Hiểu rõ, làm đúng

14/02/2019 08:51 Số lượt xem: 576
Tối mùng 2 Tết vừa rồi, chị Xuân hàng xóm sang nhà tôi chúc Tết. Vừa được đôi câu chuyện chị bỗng chuyển chủ đề:

-Hồi chiều tôi ra chùa đăng ký cúng dâng sao giải hạn, nhiều người đăng ký lắm, may có người quen năn nỉ hộ sư thầy mới xếp lịch được cho vào ngày rằm tháng Giêng. Mà cô đã tính cúng ở đâu chưa, làm vào ngày nào vậy?
- Em không định cúng dâng sao giải hạn chị à.
- Mùng 1 nào tôi chẳng thấy cô đi lễ chùa, tưởng cô tín lắm cơ mà? Duy vật duy tâm chưa biết cái nào thắng cái nào nhưng các cụ đã bảo “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nếu cô không tin các ông đồng bà cốt thì cứ ra chùa nhờ sư thầy cúng cho. À mà hồi chiều tôi gặp đúng vợ ông thầy cúng năm ngoái cúng dâng sao giải hạn hộ nhà tôi, bà ấy cũng đăng ký cúng tại chùa. Thảo nào năm ngoái anh nhà tôi sao Kế Đô chiếu mạng, đã mời thầy về nhà cúng kính cẩn thận từ đầu năm mà giữa năm anh ấy vẫn bị người ta đâm xe, gẫy cả xương sườn, vừa hại sức khỏe vừa tốn bao tiền của. Từ nay tôi chẳng tin thầy bà nào cả, ra chùa cúng cho lành mà lại tiện. Cứ nộp 150 nghìn đồng, nhà chùa chuẩn bị sẵn lễ vật, mình chỉ việc đến ngồi làm lễ, nếu cần hình nhân thế mạng thì mới phải nộp thêm vài chục nghìn mỗi hình.
- Chị nên nghiên cứu kỹ về tục cúng dâng sao giải hạn rồi hãy quyết định xem có làm hay không, nếu làm thì phải đúng. Mấy năm gần đây, nhiều vị chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định trong giáo lý nhà Phật không có tục cúng dâng sao giải hạn, việc tiến hành cúng dâng sao giải hạn tại các chùa là không đúng, cần được chấm dứt. Chúng ta cũng cần phải hiểu cho đúng về việc đi lễ chùa. Đến chùa là để thiền định, tu tâm, dưỡng tính, hướng đến cái thiện, học cách buông bỏ, sống nhân ái, bao dung chứ không phải mang vài đồng tiền lẻ để lên các ban thờ Phật rồi cúng xin đủ thứ từ tiền bạc, sức khỏe, công danh... Nếu việc cầu xin đó mà thành sự thực được thì trên thế giới này làm gì có tai ương, tật ách, làm gì có ai ốm đau, hoạn nạn.
- Hàng xóm nhà tôi ở quê trước kia có bà cụ Xảo. Hồi tôi còn nhỏ thì bà ấy đang tuổi trung niên, buôn bán rất tài. Thiên hạ đồn bà ấy chuyên mua đồ của bọn kẻ cắp ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) mang về bán cho người dân quê. Mua rẻ, bán đắt nên kinh tế nhà bà ấy rất khấm khá. Có lần tôi theo bà nội đi lễ chùa, tình cờ nghe thấy bà Xảo đang sám hối trước tượng Phật, đại ý thừa nhận tội lỗi buôn gian bán lận, mong đức Phật tha thứ nhưng ngay sau đó bà ấy lại cầu đức Phật phù hộ cho buôn may bán đắt. Giờ bà ấy lẩn thẩn trong khi con cái hư hỏng cả. Cô nghĩ xem, thế không phải là quả báo thì là gì?
- Suy từ góc độ khoa học, nếu làm nhiều việc khuất tất thì tâm sẽ chẳng yên, dồn nén lâu ngày có thể dẫn đến bị bệnh tâm thần. Mải buôn bán làm ăn, bỏ bê giáo dục con cái thì chúng hư cũng là chuyện bình thường. Mình không nên phán xét người ta nhưng cũng nên lấy đó để tự nhìn lại mình, tu tâm, dưỡng tính, tích cực học hỏi, nâng cao hiểu biết để sống tự do, tự tại.
Mải câu chuyện, chẳng mấy lúc đã đến khuya. Lúc chị Xuân đứng lên đi về, để lại lời hẹn chắc nịch: Cô nói có lý, phàm việc gì cũng phải hiểu rõ thì mới làm đúng. Từ nay trở đi, đến ngày mùng một hàng tháng cô gọi tôi cùng đi chùa với nhé.

Vân Giang