Gỡ khó cho sản xuất để thực hiện mục tiêu “kép”

30/03/2020 21:39 Số lượt xem: 2633
Dịch COVID-19 bùng phát tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, gây thiếu hụt lao động tạm thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, trong đó các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa được xem là đối tượng dễ bị “tổn thương” nhất. Để thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, vấn đề đặt ra là cần khẩn trương triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Trước mắt tập trung vào các giải pháp về tài chính để vực dậy hoạt động của các DN.

Bài 1: “Cái khó ló cái khôn”

 

 Với nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng như Bắc Ninh thì sự tác động của dịch bệnh COVID-19 là không hề nhỏ khi hàng hóa sản xuất ra nhưng không bán được do thị trường tiêu thụ nước ngoài đóng cửa. Nhiều DN phải tìm mọi cách để thoát cảnh “đói” nguyên liệu khi dịch COVID-19 làm gián đoạn nguồn cung ứng, đặc biệt là từ Trung Quốc. Một số DN bắt buộc phải ngừng hoạt động, để giảm chi phí và tiền thuê mặt bằng, hoặc thỏa thuận với người lao động thực hiện cắt giảm lương, giãn ca hoặc cho nghỉ không lương để người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay sau khi phục hồi kinh doanh… Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung đã có nhiều DN năng động tìm ra hướng đi mới phù hợp để tồn tại và phát triển.  

Đầu ra đầu vào đều khó
Tại xưởng sản xuất gỗ của anh Trương Văn Thành, thôn Ô Cách, xã Đông Tiến (Yên Phong), hàng trăm chiếc đồng hồ đã thành phẩm chất đầy xưởng. Anh Thành ngậm ngùi: “Bình thường mỗi tháng cở sở xuất bán từ 100-160 chiếc đồng hồ với tổng trị giá 1,4-2 tỷ đồng, tuy nhiên 3 tháng nay tồn đọng do không thể xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải duy trì sản xuất để giữ chân công nhân...”. Trước đó, cơ sở vay hơn 1 tỷ đồng của ngân hàng đến nay cũng không thể trả gốc và lãi đúng hẹn. Gia đình anh buộc phải kiến nghị phía ngân hàng xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ để có thời gian thu xếp nguồn tiền và giải pháp tiêu thụ hàng hóa.

 

Công ty TNHH chế tạo khuôn mẫu LG (thành phố Bắc Ninh) chuyên sản xuất khuôn mẫu, khuôn đúc JIG để sơn linh kiện điện thoại.

 

Tương tự, các DN, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống đang lâm vào tình cảnh ảm đạm. Vay gần 2 tỷ đồng của Ngân hàng HD bank chi nhánh Bắc Ninh đầu tư xây nhà trọ cho thuê, nhưng tới nay, gia đình bà Hoàng Thị Long, thôn Trần Xá, xã Yên Trung (Yên Phong) chỉ cho thuê được 5/25 phòng. Thu nhập hàng tháng giảm sút, không có tiền trả lãi và gốc cho ngân hàng buộc bà Long phải xin ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả gốc. Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc Khách sạn Gia Bảo, phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn cho hay: “Kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2011, đây là giai đoạn khó khăn nhất của chúng tôi. Khách sạn có 39 phòng chủ yếu cho người nước ngoài thuê ở lâu dài và ngắn hạn. Vào thời điểm này những năm trước công suất phòng đạt khoảng 75% nhưng hiện nay chỉ duy trì được 10% do nhiều khách nước ngoài chưa quay trở lại được Việt Nam. Từ sau Tết đến nay, chúng tôi phải cắt giảm thêm nhân sự từ 30 người xuống còn 10 người để làm luân phiên. Với mức sụt giảm doanh thu đáng kể này, chúng tôi mong muốn được các các cơ quan quản lý chia sẻ khó khăn. Trong đó ưu đãi gia hạn tiền nộp thuế, không tính tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng phát sinh các tháng từ đầu năm đến khi hết dịch”.  
Không riêng các DN nhỏ và vừa, khu vực kinh tế FDI nhất là các DN có nguồn nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm đều gắn với thị trường nước ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, EU, Mỹ… đang loay hoay vượt khó. Theo đại diện của Tập đoàn Hồng Hải (KCN Quế Võ), mặc dù cửa khẩu Hữu Nghị đã được thông quan song tiến độ chậm nên nguồn nguyên liệu nhập về thiếu không đủ để sản xuất, công nhân làm việc cầm chừng. Theo Cục Thuế tỉnh, các DN FDI mỗi năm nộp ngân sách gần 12.000 tỷ đồng, chiếm hơn 60% số thu thuế, phí toàn tỉnh.  Do đó, việc sản xuất kinh doanh của khu vực này sụt giảm sẽ làm ảnh hưởng tương đối lớn đến số thuế phát sinh phải nộp năm 2020. Thực tế, số thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2020 là 5.304 tỷ đồng, đạt 23% dự toán pháp lệnh, chỉ bằng 87% so cùng kỳ. Hệ quả sản xuất bị tiết giảm thời gian tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của địa phương.
“Ló cái khôn”
Trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong khi chờ đợi các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của các cấp, các ngành, nhiều DN chủ động tìm giải pháp chuyển đổi phương thức hoạt động, đổi mới kinh doanh, thay đổi chiến thuật bán hàng, chuyển đổi số bán hàng online… kịp thời thích ứng vơi đợt bão dịch này.
Công ty Cổ phần ZoRo AYA, xã Trung Chính, huyện Lương Tài chuyên sản xuất các sản phẩm mỹ phẩm, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã chủ động liên kết với các đối tác chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang, nước rửa tay khô để phục vụ nhu cầu lớn của thị trường. Chị Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần ZoRo AYA cho biết: “Trong mùa dịch nhu cầu mua sắm hóa mỹ phẩm giảm, Công ty đã liên kết với một số đơn vị sản xuất khẩu trang và bào chế nước rửa tay khô thảo dược SESAME. Từ đầu tháng 3 đến nay, Công ty sản xuất 5 triệu đơn vị sản phẩm nước rửa tay, hơn 1 nghìn thùng khẩu trang y tế (mỗi thùng 2.500 chiếc), doanh thu tăng đáng kể...”.

