Hội nghị trực tuyến về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu

23/04/2018 15:57 Số lượt xem: 1030
Ngày 23- 4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính Phủ  Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu trong cả nước. Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Nguyễn Hữu Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan dự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn  Hữu Thành tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu các sở, ngành liên quan tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu phát triển bền vững.

 

Năm 2017, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, tăng 21,2% so năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương. Việt Nam có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng, trong đó 20 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD và 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa, cơ cấu thị trường xuất khẩu cơ bản tốt, đặc biệt đối với nhóm hàng công nghiệp. Năm 2017, thị trường Hoa Kỳ chiếm 20,6% xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp (35,8 tỷ USD), thị trường EU chiếm 17,6%; 3 thị trường khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) chiếm gần 30%.

Tại Bắc Ninh, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,85 tỷ USD, tăng 30,7% so năm 2016, chiếm 14,9% xuất khẩu toàn quốc và xếp thứ 2 cả nước. Đóng góp cho xuất khẩu chủ yếu là khu vực doanh nghiệp FDI, chiếm tới 96,1%. Nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là: Điện thoại di động, linh phụ kiện điện tử, sản phẩm bằng gỗ và hàng dệt may. Riêng điện thoại di động Smartphone và linh kiện chiếm tới 71,3% tổng kim ngạch xuất khẩu và tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh không có nước nào trên thế giới có thể công nghiệp hóa, trở thành một nước thu nhập cao mà không thành công trong xuất khẩu. Những quốc gia thành công, doanh nghiệp thành công đều coi thế giới là thị trường phải vươn ra. Vì thế các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần có tầm nhìn và chăm lo đến xuất khẩu. Bởi, ngoài thị trường trong nước gần 100 triệu dân thì chiếm lĩnh được thị trường thế giới là con đường để nền kinh tế Việt Nam cất cánh. Hơn nữa, một nước nhập khẩu hoặc nhập siêu cao cũng là cội nguồn của lạm phát mà lạm phát cao thì kinh tế bấp bênh, đời sống người dân khó khăn. Đề nghị các doanh nghiệp và hiệp hội ngành, hàng phải chỉ ra những mặt được, chưa được, nhận diện những cơ hội, thách thức, khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ…

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành giao Sở Công Thương và các sở ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với tỉnh giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu phát triển bền vững, trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề chính là: Phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong việc sản xuất các linh, phụ kiện công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong cụm ngành công nghiệp hỗ trợ; tăng cường phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao để gia tăng số lượng và chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị trường xuất khẩu…

Thanh Ngân