Hạn chế nguy cơ lây lan bệnh lùn sọc đen trong vụ xuân 2019

07/11/2018 08:08 Số lượt xem: 1242
Bệnh lùn sọc đen hại lúa (rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh) xuất hiện tại Bắc Ninh vào vụ xuân năm 2010 ở thôn Hồi Quan (Tương Giang, thị xã Từ Sơn), đến vụ mùa 2017 bệnh tái xuất hiện tại các huyện Quế Võ, Tiên Du, Gia Bình, Lương Tài.

Năm 2018, tỉnh có chính sách hỗ trợ, chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa nên đã hạn chế sự lây lan, tuy nhiên bệnh vẫn xuất hiện rải rác trên đồng ruộng (824ha), tỷ lệ nhiễm rầy và mang vi rút lùn sọc đen chiếm 7,16%, vì vậy nguồn bệnh lùn sọc đen trên đồng ruộng còn có nguy cơ khá cao gây hại trên diện rộng trong vụ xuân năm 2019.
Để hạn chế nguy cơ lây lan và tác hại của bệnh, bảo vệ năng suất cây trồng, ngay từ bây giờ các địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa trong vụ xuân 2019: Ngay sau khi thu hoạch xong lúa mùa tiến hành vệ sinh đồng ruộng, cày vùi gốc rạ, dọn sạch tàn dư thực vật, cỏ bờ ruộng; tiêu hủy lúa chét còn sọt lại hạn chế nguồn rầy lưng trắng, nguồn bệnh chuyển sang vụ sau. Căn cứ vào khung thời vụ chung để chỉ đạo gieo cấy tập trung, bảo đảm thời gian cách ly giữa vụ xuân và vụ mùa. Theo dõi rày lưng trắng trên đồng ruộng từ trước, trong suốt cả vụ sản xuất; thu mẫu rầy lưng trắng và mẫu nghi nhiễm bệnh để giám định vi rút gây bệnh lùn sọc đen ít nhất tại 4 thời điểm sau: trước khi gieo mạ từ 5-10 ngày; sau cấy và gieo thẳng từ 5-7 ngày, từ 15-20 ngày và từ 25-30 ngày.
Bảo vệ mạ, không gieo mạ ven đường giao thông nơi có nguồn sáng mạnh sẽ hút rày lưng trắng đến truyền bệnh, che phủ nilon chống rét, chống chuột và chống rày xâm nhập truyền bệnh. Phun thuốc tiễn chân mạn, khi phát hiện bệnh trên mạn cần nhỏ bỏ và gieo mạ khác thay thế.
Biện pháp canh tác, hạn chế cấy các giống nhiễm rầy, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng khả năng chống chịu bệnh cho lúa, không lạm dụng phân đạm, điều tiết hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng…
Trừ rầy lưng trắng và tiêu hủy nguồn bệnh, ngay từ khi gieo mạ nếu phát hiện rầy lưng trắng trên đồng ruộng mang vi rút gây bệnh lùn sọc đen cần phun thuốc trừ rầy ngay. Giai đoạn đẻ nhánh, tiếp tục kiểm tra nếu phát hiện rầy lưng trắng  cần phun thuốc trừ ngay nhằm hạn chế số lượng môi giới lan truyền bệnh. Nhổ tiêu hủy ngay những khóm lúa nhiễm bệnh cả ruộng nếu bị nhiễm 30% số dảnh. Giai đoạn lúa đứng cái trở đi, những ruộng đã phát hiện rầy lưng trắng mang vi rút cần phun trừ rầy cám lứa kế tiếp nở rộ, những khu vực còn lại thường xuyên tổ chức thăm đồng, chỉ đạo phun thuốc trừ rầy khi mật độ từ 1.000 con/m2 trở lên (với lúa trước trỗ) và 2.000 con/m2 (với lúa sau trỗ). Nếu ruộng bị nhiễm nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất thì tiêu hủy bằng cách cày vùi cả ruộng (trước khi cày phải phun thuốc trừ rầy lưng trắng).

Thái Uyên