Giáo dục Tiểu học Bắc Ninh trước yêu cầu đổi mới

25/09/2018 08:56 Số lượt xem: 1480
Là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục phổ thông, giáo dục Tiểu học có vai trò rất quan trọng. Thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch tạo được nền móng vững chắc cho các bậc học tiếp theo phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đề ra.

Đón học sinh vào lớp 1 tại trường Tiểu học Ninh Xá (thành phố Bắc Ninh).

Giáo dục Tiểu học Bắc Ninh, từ nhiều năm qua đã trở thành điểm sáng toàn quốc. Vào năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 100% trường Tiểu học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn cũng luôn trong tốp đầu toàn quốc với 95%, lại đồng bộ về cơ cấu các bộ môn, được phân bố phù hợp giữa các trường, do vậy đủ mạnh đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thay sách giáo khoa theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, dự báo có thể thực hiện với khối lớp 1 từ năm học 2019-2020.
Theo số liệu của Sở GD-ĐT, năm học này, toàn tỉnh có 155 trường Tiểu học với 3.250 lớp và hơn 115 nghìn học sinh. Cơ bản các trường đủ mỗi lớp 1 phòng học, nhiều trường, nhất là các trường xây mới được trang bị đầy đủ các phòng chức năng hiện đại theo quy định, có giá trị sử dụng lâu dài. Với cơ sở vật chất phòng học như vậy, hiện 100% học sinh Tiểu học Bắc Ninh được học đủ 5 buổi/tuần, trong đó 98% được học 9-10 buổi/tuần, khoảng 22% học sinh được học bán trú. Năm 2017, Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc được Bộ GD-ĐT kiểm tra công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3…
Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục Tiểu học trong thời gian tới, với nhiều yêu cầu khắt khe đã và đang đặt ra cho ngành GD-ĐT Bắc Ninh, rộng hơn là tỉnh Bắc Ninh nhiều thách thức cần phải được giải quyết theo lộ trình. Đó chính là áp lực quá tải về số lớp và số học sinh/lớp tại nhiều trường Tiểu học, nhất là các trường trung tâm thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn.
Những thông số mới nhất về giáo dục Tiểu học Bắc Ninh khiến không ít người phải giật mình về quy mô tăng học sinh qua từng năm, thể hiện ở từng khối lớp. Cụ thể, năm học 2018-2019, toàn bậc Tiểu học Bắc Ninh có hơn 115 nghìn học sinh, tăng khoảng 10 nghìn học sinh so với năm học trước. Trong đó các khối lớp tăng tịnh tiến từ thấp lên cao. Khối lớp 1 đông nhất với gần 29 nghìn học sinh, thấp nhất là khối lớp 5 với 20 nghìn học sinh. Có nghĩa là chí ít trong 4 năm tới, học sinh Tiểu học tiếp tục tăng, tiếp tục quá tải, đòi hỏi phải tăng nhanh về cơ sở vật chất cùng đội ngũ giáo viên mới đáp ứng được yêu cầu dạy và học…
Trên thực tế, áp lực quá tải đã hiển hiện rõ ngay trong năm học 2018-2019 này. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi lớp khối Tiểu học không quá 35 học sinh, tuy nhiên chỉ tính riêng thành phố Bắc Ninh, tỷ lệ học sinh/lớp khối Tiểu học đã lên đến 47 học sinh; nhiều trường tới hơn 50 học sinh/lớp. Như vậy, nếu đánh giá đúng tiêu chí trường chuẩn Quốc gia thì rất nhiều trường từng đạt chuẩn của thành phố Bắc Ninh và các huyện, thị xã, thành phố không đủ điều kiện để được công nhận lại (thông thường sau 5 năm) vì 2 lý do: Vượt quá quy định về số học sinh/lớp; diện tích đất (số m2 đất/học sinh) không đạt yêu cầu theo quy định.
Để tháo gỡ khó khăn trước áp lực quá tải học sinh Tiểu học, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD-ĐT, các ngành hữu quan và các địa phương phải khẩn trương rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp nói chung và khối Tiểu học nói riêng cho phù hợp. Đặc biệt trong điều kiện tinh giản biên chế và hạn chế thành lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh giao Sở GD-ĐT xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập trường ngoài công lập; tỉnh cũng khuyến khích những trường công chuyển thành bán công, chuyển sang tự chủ hoặc tự chủ một phần ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao. Nhiều chủ trương mang tính đột phá của tỉnh đã được báo cáo Chính phủ và các ngành hữu quan T.Ư và thực hiện từ năm học này.
Như vậy, để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục Tiểu học, nhất là có thể từ năm 2019-2020, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thay SGK khối 1, ngành GD-ĐT Bắc Ninh một mặt phải chấp nhận áp lực quá tải về số học sinh/lớp; mặt khác vẫn phải nỗ lực giữ vững chất lượng giáo dục toàn diện, bảo đảm nền móng tốt cho các khối lớp, các bậc học tiếp theo phát triển ổn định. Đây là công việc rất khó nhưng phải làm, bởi áp lực quá tải là vấn đề lớn, có thể phải giải quyết trong nhiều năm, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Nhưng giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện lại là yêu cầu thường xuyên, liên tục vì nó ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến các khối lớp, các bậc học tiếp theo…

Bài, ảnh: Trọng Khánh