Giá xăng, dầu giảm mạnh, giá hàng hoá vẫn tăng

14/08/2022 19:56 Số lượt xem: 2276
Xăng dần là nguồn nhiên liệu đầu vào của nhiều quy trình sản xuất và đóng vai trò quyết định giá thành vận chuyển. Hơn  1 tháng nay, giá xăng dầu liên tục giảm mạnh được kỳ vọng sẽ góp phần hạ nhiệt giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Tuy nhiên, trái với mong đợi của người dân, nhiều loại hàng hóa trên thị trường vẫn ở mức cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, một số mặt hàng còn có xu hướng tăng, gây bức xúc cho người tiêu dùng.

 

Từ ngày 21-4 đến ngày 21-6, giá xăng, dầu trong nước có chu kỳ 7 lần tăng liên tiếp với tổng mức tăng thêm đối với RON 95 là 5.560 đồng / 1 lít; E5 RON 92 tăng thêm hơn 4.800 đồng/lít. Cùng với đó, hàng loạt mặt hàng thiết yếu tăng chóng mặt. Nhưng từ ngày 1-7 đến nay, giá xăng, dầu điều chỉnh giảm liên tiếp 5 lần với mức giảm hơn 8.100 đồng/ 1 lít RON 95; E5 RON 92 giảm gần 7.600 đồng; dầu diesel giảm hơn 7.100 đồng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất vẫn chỉ đang theo dõi xu hướng giảm vì cho rằng các kỳ điều chỉnh gần đây chỉ mang tính thời điểm, chưa bền vững. Do đó, xăng, dầu hạ giá mới góp phần giảm đà tăng của hàng hóa, chưa làm cho giá cả quay đầu.
 Ghi nhận tại các chợ trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, thịt lợn giá bán phổ biến từ 120.000-145.000 đồng/kg, tăng 25.000 - 30.000 đồng/ kg so với thời điểm cuối tháng 6, khi xăng, dầu lập đỉnh cao nhất. Các sản phẩm chế biến từ thịt lợn như giò chả, xúc xích, mọc… tăng 20.000 -25.000 đồng/kg. Gà công nghiệp nguyên con tăng 10.000 - 12.000 đồng/kg. Trứng gà, trứng vịt tăng 8.000- 10.000 đồng/ chục; cá các loại tăng 6000 -10.000 đồng/kg, tùy từng loại; nhiều mặt hàng sữa tăng 10.000 đồng/ 1 thùng;. Các mặt hàng mì ăn liền tăng hơn 10.000 đồng/ 1 thùng. Một số hàng ăn sáng như bún, phở các loại vẫn giữ giá cao ở mức 35.000 đồng - 40.000 đồng/suất thời điểm xăng tăng cao, tăng 5000 - 70000 đồng/ suất so với trước đó... Đến nay chưa có xu hướng hạ giá thành các mặt hàng thiết yếu.

 

Giá nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn ở mức cao.

 

Theo báo cáo của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh trong  tháng 7 tăng 0,38% so với tháng trước, trong đó có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 1,49%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,89%... Giá hàng hóa tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người tiêu dùng.
Ông Lưu Bảo Trung, phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Nguyên nhân giá xăng, dầu liên tục giảm, vẫn chưa tác động đến thị trường hàng hóa, do nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường, giá cả thị trường lên, xuống do biến động chuỗi, cung ứng cần có độ trễ nhất định. Hơn nữa, xăng, dầu là chủng loại hàng hóa đặc biệt, khi giá mặt hàng này có biến động thì chắc chắn tác động ít nhiều đến nhiều mặt hàng khác, tuy nhiên không phải ngay lập tức và tùy ngành nghề, lĩnh vực sẽ có mức tác động khác nhau.
Ở góc độ người tiêu dùng, bà Đặng Thị Toan (phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh) với kinh nghiệm nội trợ lâu năm cho biết: “Khi xăng, dầu tăng giá cao, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ nhanh chóng tăng giá, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Nhưng khi xăng, dầu giảm mạnh thì những mặt hàng này lại cần một khoảng thời gian dài để điều chỉnh giá và mức giảm ít khi tương xứng được với mức tăng…”.
Trước thực trạng đó, Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá đã triển khai nhiều giải pháp giữ ổn định giá hàng hóa, dịch vụ. Mới đây, ngày 31-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện Số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quán lý điều hành giá gửi Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan có liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định giá cả. Riêng về giá thịt lợn và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung- cầu thịt lợn trên thị trường không để thiếu hụt nguồn thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn theo giá quy định, bảo đảm quyền lợi người chăn nuôi, quyền lợi người tiêu dùng; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu lợn qua biên giới; chống đầu cơ trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…
Ngoài nỗ lực của các cấp, ngành trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng cũng cần chủ động bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu thấy giá mặt hàng nào đó quá cao, không hợp lý thì không mua hoặc mua mặt hàng khác có giá bán phù hợp để sử dụng thay thế. Khi người bán thấy hàng hóa giá cao, bán không được sẽ tự động giảm nhập về, từ đó theo quy luật cạnh tranh, các nhà sản xuất sẽ buộc phải tự giảm giá sản phẩm… Đó là khuyến cáo của ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh.

Quang Minh