Gỡ “nút thắt” mặt bằng xây dựng Đường tỉnh 278

12/07/2020 16:52 Số lượt xem: 2731
Đưa chúng tôi “tua tuyến” giai đoạn 1 Dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 278 (đoạn nối QL18 với QL38), anh Tạ Xuân Luận, Chỉ huy trưởng công trường nhà thầu (Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Hải Dương) chỉ ra nhiều vị trí đang bị vướng mặt bằng. Tại những nơi còn vướng nhiều, nhà thầu vừa thi công, vừa phải chờ dù lượng lớn nguyên vật liệu và máy móc luôn tập kết sẵn sàng.

Theo cập nhật của chủ đầu tư, trong tổng chiều dài hơn 1,54km của tuyến đường thì phần còn vướng mặt bằng khoảng 0,3km, thuộc địa phận các phường Nam Sơn, Hạp Lĩnh. Trong 8 gói thầu của giai đoạn 1 dự án thì gói số 7 có giá trị, khối lượng công việc nhiều nhất, bị vướng mặt bằng nhiều nhất. Anh Tạ Xuân Luận cho biết: Theo hợp đồng thì gói thầu phải hoàn thành trong năm 2018 nhưng đến tháng 10- 2019 liên danh nhà thầu mới có mặt bằng triển khai, hiện nhà thầu thi công đạt đỉnh cấp phối đá dăm loại 2 gần 1km, khối lượng thi công mới đạt khoảng 15%.
Dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 278 có tổng mức đầu tư gần 296,4 tỷ đồng từ ngân sách; chia làm 2 giai đoạn, do Ban Quản lý Dự án Xây dựng giao thông Bắc Ninh (Sở GTVT tỉnh) làm chủ đầu tư. Hiện chủ đầu tư đang triển khai giai đoạn 1 từ Km4+586,35 đến Km6+130,1 (trong đó có hạng mục Hầm chui qua đường sắt Lim- Phả Lại); liên danh Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Phú Trường Hưng-Công ty Xây dựng Tiến Thành (TNHH)-Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Z1288-Công ty CP XDTL Hải Dương trúng thầu thi công.

 

Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Hải Dương thi công giai đoạn 1 dự án Đường tỉnh 278.

 

Theo phê duyệt thì giai đoạn 1 Dự án phải hoàn thành trong năm 2018 nhưng hiện mới đạt khoảng 15% khối lượng công việc và như đã nói, yếu tố chính là do vướng mắc mặt bằng tại nhiều vị trí. Cụ thể: đoạn tuyến qua phường Hạp Lĩnh (từ Km5+405,85 đến Km6+130,1) hiện vẫn còn 1 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường theo phương án được duyệt; nhiều hộ dân có mặt bằng đoạn hầm chui qua đường sắt (Km5+922,53-Km6+092,53) kiến nghị thu hồi diện tích khó canh tác, chưa nhận bồi thường dần đến tình trạng mặt bằng bị “xôi đỗ”, khó thi công. Đoạn qua phường Nam Sơn (Km4+586,35 đến Km5+405,85) cũng còn 2 hộ dân chưa nhận bồi thường do thắc mắc về diện tích và đoạn qua ao sen (Km5+128 đến Km5+405,85) chưa xác minh được nguồn gốc đất nên chưa có cơ sở phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ…
Việc vướng mắc mặt bằng khiến các dự án bị chậm tiến độ dẫn đến một số hệ quả như: Chậm giải ngân vốn đầu tư công; các nhà thầu bị phát sinh thêm chi phí; ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân trong khu vực khi dự án thi công kéo dài… tạo ra những tiền lệ không tốt. Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Giám đốc Ban QLDA Xây dựng giao thông Bắc Ninh cho biết: Để hạn chế và sớm giải quyết dứt điểm vấn đề, Ban luôn chủ động bố trí vốn phục vụ GPMB, tích cực phối hợp với các địa phương để xử lý những vướng mắc. Tuy vậy, có những vướng mắc do cơ chế, do số ít người dân thiếu đồng thuận nên việc giải quyết cần sự thống nhất, vận dụng linh hoạt và mất nhiều thời gian. Mới đây, chủ đầu tư có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện giai đoạn 1 của dự án đến hết năm 2020; gia hạn thời gian thực hiện toàn bộ dự án đến hết năm 2021; chỉ đạo các địa phương tập trung giải quyết những vướng mắc, tồn tại để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư cũng như các đơn vị thi công.
GPMB là công việc nhiều khó khăn, phức tạp, những vướng mắc thường “muôn hình vạn trạng” đối với mỗi địa phương khác nhau. Nhưng “nút thắt” nào rồi cũng phải được tháo gỡ và trong quá trình đó, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương liên quan, sự đồng thuận của người dân luôn là những yếu tố quan trọng hàng đầu.

Bài, ảnh: Yến Ngọc