 

Cơ sở sản xuất đồ gỗ của anh Trương Văn Thành, thôn Ô Cách, xã Đông Tiến (Yên Phong).

 

Trong khi nhiều DN khó khăn về đầu ra, đầu vào thì Công ty TNHH chế tạo khuôn mẫu LG phường Ninh Xá, (thành phố Bắc Ninh) lại có những lợi thế nhất định vì Ban Giám đốc Công ty kịp thời hoạch định từng bước đi cụ thể. Ông Nguyễn Quang Đạo, Giám đốc Công ty phấn khởi: “Với đặc thù chuyên sản xuất khuôn mẫu, khuôn đúc JIG để sơn linh kiện điện thoại, khuôn dao cắt (cắt khu vực cụm camera)… khi dịch bệnh bùng phát ở Hàn Quốc và các nước châu Âu, nhiều công ty trước kia là đối tác với DN nước ngoài đã tìm đến DN nội địa. Chính vì thế, đơn hàng của đơn vị tăng hơn so với cuối năm 2019 khoảng 55%. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, Công ty vừa nhập thêm 2 máy đúc và tuyển thêm lao động để nâng cao sản lượng đáp ứng thời hạn giao hàng…”.
Những hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống nắm bắt được xu hướng khách hàng ngại đến chỗ đông người nên đã chuyển hướng  phát triển kênh bán hàng online  trên trang cá nhân Facebook, Zalo. Nhanh tay gói những suất bún chả và cơm hộp giao cho khách đặt onlie, cô Đặng Thị Huyền, đường Vũ Kiệt (thành phố Bắc Ninh) chia sẻ: “Khách đến ăn tại cửa hàng ngày càng vắng, nhất là gần 2 tháng nay, nhưng số khách hàng đặt ship tại nhà tăng gấp 4,5 lần. Bình quân mỗi ngày cửa hàng giao khoảng 200-300 suất, doanh thu có giảm so với trước, nhưng không đáng kể...”. Còn đối với các cơ sở lưu trú, tranh thủ thời gian vắng khách, Khách sạn Gia Bảo (thị xã Từ Sơn) đang tiến hành sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, kết hợp với việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch để sau khi “cơn bão” COVID-19 qua đi, sẽ đón khách quay trở lại với chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Mặc dù đang tìm mọi cách xoay sở, song, ngay lúc này, cộng đồng DN ở tất cả các khu vực kinh tế rất cần “bàn tay” hỗ trợ của nhà nước thông qua các chính sách phù hợp để vực dậy hoạt động. Chủ tịch Hiệp hội DN Nhỏ và vừa Nguyễn Nhân Phượng cho biết: “Tại Bắc Ninh các ngành sản xuất gặp khó khăn lớn nhất là ngành gỗ, tiếp đến là ngành giấy; ngoài ra là ngành khách sạn, kinh doanh dịch vụ… Qua nắm bắt, các DN mong muốn các ngân hàng tạo điều kiện để giãn nợ, ngành Thuế có chủ trương giảm thuế cho DN trong một thời gian nhất định, ít nhất là từ nay đến khi dịch bệnh kết thúc. Đối với ngành kinh doanh khách sạn tạm dừng hoạt động do không có khách DN vẫn trả lương giữ chân người lao động để duy trì hoạt động trở lại sau khi hết dịch, đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ DN. Để Chị thị 11 đi vào đời sống đòi hỏi sự nhập cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, xem xét ra quyết định thật nhanh gọn vướng chỗ nào, tháo gỡ ngay chỗ đó”.

Bài 2:  Phát huy chính sách tín dụng và thuế

Thái Uyên-Nguyễn Hà-Huyền Thương