Hành động vì văn hóa đọc

26/05/2020 19:49 Số lượt xem: 1907
Văn hóa đọc đã và đang có sự lan tỏa tới cộng đồng, nhưng để việc đọc trở thành thói quen thường nhật, tạo được sự hứng khởi, đam mê cho người dân ở mọi lứa tuổi vẫn cần được quan tâm bằng những kế hoạch cụ thể và dài hơi.

Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị chuyện môn, Bắc Ninh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm định hướng văn hóa đọc, hình thành thói quen, bồi dưỡng sở thích và nâng cao kĩ năng đọc cho các nhóm đối tượng trong cộng đồng thông qua Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền và phát động phong trào đọc sách được triển khai tích cực trên các phương tiện thông tin đại chúng và bằng đa dạng hình thức truyền thông trên các nền tảng số. Thư viện tỉnh duy trì trưng bày sách mới, sách theo chuyên đề, đăng bài giới thiệu sách trên trang thông tin điện tử; tổ chức phòng đọc mở nhằm quảng bá rộng rãi vốn tài liệu đến các tầng lớp nhân dân; lồng ghép hoạt động chuyên môn với công tác tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc như tổ chức nói chuyện chuyên đề, ngày hội đọc sách tại các trường học trên địa bàn; tổ chức liên hoan thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách; tuyên truyền trực quan, trưng bày sách theo chủ đề và phối hợp giới thiệu sách trên truyền hình qua chuyên mục “Mỗi ngày một cuốn sách”...
Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo đơn vị chuyên môn bám sát nhiệm vụ, chủ động xây dựng tổ chức Ngày sách với các chủ đề khác nhau như “Đọc sách - niềm vui và trí tuệ”, “Trang sách chắp cánh ước mơ”, “Sách-Tri thức và cuộc sống”... cùng phong phú các hoạt động trưng bày, triển lãm sách báo về Đảng, Bác Hồ, về quê hương Bắc Ninh; tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, kể chuyện theo sách, giao lưu tọa đàm, trao tặng sách cho các thư viện cơ sở và các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam hàng năm góp phần nhân rộng phong trào đọc sách trong các tầng lớp nhân dân, khuyến khích bạn đọc đến thư viện, đồng thời bước đầu thu hút sự quan tâm chú ý của chính quyền các địa phương trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho thư viện hoạt động.

 

Đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ trong hệ thống thư viện công cộng là một giải pháp quan trọng để phát triển văn hóa đọc.


Công tác phối hợp giữa các ngành để phát triển văn hóa đọc cũng được thực hiện thường xuyên, tích cực. Nổi bật là công tác phối hợp luân chuyển sách báo xuống các điểm Bưu điện văn hóa xã nhằm tăng cường vốn tài liệu, trực tiếp đưa sách báo đến với người dân nông thôn. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để dần củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thư viện nhà trường; khuyến khích học sinh, sinh viên sử dụng thư viện trường học như một công cụ học tập hiệu quả, giáo dục kĩ năng khai thác tri thức trong thư viện.
Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kĩ thuật công nghệ trong phát triển thư viện điện tử, thư viện số, thư viện thông minh cũng đang được triển khai, áp dụng các phần mềm hiện đại để xử lý kho tài liệu và đáp ứng tốt hơn nhu cầu tra cứu, tiếp cận nguồn sách báo trong hệ thống thư viện được thuận tiện, dễ dàng hơn.
Mặc dù vậy, việc phát triển thói quen, văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh hiện vẫn đang rất khó khăn, bất cập. Hoạt động của hệ thống thư viện, tủ sách công cộng nhìn chung còn nhiều hạn chế, chưa phát triển ngang tầm với yêu cầu phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với hoạt động thư viện chưa cao; đội ngũ người làm công tác thư viện cơ sở ít được đào tạo cơ bản, thường xuyên biến động, thay đổi vị trí công tác và chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp...
Để đáp ứng xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức và một xã hội phát triển bền vững cần xây dựng một nền văn hóa đọc với nhiều cá nhân, nhóm người có ý thức, thói quen, sở thích đọc và hướng đến hình thành một xã hội ham đọc. Trước mắt cần từng bước khắc phục bất cập trong thực tiễn hoạt động thư viện. Tiếp đó rà soát và tham mưu xây dựng, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến thư viện, góp phần tạo môi trường đọc thuận lợi; tăng cường thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của phát triển văn hóa đọc; triển khai đồng bộ, đa dạng hoạt động phối hợp giữa các ngành, đơn vị liên quan trong việc xây dựng, duy trì thói quen đọc; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tài liệu, nhân lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng đọc phù hợp với từng nhóm đối tượng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa dịch vụ thư viện; mở rộng hợp tác quốc tế về thư viện, tranh thủ sự hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc triển khai phát triển văn hóa đọc; thực hiện xây dựng thí điểm và triển khai nhân rộng các mô hình tủ sách tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, tủ sách khuyến học trong cộng đồng; có hình thức tôn vinh thiết thực đối với người đọc nhiều sách và những tổ chức, cá nhân tuyên truyền vận động được nhiều người tham gia đọc...

V.Thanh