Hiến giác mạc, một nghĩa cử cao đẹp của cô giáo miền Quan họ

23/02/2020 17:34 Số lượt xem: 1617
Nhà giáo Phạm Thị Hiên, sinh năm 1976 ở số nhà 92, phố Phó Đức Chính, Khu Thị Chung, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh qua đời ngày 16-2-2020 đã hiến giác mạc cho Bệnh viện Mắt Trung ương. Người dân tổ dân phố vườn hoa “Thân thiện” ai cũng cảm động trước việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn của cô giáo Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh.

Cô giáo Phạm Thị Hiên (bên trái) cùng cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Nhung (ảnh do Trường Tiểu học Đại Phúc cung cấp).

Chúng tôi đến thăm gia đình nhà giáo Phạm Thị Hiên khi cô giáo đã mất gần một tuần. Căn nhà số 92, phố Phó Đức Chính nhìn trống vắng và bao trùm không gian tĩnh lặng. Bà Nguyễn Thị Mai là mẹ đẻ nhà giáo Phạm Thị Hiên không giấu được cảm xúc, mắt nhoè nhìn di ảnh con gái, bà nghẹn ngào không nói lên lời. Ông Lê Văn Tuân, Tổ trưởng dân phố khu vườn hoa “Thân thiện” cho biết, gia đình nhà giáo Phạm Thị Hiên và chồng là anh Dương Đăng Miên là gia đình điển hình tiên tiến. Vợ chồng nhà giáo Phạm Thị Hiên sống rất tình cảm, 2 người con trai của anh chị rất ngoan, được nhân dân trong tổ dân phố yêu mến. Hai vợ chồng đều giỏi giang, luôn tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào do tổ dân phố, phường phát động. Hành động hiến giác mạc của nhà giáo Phạm Thị Hiên được nhân dân trong tổ dân phố ghi nhận, cảm động, khâm phục.

Nhà giáo Phạm Thị Hiên sinh năm 1976 ở Kim Đào, thị trấn Thứa, huyện Lương Tài. Từ khi còn học phổ thông, chị Phạm Thị Hiên đã mong ước làm nghề “trồng người”; tốt nghiệp THPT chị đăng ký thi, trúng tuyển và vào học tại Trường THSP Hà Bắc, tốt nghiệp sư phạm về dạy học ở Trường Tiểu học Đức Long, huyện Quế Võ từ tháng 8 năm 1996, đến tháng 9 năm 1997 thì chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Phúc cho biết: Cô giáo Phạm Thị Hiên là một nhà giáo tâm huyết với nghề dạy học, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có nhiều thành tích trong phong trào thi đua của ngành giáo dục, được đồng nghiệp, phụ huynh học sinh và các thế hệ học sinh quý trọng, yêu mến. Cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng nhà trường khi mới 38 tuổi. Cách đây hơn 2 năm, cô Hiên phát hiện bị mắc căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Mặc dù rất buồn, song ngay khi đó cô đã có ý định hiến giác mạc cho y học. Biết ý định của vợ, anh Dương Đăng Miên cũng rất ủng hộ việc làm đầy ý nghĩa và nhân văn này. Khi vợ lâm chung, qua đời, anh đã cùng gia đình, nhà trường thực hiện ý nguyện của cô Hiên là hiến giác mạc cho Bệnh viện Mắt Trung ương. Ca hiến giác mạc diễn ra nhanh chóng. Dù đau thương trước sự ra đi của cô Hiên, nhưng gia đình cô đã rất tự hào về người con, người vợ, người mẹ mà gia đình yêu thương nhất. Bà Nguyễn Thị Mai là mẹ đẻ cô Hiên tâm sự rằng, cô con gái bé nhỏ của bà vẫn còn đang tồn tại trên thế giới này và đã làm được những điều tốt đẹp cho cộng đồng. Còn anh Miên cho biết, giác mạc của vợ anh, nhà giáo Phạm Thị Hiên sẽ được Bệnh viện Mắt Trung ương ghép cho những người tâm đức.
Câu chuyện cảm động về nhà giáo Phạm Thị Hiên - người hiến giác mạc cho Bệnh viện Mắt Trung ương đã tạo nên sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Hành động đẹp của nhà giáo miền Quan họ sẽ mãi làm lay động lòng người, khiến cho chúng ta suy nghĩ sống làm sao cho có trách nhiệm hơn với gia đình, với cộng đồng.
Hiến tạng là một nghĩa cử nhân văn giúp hàng chục nghìn người bệnh được cứu sống. Bất cứ ai cũng có thể hiến giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Những người có thị lực kém và ngay cả những người mắc bệnh nan y như ung thư hay đái tháo đường... vẫn có thể hiến tặng giác mạc. Giác mạc hiến tặng phải được lấy trong khoảng 6-8 giờ sau khi người hiến qua đời.
Hiện có hai địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam để đáp ứng nguyện vọng đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời là Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy (T.P Hồ Chí Minh) và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).

Đặng Đình Tính