Giấc mơ nội địa hóa

11/10/2018 08:51 Số lượt xem: 623
Hơn 30 năm công tác trong ngành cơ khí chế tạo chú Thiện và các đồng nghiệp luôn trăn trở giấc mơ về nội địa hóa xe Việt. Dù ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng mỗi khi nhắc đến ôtô, “máu nghề” của ông lại hừng hực.

Bữa trước, vừa xem xong bản tin thời sự chú vội sang ngay nhà bác Xuân - Trưởng khu phố hồ hởi thông báo: Thế là “Giấc mơ nội địa hóa” đã tiệm cận!
Chưa hiểu rõ câu chuyện ra sao, bác Xuân hỏi lại: Giấc mơ gì mà có cả “mơ nội, mơ ngoại” thế?
Chú Thiện liền say sưa giải thích: Ô tô “Made in Viet Nam” của Công ty VinFast - Tập đoàn VinGroup được AutoBest (Tổ chức về ô tô hàng đầu châu Âu) trao giải là “ngôi sao mới” vinh danh “Thương hiệu và mẫu xe ấn tượng nhất” tại Triển lãm Paris Motor Show 2018. Sự kiện này không chỉ là niềm tự hào lớn của doanh nghiệp Việt, mà còn phá vỡ sự hoài nghi bấy lâu nay rằng “ô tô Việt Nam vươn ra thế giới chỉ là giấc mơ”. Từ chỗ gần như là “kẻ ngoại đạo”, Vinfast đã và đang hiện thực hóa được tham vọng góp phần xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất ô tô.
Còn anh Khang Giám đốc một Showroom ôtô ngoại thì xuýt xoa: Giữa những cái tên đình đám trong ngành công nghiệp ô tô như: Mercedes-Benz, Audi, BMW, Porsche, Peugeot, Jaguar, Land Rover… tại Paris Motor Show 2018, sự xuất hiện hai mẫu xe đầu tiên là Lux A2.0 và Lux SA2.0 của Vinfast là một điều vô cùng ngưỡng mộ và tự hào. Còn nhớ khi Tập đoàn VinGroup chính thức khởi công xây dựng Nhà máy Sản xuất ô tô VinFast tại KCN Đình Vũ (Hải Phòng) với tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD, nhiều người không “dám tin” rằng sau 2 năm sẽ cho ra mắt chiếc ô tô VinFast “Made in Việt Nam” với chất lượng châu Âu.
Đấy là mới chỉ có giấc mơ nội địa hóa về ô tô đã hiện hữu, còn vấn đề nội địa hóa nhiều sản phẩm dịch vụ nữa thì tính sao? Bác Xuân trăn trở: Sau 30 năm chúng ta trải thảm thu hút vốn FDI, các doanh nghiệp nước ngoài khi đăng ký đầu tư thường cam kết “nâng cao tỷ lệ nội địa hóa”. Nhưng qua từng ấy năm nhìn lại tỷ lệ nội địa hóa tuy có tăng nhưng chủ yếu do các nhà cung ứng nước ngoài đầu tư tại địa phương, còn số doanh nghiệp thuần Việt tham gia chuỗi cung ứng vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn.
Chú Thiện nói với bác Xuân: Sự băn khoăn của anh là tất yếu. Vấn đề nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đã được đề cập đến rất nhiều. Nhưng không phải do chúng ta kém cỏi, mà do chúng ta chưa tích cực “dấn thân”, câu chuyện nỗ lực vươn lên và thành công bước đầu của Vinfast không chỉ tạo ra động lực đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt mà còn là cơ sở cho các nhà hoạch định có những bước đi cụ thể, phù hợp thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Để các doanh nghiệp Việt được tham gia trực tiếp vào dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, nắm được công nghệ cốt lõi sản xuất ra sản phẩm, từ đó mới nâng cao được giá trị thực của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu thì “giấc mơ nội địa hóa” ngành công nghiệp nói chung mới hiện hữu.
“Đã đến lúc cần đưa ra các yêu cầu rõ ràng, rằng việc chuyển giao công nghệ cao từ các doanh nghiệp FDI sang cho các doanh nghiệp Việt Nam và việc chủ động chuyển hướng chính sách trong ứng xử với vốn FDI là vô cùng quan trọng, càng sớm càng tốt”. Bác Xuân và anh Khang cùng khẳng định.

Thái Uyên