Giảm thiểu chất thải nhựa y tế - Những việc làm đầu tiên

08/10/2019 09:49 Số lượt xem: 2967
Giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế dễ hay khó khi mà việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần đã trở nên quá phổ biến và tiện lợi trong môi trường bệnh viện? Đi tìm câu trả lời cho dấu chấm hỏi này, chúng tôi ghi nhận những việc làm đầu tiên, dù nhỏ nhưng ẩn chứa ý nghĩa thiết thực, khởi động cho một phong trào bảo vệ môi trường cần sức bền… của ngành Y tế Bắc Ninh.. 

Những việc làm ý nghĩa 


Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị đầu tiên trong ngành Y tế Bắc Ninh tổ chức tập huấn tới 100% cán bộ, nhân viên y tế trong đơn vị các nội dung triển khai Chỉ thị 08/CT-BYT của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa. Nhằm hưởng ứng và triển khai thực hiện việc giảm thiểu sử dụng chất thải nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy, đơn vị cũng đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 08/CT-BYT với nhiều nội dung liên quan, trong đó có việc đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của bệnh viện. Bệnh viện đa khoa đầu ngành của tỉnh với quy mô 1.000 giường bệnh cũng đã hoàn thành việc ký cam kết giữa Giám đốc bệnh viện với Trưởng các khoa, phòng, Trung tâm và đơn vị cung cấp dịch vụ; ký cam kết giữa các nhân viên y tế với Trưởng các khoa, phòng, Trung tâm thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa đồng thời thực hiện việc mua, sử dụng các loại văn phòng phẩm, đồ dùng, vật dụng khác làm từ các chất liệu thân thiện môi trường, hoặc có thể tái chế, tái sử dụng trong hoạt động hằng ngày, tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn và các hoạt động khác của cơ quan. 
Nhưng bất ngờ đầu tiên về hiệu ứng của phong trào giảm thiểu chất thải nhựa là sự thay đổi nguyên liệu bao bì của túi quà nhỏ tặng bệnh nhi và con em cán bộ, nhân viên Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh trong chương trình Đêm hội trăng Rằm vừa qua. Sự kiện diễn ra sau chưa đầy 1 tháng kể từ hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế đã có khoảng 500 gói quà nhỏ bằng túi giấy thay vì túi bóng đến tay các em nhỏ. Việc làm này trở nên ý nghĩa hơn bởi hàng trăm phụ huynh là người nhà người bệnh đã cùng tham gia và được truyền thông trực tiếp về giảm thiểu rác thải nhựa. Nói về sự đổi mới này, TS. Bác sĩ Đào Khắc Hùng, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ “Xác định việc nâng cao ý thức, thay đổi hành vi trong việc giảm thiểu chất thải nhựa trong đơn vị cần có quá trình và phải làm từng bước nên ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo từ cấp trên, bệnh viện đã triển khai và thể chế hóa đến từng khoa, phòng, đoàn thể để mỗi cán bộ, nhân viên chú trọng hơn. Ngoài công tác truyền thông hướng đến đối tượng cụ thể, Bệnh viện yêu cầu các khoa, phòng xem xét tình hình thực tế để áp dụng việc thay thế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần bằng sản phẩm dùng được nhiều lần để vừa bảo đảm an toàn vừa giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường. Trước mắt, giao cho phòng Hành chính tính toán, phối hợp với nhà ăn bệnh viện sử dụng hộp cơm dùng nhiều lần thay cho hộp xốp và cốc nhựa một lần khi cung cấp suất ăn cho cán bộ, nhân viên y tế trực tại viện”.  

 

Sản phẩm túi giấy đã được Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh sử dụng thay thế túi ni lông trong gói quà tặng bệnh nhi dịp Tết Trung thu. 

