và sông Luộc ở phía nam. Nhận thức rõ nhân tố có ý nghĩa quyết định để công trình hoàn thành thắng lợi là vấn đề huy động sức dân, trong suốt thời gian thi công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian quý báu đến thăm công trình 4 lần; đồng thời, thường xuyên theo dõi qua báo chí, đài phát thanh để kịp thời góp ý, chỉ đạo khi cần thiết.

Những việc làm, những buổi nói chuyện với những lời căn dặn mộc mạc, ân cần, chu đáo, tình cảm nhưng hết sức sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, công nhân, bộ đội, dân công và nhân dân trên công trường thủy lợi Bắc - Hưng - Hải đã để lại cho chúng ta những bài học quý giá, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn đối với công tác lãnh đạo cũng như công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới hiện nay: Thứ nhất, đoàn kết toàn dân là điều kiện sống còn, là một trong những nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Thứ hai, muốn tập hợp, đoàn kết được toàn dân, được nhân dân nhiệt tình ủng hộ, phải làm tốt công tác dân vận với phương châm “lấy dân làm gốc”. Thứ ba, điều kiện để Đảng trong sạch, vững mạnh, được nhân dân tin tưởng, hết lòng ủng hộ, trước hết, đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm cao.

Bài học rút ra từ những việc làm, lời căn dặn của Bác khi đến thăm công trình thủy lợi Bắc - Hưng - Hải có ý nghĩa thiết thực đối với công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng nói chung và Đảng bộ Bắc Ninh nói riêng, cũng như đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp nói chung, cán bộ, đảng viên nói riêng cần suy nghĩ, nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân, soi vào tấm gương của Người để chỉnh sửa, rút kinh nghiệm sao cho xứng đáng với vị trí, trọng trách mà Đảng và nhân dân đã tin tưởng, giao phó.

Khắc ghi lời Bác dặn về công tác thủy lợi

Đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi.

Khắc ghi lời Bác dặn khi về công tác thủy lợi khi về thăm Bắc Ninh trong hai năm 1958-1959, Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Bắc Ninh huy động mọi nguồn lực phát triển nông nghiệp toàn diện, thâm canh tăng vụ, phá thế độc canh cây lúa, củng cố kết cấu hạ tầng, phát động toàn dân làm thủy lợi để chống hạn, chống úng. Trong không khí thi đua sôi nổi ấy, bà con trong làng, trong xã tiến hành quy hoạch lại đồng ruộng, nhiều kênh mương, bờ vùng, bờ thửa, cầu, cống được tôn tạo, nạo vét, tưới tiêu chủ động. Nhờ vậy, từ mỗi năm chỉ cấy được 1 vụ lúa bấp bênh, đã cấy được 2 vụ lúa và 1 vụ màu, sản xuất nông nghiệp phát triển tạo điều kiện để các địa phương hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, chi viện cho miền Nam, bảo đảm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đạt được trong 60 năm qua chính là kết quả của quá trình vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào tình hình thực tiễn địa phương, trong đó việc học tập, làm theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc năm 1959, là động lực quan trọng để kiến thiết xây dựng địa phương phát triển toàn diện như hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng hình ảnh và những lời căn dặn của Người thể hiện sự quan tâm, thương yêu, động viên, khích lệ rất cụ thể và gần gũi, để lại những bài học lớn về sự gần dân, thân dân, vì dân, vẫn mãi là nguồn cổ vũ, động viên cán bộ và nhân dân không riêng tỉnh Bắc Ninh vươn lên không ngừng trong sự nghiệp đổi mới, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam văn minh, giàu mạnh.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp góp phần xây dựng Bắc Ninh thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2022

Đồng chí Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.

Trong 18 lần về thăm Bắc Ninh, Người đề cập đến 10 nội dung lớn, trong đó có 6 nội dung đề cập đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Riêng trong hai năm 1958-1959, tỉnh Bắc Ninh vinh dự được 5 lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Người mong muốn: cán bộ và nhân dân Bắc Ninh đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt khó vươn lên củng cố, xây dựng và phát triển tổ đổi công, hợp tác xã nông nghiệp, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp...; xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành một tỉnh giàu có.

Sáu mươi năm thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bắc Ninh từ một tỉnh thuần nông, còn nhiều khó khăn nay đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Nông nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực: Phương thức sản xuất dần chuyển từ sản xuất nhỏ theo kiểu truyền thống sang sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi, đặc biệt là các tiến bộ kỹ thuật về giống cây, con; quy trình sản xuất an toàn, công nghệ nhà lưới, nhà kính, tưới tự động...

Tiếp tục thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tam nông, nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp đáp ứng mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Ninh thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tập trung chỉ đạo làm tốt kế hoạch thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, rà soát điều chỉnh quy hoạch ngành, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn. Đẩy mạnh chỉ đạo phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã, kinh tế trang trại. Xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung gắn với cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ. tiếp tục duy trì và chỉ đạo các phong trào thi đua xây dựng người cán bộ, công chức kiểu mẫu; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn. Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tiên Du làm theo lời Bác

Đồng chí Nguyễn Công Thắng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tiên Du.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 18 lần về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh, huyện Tiên Du vinh dự được một lần đón Bác vào ngày 14-9-1959. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua huyện đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hình thành nhiều trang trại, gia trại, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch cho giá trị kinh tế cao, xây dựng nhiều thương hiệu sản phẩm góp phần tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Chương trình xây dựng nông thôn mới, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai tích cực. 

Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Du đã vinh dự được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2003; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2010; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2014 và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành trao tặng.

Thời gian tới, huyện Tiên Du tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Ninh và về thăm huyện Tiên Du, phát động các phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành; biểu dương nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình sản xuất kinh doanh, nông, lâm nghiệp, thủy sản... Thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành ngân sách; đầu tư xây dựng cơ bản; phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, nhất là về di sản văn hoá phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường. Bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Trung tâm hành chính công cấp huyện, cơ chế một cửa liên thông cấp xã. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, gắn với triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về công tác xây dựng Đảng, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị lần thứ năm, sáu, bảy Ban Chấp hành T.Ư khóa XII, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Đình Bảng thực hiện tốt lời căn dặn của Bác

Đồng chí Nguyễn Tiến Doanh, Bí thư Đảng ủy Phường Đình Bảng.

Phường  Đình Bảng (thị xã Từ Sơn) vinh dự được đón Bác 4 lần đón về thăm. Lần đầu, ngày 13 tháng 9 năm 1945; Lần thứ hai, ngày 04 tháng 02 năm 1946; Lần thứ ba, cuối tháng 10 năm 1946; Lần thứ tư, ngày 17 tháng 12 năm 1955

Thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đình Bảng càng thêm tự hào, phấn khởi, càng tăng thêm ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng. Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đình Bảng mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm không ngừng tăng giá trị trên 1 ha đất canh tác. Nhiều mô hình trang trại VAC hoạt động có hiệu quả, chuyển dần từ cấy lúa sang trồng hoa màu, cây cảnh và sản xuất rau an toàn. Năm 2017 đã đạt giá trị bình quân 104 triệu/ha đất canh tác/năm.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được quan tâm, cải thiện, các thiết chế văn hóa của địa phương được đầu tư thỏa đáng như: hệ thống điện, đường, trường, trạm, các nhà văn hóa, sân vận động, nhà thi đấu,... bảo đảm nhu cầu vui chơi, giải trí, hội họp của các tầng lớp nhân dân.

Giờ đây, Đình Bảng đã phát triển từ xã lên phường, được Nhà nước tặng bằng Có công với nước" và danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng trong kháng chiến chống Pháp, làm theo lời Bác “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình/Để tham gia kháng chiến/Để giữ gìn hòa bình ” mà lập công xuất sắc cũng được Nhà nước tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đảng bộ phường nhiều năm đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Chính quyền được tặng cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban nhân dân tỉnh; được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Trong thời gian tiếp theo, Đảng bộ và nhân dân phường Đình Bảng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ làm theo những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện tốt việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quyết tâm xây dựng Đảng bộ và chính quyền hằng năm đạt trong sạch, vững mạnh, xây dựng quê hương Đình Bảng ngày càng phát triển bền vững, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua phong trào nghìn việc tốt

Anh hùng Lao động, NGND. Nguyễn Đức Thìn.

Nội dung phong trào hướng vào những việc cụ thể, dễ nhớ, dễ thực hiện, như: xây dựng nền nếp học tập, giữ gìn vệ sinh trường lớp, sạch làng tốt ruộng, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người già cô đơn, lao động giúp gia đình, hỗ trợ hợp tác xã, bảo vệ của công, làm kế hoạch nhỏ, chăm đọc sách báo, rèn luyện thể dục thể thao... Đây đều là những việc phù hợp với tâm sinh lý, khả năng của thiếu nhi. Từ "làm" mở đầu rất lôi cuốn và hấp dẫn thiếu nhi, bởi khối lượng thực hiện cũng rất linh hoạt; "nghìn việc" không mang ý nghĩa số học tuyệt đối mà là số nhiều, số mở, viết bằng chữ như những ước mơ tiến bộ của các em. Mỗi em có thể chọn những việc mình có khả năng thực hiện hoặc cố gắng là có thể thực hiện được ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Mức độ hoàn thành một hoạt động cũng không gò bó mà được khích lệ theo hướng đó; "việc tốt"  là những  việc có ích cho bản thân, cho tập thể, cho xã hội với kết quả tốt nhất cho sự phấn đấu của mình.

Phong trào “Nghìn việc tốt” đậm tính nhân văn, tạo ra phong cách sống đẹp. Ngay từ những ngày đầu phát động đã sớm được mở rộng, có giá trị tư tưởng và thực tiễn về nội dung, biện pháp tích cực học tập, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, mở tầm nhìn chiến lược giáo dục. Lời phát động “Nghìn việc tốt” sớm được Bác Hồ, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân khen ngợi, khuyến khích, động viên duy trì và phát triển. Việc tốt là việc có ích cho nước, cho dân, cho mình để tiến bộ, để là người tốt, người nhân ái, tử tế của đời. Làm nghìn việc tốt là làm nhiều việc tốt để trở thành người tốt, người chân chính, có bản lĩnh nhân ái Việt Nam. Có làm việc tốt mới gọi là người tốt.

Nâng cao chất lượng phong trào “Nghìn việc tốt” để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần sự đầu tư để hoàn thiện “Phòng truyền thống Nghìn việc tốt làm theo lời Bác” và “Công viên Nghìn việc tốt” ở Tam Sơn để lưu niệm và tỏa sáng tình cảm của Bác Hồ, của bao người chăm sóc và tình cảm của thiếu nhi trong và ngoài nước.

Vũ Thắng-Việt Anh