Gửi vào phía Nam niềm tin chiến thắng

28/07/2021 18:25 Số lượt xem: 4038

Miền Nam ruột thịt đang trải qua những tháng ngày chồng chất khó khăn gồng mình chống “giặc” COVID-19. Từ quê hương Quan họ “vốn trọng chữ Tình”, 76 chiến sỹ áo trắng ngành Y tế Bắc Ninh đã lên đường chi viện cho 4 tỉnh, thành phố phía Nam với quyết tâm hỗ trợ các tỉnh bạn nhanh chóng dập dịch thành công. Nguyện mang hết trí tuệ, kinh nghiệm sẻ chia với đồng nghiệp, lực lượng y tế xung phong lên tuyến đầu còn lan toả tinh thần chiến đấu quên mệt mỏi và gửi trao niềm tin về ngày chiến thắng không xa.

Đoàn công tác ngành Y tế Bắc Ninh mang theo 1.500 bộ bảo hộ phòng dịch cấp IV hỗ trợ Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

 

Phía Nam gọi, Bắc Ninh lên đường

Với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày, các tỉnh phía Nam đang trở thành tâm dịch khổng lồ mà đồng bào cả nước đau đáu hướng về. Ngành Y tế Bắc Ninh - lực lượng chủ lực chống dịch cũng vừa trải qua hơn 2 tháng căng mình dập dịch. Hơn ai hết, họ thấu hiểu sự hỗ trợ về nhân lực ở thời điểm này có ý nghĩa như thế nào đối với những chiến trường chống dịch đầy khốc liệt đó. Các tỉnh phía Nam gọi, 76 cán bộ, y bác sĩ của quê hương Quan họ đã lên đường tiếp sức cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Bình Dương.

Có mặt ở Bệnh viện điều trị COVID huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 13-7, 25 y bác sĩ Bắc Ninh bắt tay ngay vào công việc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại đây. Bác sĩ Vũ Thanh Tùng, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cùng 15 thành viên của đoàn công tác đang ngày đêm chiến đấu để giành giật sự sống cho những bệnh nhân nặng và nguy kịch tại khu ICU. Bác sĩ Tùng cho hay: “Tại khu vực điều trị bệnh nhân nặng, thường xuyên có khoảng 30 bệnh nhân phải hồi sức, thở máy. Bằng tất cả kinh nghiệm đã có trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID nặng, chúng tôi hỗ trợ bệnh viện các kỹ thuật, thủ thuật về hồi sức, thở máy các loại… Dù đã chia ca, kíp, song số lượng bệnh nhân đông, nhiều bệnh nhân diễn biến nặng nhanh khiến cho các khu vực điều trị đều quá tải. Trước áp lực cứu sống bệnh nhân, anh em chúng tôi động viên nhau nỗ lực hết sức, vì thế, mỗi một bệnh nhân chuyển biến tốt, được chuyển sang khu vực điều trị nhẹ là động lực để chúng tôi cố gắng hết sức”.

Trao đổi với Bác sĩ CKII Hoàng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trưởng đoàn công tác hỗ trợ Bệnh viện Điều trị COVID-19 Bình Chánh được biết các bệnh viện tuyến cuối điều trị COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh đều quá tải nên tất cả bệnh nhân nặng đều phải ở lại điều trị với phương châm “4 tại chỗ”. Tại Bệnh viện điều trị COVID huyện Bình Chánh, đoàn chia làm 2 tổ tham gia 2 khu điều trị, trong đó 16 anh em là chủ công điều trị bệnh nhân nặng, làm việc 3 ca 4 kíp xoay vòng, không có ngày nghỉ. Số bệnh nhân nặng tại đây có tỷ lệ béo phì cao và nhiều bệnh nền, ngoài việc cứu sống nhiều bệnh nhân nhờ máy thở HFNC, các kíp hồi sức tích cực của Bắc Ninh chia sẻ với các đồng nghiệp về kinh nghiệm vỗ rung, thay đổi tư thế và chăm sóc toàn diện cho người bệnh, do đó nhiều bệnh nhân đã có tiến triển tốt, được chuyển sang khu điều trị nhẹ hơn.

Tại tỉnh Đồng Tháp, đoàn công tác của ngành Y tế Bắc Ninh gồm 10 y bác sĩ do Bác sĩ CKII Vũ Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh dẫn đầu tham gia điều trị các bệnh nhân nặng tại Khu điều trị ICU thuộc Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc. Giữa tâm dịch đang nóng bỏng, lại là một ổ dịch bị phong toả do có một số nhân viên y tế mắc COVID-19, công tác chống dịch tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc đang rất căng thẳng. Từ bệnh viện đa khoa khu vực có quy mô 500 giường bệnh, nơi đây được chuyển đổi công năng thành Bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng vừa và nặng. Riêng khu ICU được thiết lập với quy mô 75 giường, trong đó 20 bệnh nhân nặng, một số bệnh nhân nguy kịch. Bác sĩ Vĩnh cho biết: “Các thành viên của đoàn công tác đều có ít nhiều kinh nghiệm điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nên vào việc rất thuần thục, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Mặc dù rất vất vả, song anh em nhanh chóng thích nghi và chịu được áp lực công việc, rất nhiệt tình, không nề hà bất cứ công việc nào để chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân”.

