Giải thưởng Chất lượng Quốc gia- Dấu mốc khẳng định chất lượng

27/06/2019 08:09 Số lượt xem: 3342
Được hình thành từ năm 1996, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) là giải thưởng cao nhất về Chất lượng sản phẩm hàng hóa được quy định trong hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay. Việc tham gia Giải thưởng này đem lại nhiều lợi ích cho bản thân doanh nghiệp (DN) thông qua nâng tầm chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đem lại sự phát triển ổn định, bền vững cho nền kinh tế.

Nhà máy Thiết bị điện Hanaka (Thị xã Từ Sơn) là doanh nghiệp Bắc Ninh đã đạt được Giải thưởng Chất lượng Châu Á -Thái Bình Dương.

GTCLQG được thiết lập trên cơ sở chấp nhận mô hình và 7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Hoa Kỳ và nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á-Thái Bình Dương. Đây là giải thưởng chất lượng duy nhất được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trao tặng nhằm tôn vinh những DN đạt thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Do đó GTCLQG khác biệt hoàn toàn các giải thưởng khác với quy trình xét thưởng khó khăn và chặt chẽ qua 2 cấp: sơ tuyển của địa phương và chung tuyển của Trung ương trên các tiêu chí: vai trò của lãnh đạo; hoạch định chiến lược; định hướng vào khách hàng và thị trường; đo lường, phân tích và quản lý tri thức; quản lý, phát triển nguồn nhân lực; quản lý quá trình hoạt động; kết quả hoạt động. Để đáp ứng được các tiêu chí này, DN tham gia phải chứng minh và thể hiện sự ưu việt về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ngoài ra, một trong những điểm quan trọng của Giải thưởng là cung cấp công cụ mô hình tự đánh giá (self-assessment), giúp DN không ngừng hoàn thiện hệ thống quản lý của mình để cải tiến hoạt động.

Theo ông Trần Tiến Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh), kể từ năm 1997 đến nay, hầu như năm nào Bắc Ninh cũng có DN tham gia GTCLQG với tổng số 48 lượt DN tham gia, trong đó có 7 lượt DN đạt giải Vàng, 27 lượt DN đạt giải Bạc, 1 DN đạt giải khuyến khích. Đặc biệt có 1 DN đạt được Giải thưởng Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương là Nhà máy Thiết bị điện HANAKA. Nhìn chung, sau khi nhận giải thưởng, các đơn vị duy trì sản xuất ổn định, giữ vững được uy tín trên thị trường như Công ty CP Tập đoàn Dabaco, Công ty TNHH Sứ Long Phương, Công ty CP Dược phẩm Bắc Ninh, Công ty CP Tôn mạ màu Fujiton… Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty CP Giấy Tiến Thành (KCN Quế Võ), đơn vị duy nhất của Bắc Ninh vừa được giải thưởng chất lượng năm 2018 cho biết: “Trong chiến lược xuất khẩu sản phẩm tại chỗ cho các DN lớn như Samsung, Canon, Microsoft... và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu một cách bền vững, chúng tôi phải đầu tư hệ thống quản lý, dây chuyền máy móc để cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng lớn. Vì vậy, mặc dù rất khó nhưng chúng tôi đã tham gia và chinh phục GTCLQG với mục tiêu quan trọng là khẳng định uy tín của mình”.
Tuy nhiên, thực tế trong những năm qua, các DN ở Bắc Ninh còn chưa không mặn mà tham gia GTCLQG, số lượng đăng ký hàng năm rất ít, có năm chỉ có 1 DN gửi hồ sơ. Nguyên nhân chính là do các tiêu chí của Giải thưởng quá khó đối với quy mô và tính chuyên nghiệp của các DN nói chung. Chẳng hạn tiêu chí “kết quả hoạt động” đòi hỏi DN phải sản xuất kinh doanh ổn định trong 3 năm liên tiếp với lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, không phải DN nào cũng dễ dàng đạt thành tích này. Ngoài ra, do tình trạng tràn lan các giải thưởng, bao gồm các giải thưởng không chính thống, nên nhiều DN nhận thức chưa đầy đủ đối với GTCLQG, còn thờ ơ, không tự giác tham gia. Cùng với đó, chế độ ưu đãi của Giải thưởng còn chưa hấp dẫn, quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước thiếu chặt chẽ nên không theo dõi, đề xuất được các đơn vị phù hợp tham gia Giải thưởng. Thông thường, ít DN tự giác nộp hồ sơ đăng ký tham gia mà chủ yếu các cơ quan quản lý nhà nước phải vận động và trực tiếp hỗ trợ trong suốt quá trình hoàn thiện thủ tục.
Trước tình hình đó, ngày 15-5-2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh phối hợp triển khai GTCLQG thông qua vận động, lựa chọn và giới thiệu những DN tiêu biểu của địa phương đăng ký tham dự Giải thưởng. Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ - cơ quan thường trực Hội đồng sơ tuyển GTCLQG cấp tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của các DN về việc tham gia Giải thưởng; khích lệ DN tự giác nộp hồ sơ, hỗ trợ hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để xét duyệt Giải thưởng. Và hơn hết, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập hiện nay, mỗi DN nên tích cực tìm hiểu, nâng cao ý thức tham gia, bởi việc luôn bám sát các tiêu chí chuẩn quốc tế của Giải thưởng sẽ giúp cho DN có nhiều lợi thế và đủ sức cạnh tranh trong thị trường xuất khẩu.

Huyền Thương