 

 

 

Còn tại Trung tâm Y tế huyện Quế Võ, ngay sau cuộc họp trực tuyến triển khai thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa, đơn vị thực hiện ngay việc sử dụng cốc thủy tinh uống nước thay vì chai nhựa một lần trong các cuộc họp. Các chương trình y tế dự phòng cũng hạn chế băng-rôn, khẩu hiệu, ma-ket in sẵn trên bạt nhựa mà dùng máy chiếu trong khi các trạm y tế đã hạn chế tối đa băng rôn, băng vượt đường. Lãnh đạo trung tâm cũng yêu cầu bộ phận Kiểm soát nhiễm khuẩn làm tốt công tác phân loại rác tại nguồn và nghiên cứu, có biện pháp cụ thể hơn trong việc giảm thiểu chất thải nhựa, bước đầu đã tuyên truyền tại đơn vị với hy vọng mỗi cán bộ, nhân viên là một tuyên truyền viên đến người thân, gia đình; khuyến khích gia đình người bệnh và người bệnh  sử dụng cặp lồng để giảm lượng rác thải. 

 

Thách thức mang tên… “Ý thức”


Tuy có sự “khởi động” tích cực và sáng tạo ở mỗi đơn vị của ngành Y tế Bắc Ninh, song phải thẳng thắn thừa nhận những khó khăn trong việc giảm thiểu chất thải nhựa ở các hoạt động chuyên môn. Việc giảm tiêm, truyền tại các cơ sở y tế không chỉ có ý nghĩa giảm lượng chất thải nhựa y tế từ bơm kim tiêm, dây chuyền, chai dịch truyền… mà còn giảm nguy cơ tai biến đối với bệnh nhân, giảm chi phí cho bệnh nhân và Quỹ BHYT. Song trên thực tế, trong nhiều trường hợp, cả bệnh nhân và bác sĩ đều muốn bệnh nhân nhanh khỏi nên thường chỉ định tiêm truyền… cho hiệu quả. 
Về biện pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, TS. Bác sĩ Đào Khắc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh cho biết: Đơn vị đang nghiên cứu, tìm giải pháp để nâng cao số lượng điều trị ngoại trú cho bệnh nhân, từ đó giảm số bệnh nhân điều trị nội trú, qua đó giảm bớt số lượng chất thải y tế từ việc tiêm, truyền. 
“Có thể nhờ tuyên truyền, nhiều người sẽ dần nhận thức sự nguy hại của rác thải nhựa, song như một thói quen đã thành cố hữu, việc chuyển biến từ ý thức đến hành vi không dễ dàng bởi dùng đồ nhựa một lần thì thấy ngay tiện lợi còn thải rác ra môi trường thì phải nhiều năm sau mới phải “trả giá”. Do đó, việc truyền thông cũng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục với phương châm “mưa dầm thấm lâu”” - Bác sĩ Đàm Thận Hiển, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Võ chia sẻ. 
Cử nhân Điều dưỡng Lê Nho Khuê, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh cho biết “Mỗi tháng, bệnh viện có khoảng 5 tấn chất thải nguy hại được công ty xử lý chất thải y tế mang đi, trong đó khoảng 1/3 là chất thải nhựa, trong đó có bơm kim tiêm, dây truyền, chai dịch truyền, dụng cụ thông tiểu... là những sản phẩm liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh nhân. Tuy nhiên, vì là bệnh viện chuyên khoa Sản và Nhi nên số người nhà đi kèm bệnh nhân khá đông, trung bình cứ 1 bệnh nhân thì kèm theo 2 người nhà, tức là lượng chất thải nhựa, chủ yếu là sản phẩm dùng một lần như: Túi bóng, hộp nhựa, xốp chứa đựng thực phẩm, nước uống đóng chai… từ nhóm đối tượng này khá lớn. Do đó, nếu có sự chuyển biến trong nhận thức, hành vi, lượng chất thải nhựa 1 lần từ họ cũng sẽ giảm đáng kể”. 
Một trong những nguyên nhân tăng nhanh rác thải nhựa chủ yếu là việc sử dụng túi nilon do thói quen của người dân, sự tiện lợi, giá thành rẻ. Ngoài ra nguồn ô nhiễm rác thải nhựa là những chai nhựa uống nước. Theo thống kê, khoảng 480 tỉ chai nhựa được bán trên toàn cầu năm 2016, tương đương 1 triệu chai mỗi phút. Trong lĩnh vực Y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất… Những vật liệu nhựa dùng trong các hoạt động này hoàn toàn có thể thay thế bằng các chất liệu an toàn, thân thiện hơn đối với môi trường nếu có sự quyết tâm, chung tay của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y tế cũng như người dân. 
 

Việt Hoa