Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.

11/08/2022 16:36 Số lượt xem: 2690
Sáng 11-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2022 chủ đề  “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các Ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các Hiệp hội, doanh nghiệp.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh, đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì; cùng dự có đồng chí Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh

 

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp rất nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được một số kết quả tích cực khi chứng kiến nền kinh tế phục hồi ở hầu  hết các ngành, lĩnh vực; hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hội nhập và đối ngoại được mở rộng và đẩy mạnh.

Các đại biểu đánh giá toàn diện tình hình sản xuất kinh doanh 7 tháng năm 2022; tác động của kinh tế thế giới tới hoạt động trong nước, nhận định cơ hội, khó khăn, rào cản, vướng mắc cần tháo gỡ và lắng nghe đề xuất cụ thể một số giải pháp của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nhằm triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến, tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp, sự trao đổi thẳng thắn của đại diện các bộ, ngành, địa phương; cảm ơn sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào những thành tựu, kết quả chung của đất nước; chia sẻ với các khó khăn, thách thức và mất mát mà các doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua; mong muốn và tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng bản lĩnh, lớn mạnh, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số nội dung lớn mang tính chất nền tảng để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển: giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy các loại thị trường phát triển mạnh mẽ, an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân; các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc của tất cả các loại hình doanh nghiệp; thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công để dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn vốn trong xã hội, trong đó có nguồn vốn của doanh nghiệp; làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp doanh nghiệp phát triển ….

Trước mắt cần tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể: Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu; tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19; đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động đáp ứng yêu cầu thị trường; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh…

Về các nhiệm vụ, giải pháp dài hạn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tạo thuận lợi và niềm tin cho doanh nghiệp xây dựng định hướng đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn và bền vững. Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.

Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nhân tiếp tục nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh… tiếp tục đóng góp nhiều hơn vào quá trình xây dựng đất nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Dương Hoàn