Hiệu quả bước đầu sau sáp nhập tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng

13/08/2018 08:38 Số lượt xem: 1228
Sau sáp nhập các đơn vị trong hệ dự phòng thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tháng 4-2018, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo sáp nhập 2 đơn vị khám chữa bệnh có chức năng tương đương là Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Phục hồi chức năng thành Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng. Khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, về công tác tổ chức, đội ngũ cán bộ… hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện nhanh chóng được duy trì ổn định và đạt được bước tiến mới.

Trẻ tự kỉ, bại não được hướng dẫn các phương pháp tập vận động, tập nói có hỗ trợ bằng máy…

 

Bà Chu Thị Hồng ở phường Tiền An, TP Bắc Ninh trước đây đăng kí thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh tại bệnh viện Y học cổ truyền. Nghe thông tin bệnh viện và bệnh viện Phục hồi chức năng sáp nhập, bà và các bệnh nhân khác không khỏi hoang mang, không biết mình có phải mua lại bảo hiểm khác hay không, hay việc khám chữa bệnh có ảnh hưởng gì hay không. Tuy nhiên, ngay khi vừa có quyết định sáp nhập, bà được Bảo hiểm xã hội tỉnh cấp lại cho 1 đầu thẻ bảo hiểm khác, tiếp tục được đăng kí khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện mới. Không chỉ được điều trị các bệnh về xương khớp thường gặp ở người cao tuổi, bà Hồng còn được khám, tư vấn rất tận tình về răng hàm mặt, về mắt và một số bệnh lí thường gặp khác. Vì vậy, bà rất yên tâm và sẽ tiếp tục lựa chọn Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng là nơi chăm sóc sức khỏe cho mình.
Bác sĩ Trịnh Xuân Phong, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết:  Mặc dù sau sáp nhập, 2 bệnh viện với 2 đầu thẻ bảo hiểm khác nhau nhưng trong thời gian rất ngắn, đơn vị thống nhất được với Bảo hiểm xã hội trong việc chuyển mã thẻ thành 1, không để ảnh hưởng đến người bệnh. Tuy nhiên, bệnh viện cũng gặp khó khăn bởi cơ sở vật chất của đơn vị sau sáp nhập không được xây mới mà sử dụng lại của 2 bệnh viện cũ. Việc sắp xếp cơ sở vật chất, vận chuyển bệnh nhân từ khoa phòng này đến khoa phòng khác hay việc thực hiện các dịch vụ kĩ thuật chưa được đồng bộ theo đúng mô hình quy định.
Sáp nhập 2 đơn vị, kết hợp và phát huy được hiệu quả hơn những thế mạnh vượt trội của y học cổ truyền và phục hồi chức năng, hiệu quả điều trị cho bệnh nhân cũng theo đó mà tăng lên. Đơn cử như việc điều trị cho các trẻ bị tự kỉ, bại não. Nếu trước đây ở bệnh viện Y học cổ truyền số lượng trẻ điều trị còn hạn chế thì nay trung bình mỗi tháng cũng có trên dưới 30 trẻ, phương pháp điều trị ngoài điện xung, điện phân, lazer nội mạch, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt thì nay còn có thêm các phương pháp khác như oxy cao áp, tập vận động, tập nói có hỗ trợ bằng máy, lazer châm…
Ông Trịnh Quang Dũng ở phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh là ông nội của bé Trịnh Đăng Khôi bị bại não từ khi mới sinh chia sẻ: Cháu từ khi sinh ra đã chậm phát triển, bố mẹ phải đi làm nên ông, bà là người theo cháu đến viện điều trị. Cháu làm các kĩ thuật y học cổ truyền thì ông bế, vào lồng thở oxy cao áp thì bà cũng vào nằm cùng, tập vận động, tập nói… đều có các cô y tá, điều dưỡng hỗ trợ. Nhờ thế mà hiệu quả cũng thấy rõ rệt, khi mới vào cháu gần như không cử động mấy nhưng nay đã có thể tự nâng được cổ và tập các động tác vận động đơn giản.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Nội nhi chia sẻ: Sau khi sáp nhập, bản thân chị cũng như nhiều cán bộ, nhân viên trong bệnh viện đều băn khoăn, lo lắng. Nhưng nhờ có lãnh đạo Sở cũng như lãnh đạo bệnh viện quan tâm và ổn định tư tưởng nên cơ bản mọi người đều nhanh chóng hòa nhập và bắt nhịp vào công việc mới. Trước khi sáp nhập, kiến thức của chị Mai về lĩnh vực phục hồi chức năng còn hạn chế, sáp nhập 2 đơn vị vừa là điều kiện, cũng vừa là yêu cầu bắt buộc để chị phải học hỏi thêm để trau dồi năng lực chuyên môn, đáp ứng công việc.
Không riêng cá nhân bác sĩ Mai, hầu hết các cán bộ của bệnh viện sau khi sáp nhập đều ý thức được vấn đề này, nên việc kết hợp, phát huy thế mạnh của lĩnh vực y học cổ truyền và phục hồi chức năng ngày càng đạt được những kết quả nhất định.
Quy mô 300 giường bệnh nhưng thực kê tới 360 giường để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, trong 3 tháng kể từ khi sáp nhập, bệnh viện đã thực hiện hơn 5300 lượt khám bệnh, điều trị ngoại trú cho hơn 900 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho hơn 1100 bệnh nhân… Để nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh, bệnh viện triển khai thêm 20 kĩ thuật mới, trong đó có 16 kĩ thuật lâm sàng trong phân tuyến và 4 kĩ thuật vượt tuyến. Ngoài trọng tâm vào các kĩ thuật liên quan đến y học cổ truyền và phục hồi chức năng, bệnh viện cũng tăng cường đào tạo các kĩ thuật liên quan đến các chuyên khoa răng hàm mặt, tai mũi họng…để phục vụ khám chữa bệnh BHYT cho người bệnh.
Thời gian tới, để phát huy những thế mạnh vốn có của 2 đơn vị và tăng cường hơn nữa hoạt động của bệnh viện, đơn vị sẽ có sự sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy phù hợp từ các khoa phòng, buồng bệnh để đảm bảo sự liên hoàn, thống nhất, tạo điều kiện tối đa cho người bệnh điều trị tại viện. Mặt khác, để củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo bệnh viện hoạt động đúng theo chức năng, nhiệm vụ sau khi sáp nhập, ngoài việc tự đào tạo tại chỗ, đơn vị sẽ tiếp tục cử các y, bác sĩ đi đào tạo ở tuyến trung ương về các chuyên khoa, đặc biệt là chuyên khoa sâu của y học cổ truyền và phục hồi chức năng.

Nguyễn Oanh