 

 

Kíp điều trị bệnh nhân nặng của ngành Y tế Bắc Ninh làm việc trong khu ICU, Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

 

Đượm nồng tình Nam, nghĩa Bắc

Từ Bình Dương, bác sĩ Nguyễn Thế Cuộc, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Phó Trưởng đoàn công tác hỗ trợ địa phương này chia sẻ đoàn Bắc Ninh có 26 thành viên và được phân công hỗ trợ tại 5 trung tâm y tế, gồm thành phố Dĩ An, thị xã Bến Cát và các huyện Bầu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo. Bác sĩ Cuộc và 4 người nữa “cắm chốt” tại thị xã Bến Cát, trực tiếp tham gia công tác điều trị, lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân F0 nhẹ tại cơ sở dã chiến được thiết lập tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh. Theo kế hoạch, nơi đây sẽ tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân, có 3 buồng cấp cứu, phục vụ bệnh nhân diễn biến nhanh. Trước khi chuyển công tác về Bắc Ninh, bác sĩ Cuộc có 10 năm làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Do vậy, ngay khi ngành Y tế Bắc Ninh cử đoàn công tác chi viện cho tỉnh Bình Dương, anh xung phong lên tuyến đầu hỗ trợ chống dịch. Mặc dù tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ, song bác sĩ Cuộc và các đồng nghiệp luôn cảnh giác cao độ bởi theo anh “Cái khó trong việc theo dõi, điều trị bệnh nhân nhẹ là nắm bắt kịp thời diễn biến bệnh do trong đợt dịch này nhiều bệnh chuyển nặng rất nhanh”. Trước khi trở lại Bình Dương sau 7 năm xa cách, bác sĩ Cuộc đã kịp nắm bắt tình hình dịch bệnh nơi đây qua báo chí và các đồng nghiệp cũ, vì vậy, với anh, chuyến công tác chưa hẹn ngày về này như một sự tri ân với mảnh đất từng gắn bó tròn một thập kỷ.

Nhiều chiến sỹ áo trắng chi viện cho phía Nam cho biết, một số bữa ăn đầu tiên họ không quen với thức ăn nhiều vị cay, ngọt, song trong bối cảnh khắc nghiệt chống dịch, họ buộc phải thích nghi nhanh chóng với điều kiện sinh hoạt mới. Thời tiết khu vực phía Nam không nóng như miền Bắc những ngày giữa mùa hè, nhưng mỗi ca 8 tiếng đồng hồ liên tục trong bộ bảo hộ cấp IV là một trận… tắm mồ hôi. Phải bảo hộ kín mít, lại gặp sự khác biệt giữa giọng nói vùng miền nên cán bộ, nhân viên y tế Bắc Ninh vượt qua rào cản ngôn ngữ bằng cách nói/ hỏi to, hỏi đi hỏi lại hoặc đề nghị các đồng nghiệp từ nhiều tỉnh, thành phía Nam nói chậm lại khi cần trao đổi chuyên môn… Tất cả những điều ấy sẽ trở thành kỷ niệm không quên trong những ngày chống dịch tại phía Nam của các chiến sỹ áo trắng Bắc Ninh. Với đoàn hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp, đây còn là cơ hội để cọ xát, học hỏi chuyên môn nghiệp vụ từ các đồng nghiệp giỏi của Bệnh viện T.Ư Huế qua kinh nghiệm “thực chiến” về lọc máu liên tục, chăm sóc, phục hồi chức năng, sử dụng máy thở, các kỹ thuật về hồi sức…

Đánh giá về đội ngũ y bác sĩ Bắc Ninh tham gia hỗ trợ, bác sĩ CKII Lê Thị Kim Tuyến, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh cởi mở: “Khi nhận thông tin được đoàn Bắc Ninh hỗ trợ về hồi sức tích cực cho bệnh nhân nặng, chúng tôi rất mừng. Do bận công việc, tôi không trực tiếp đi đón đoàn, nhưng thấy anh em thông báo mang thêm xe tải 3,5 tấn để chở hàng tôi rất ngạc nhiên. Các bạn Bắc Ninh không chỉ hỗ trợ nhân lực vững vàng về chuyên môn, mà còn tặng bệnh viện nhiều vật tư y tế, rất ý nghĩa với tuyến đầu chống dịch. Đây là sự hỗ trợ quý báu với Bệnh viện Bình Chánh trong tình hình hiện nay. Trong điều kiện tất cả các bệnh viện đều quá tải, việc chuyển viện hết sức khó khăn, số lượng bệnh nhân thở máy trong đợt này bằng số bệnh nhân phải thở máy của bệnh viện trong nhiều năm cộng lại, nếu không có lực lượng tinh nhuệ của Bắc Ninh hỗ trợ về hồi sức tích cực, chúng tôi khó có thể đảm đương nổi. Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ đó, bởi biết vùng dịch phía Nam rất nguy hiểm, phức tạp, nhưng các bạn vẫn xung phong, điều đó đã chứng tỏ tình nghĩa đồng bào, tinh thần chiến đấu hết mình vì đồng đội”.

Ghi chép của Việt Hoa