Hành trang cho trẻ khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng

14/03/2019 08:10 Số lượt xem: 2120
 Ngoài việc chăm sóc theo chế độ, hàng ngày trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội (NDNCC&BTXH) tỉnh được học, các môn văn hóa, học nghề phù hợp với khả năng bản thân. Nhờ sự tận tâm, trách nhiệm của các cán bộ, giáo viên, hầu hết các em đều được chuẩn bị một hành trang vững chắc, tự tin bước vào cuộc sống.

Giờ học thêu của cô và trò trung tâm NDNCC&BTXH tỉnh.

 

Bà Nguyễn Thị Thuận, Giám đốc trung tâm NDNCC&BTXH tỉnh cho hay: “Đầu năm 2019, từ sự hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất của tỉnh, trung tâm được bàn giao khu phòng học khang trang, hiện đại với 14 phòng, đầy đủ trang thiết bị phục vụ việc dạy chữ, dạy nghề. Cùng với đó, các cán bộ, giáo viên luôn chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống giúp các em hình thành thái độ tự tin vào bản thân, có trách nhiệm, sẵn sàng vượt qua mặc cảm khuyết tật, hòa nhập với cộng đồng”.
Hiện trung tâm đang nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục 170 trẻ khuyết tật của tỉnh. Mỗi em một dạng khuyết tật khác nhau như: Câm điếc, bại não, khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ…, trong đó nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc hộ nghèo. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, học tập nhưng với sự quan tâm, kiên trì giáo dục của các cô giáo, hầu hết trẻ sau một thời gian vào trung tâm đã biết đọc, biết viết, làm toán, chủ động, linh hoạt hơn trong sinh hoạt của bản thân và biết cách ứng xử tình huống.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên dạy chữ tại trung tâm cho biết: “Hiểu hoàn cảnh của các em, tôi luôn cố gắng tìm cách truyền đạt kiến thức phù hợp nhất với từng dạng khuyết tật và quan trọng là từng bước giúp các em thoát khỏi sự mặc cảm, tự ti. Chẳng hạn với học sinh khiếm thính phải tăng cường giao tiếp bằng ánh mắt, dùng ngôn ngữ ký hiệu diễn tả lặp đi lặp lại nhiều lần. Cảm xúc của các em rất mạnh, đôi khi không kiềm chế được có thể phản ứng gay gắt. Do đó, mỗi cô giáo ở đây đều hết lòng yêu thương, đồng cảm, sẻ chia, uốn nắn các em trước hết về đạo đức, rèn luyện sự lễ phép, sống tự lập, biết quan tâm đến người khác, đồng thời phải luôn khuyến khích, tạo điều kiện để trẻ có cơ hội phát biểu ý kiến, dù là một câu trả lời đơn giản nhưng cũng có thể giúp các em phấn khởi, tự tin”.
Nhằm tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật tham gia lao động, hòa nhập cộng đồng khi đủ tuổi trưởng thành, việc dạy nghề được đưa vào chương trình học song song với học văn hóa. Tùy vào lứa tuổi, loại khuyết tật, khả năng lao động mà trung tâm sắp xếp cho từng em học một hoặc nhiều nghề trong 5 nhóm nghề chính: Làm hoa giấy, tin học, may công nghiệp, thêu, vẽ tranh. Trong đó may công nghiệp là nghề được đào tạo nhiều nhất bởi có nhiều cơ hội việc làm. Ban đầu các em học trên máy may thủ công để làm quen với các động tác cơ bản. Sau một thời gian, em nào thành thạo sẽ được chuyển sang học trên máy may công nghiệp.
Cô giáo Nguyễn Thị Lý, giáo viên dạy nghề may công nghiệp tự hào chỉ cho chúng tôi một số sản phẩm hoàn chỉnh được thực hiện từ chính bàn tay của học sinh như: Áo sơ mi, áo đồng phục, các bộ phận áo ký giả… “Dạy nghề cho trẻ khuyết tật phải kết hợp động viên các em vượt qua mặc cảm khiếm khuyết cơ thể, nuôi dưỡng ước mơ trở thành người có ích cho xã hội. Các em nhỏ tại đây mỗi người có một dạng khuyết tật khác nhau, khả năng tiếp thu khác nhau nên để học tốt một nghề đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn lại, vượt khó của cả thầy và trò…”
Hiện Trung tâm NDNCC&BTXH tỉnh liên kết với Trung tâm Dạy nghề phục hồi chức năng người tàn tật tỉnh  đưa một số chi tiết đơn đặt hàng may cho các em thực hành sản xuất. Sau thời gian học tập, những em có khả năng tiếp thu và làm tốt sẽ được trung tâm Dạy nghề phục hồi chức năng người tàn tật tạo điều kiện ký hợp đồng làm việc với mức lương ổn định.  Trên thực tế, việc học nghề đã thay đổi cuộc sống của nhiều trẻ khuyết tật. Sau thời gian học tập tại trung tâm, phần lớn các em đều đạt yêu cầu cấp chứng chỉ nghề sơ cấp, tự tin trở về lao động tại đia phương.
Có lẽ niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của các cán bộ, cô giáo là chứng kiến sự thay đổi tích cực của từng em học sinh qua mỗi năm gắn bó. Với kiến thức, sự tự tin, tay nghề được đào tạo, nhiều em sau khi rời trung tâm đã tìm được việc làm, thu nhập ổn định. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục theo đuổi mục tiêu giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật là hình thành và phát triển nhân cách toàn diện, chuẩn bị tốt các kỹ năng xã hội, tay nghề cơ bản làm tiền đề cho trẻ tự khẳng định, hòa nhập cộng đồng. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này đòi hỏi sự quan tâm, chung tay nhiều hơn nữa của các cấp ngành và toàn xã hội trong việc đầu tư trang thiết bị chuyên biệt, tạo thêm nhiều việc làm, cơ hội học tập cho trẻ khuyết tật, đặc biệt là xây dựng một môi trường sống, làm việc công bằng, bình đẳng, từng bước xóa bỏ rào cản kỳ thị với người khuyết tật.

Thương Huyền