Gia Bình tiếp sức thanh niên làng nghề khởi nghiệp

10/12/2019 19:18 Số lượt xem: 2330
Mặc dù là huyện thuần nông với mật độ làng nghề ít ỏi, nhiều thanh niên ở Gia Bình đang được khuyến khích để khởi nghiệp từ nghề truyền thống. Một trong những yếu tố tiếp sức mạnh mẽ là nguồn vốn từ Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp không chỉ giúp thanh niên phát triển kinh tế mà còn góp phần vực dậy sự hưng thịnh của các làng nghề.

Cơ sở sản xuất đồng mỹ nghệ của Nguyễn Đức Hoàng giữa con đường tấp nập của làng đồng Đại Bái, xã Đại Bái đang vào vụ Tết. Giữa gian trưng bày rộng rãi, khang trang được tạo dựng nhờ nguồn vốn vay từ nguồn Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn, chàng trai sinh năm 1989 chia sẻ tính cả thời gian vừa làm thuê vừa học việc tại các cơ sở sản xuất đồng mỹ nghệ trong làng đến nay đã có 7 năm theo nghề. Khi vững tay nghề và muốn thỏa sức sáng tạo trên những tác phẩm của chính mình, Hoàng quyết định mở một cơ sở sản xuất riêng. Do hạn hẹp đồng vốn, Hoàng cứ chắp vá, tạm bợ sản xuất trên mảnh đất được bố mẹ cho mượn. Hoàng bày tỏ: “Thật sự đối với thanh niên, tài sản thế chấp không có hoặc không nhiều giá trị, việc vay vốn tại các nguồn khác là rất khó, nên bước đầu quá trình khởi nghiệp gặp nhiều trở ngại. Nhất là đối với nghề sản xuất đồng, việc nhập nguyên liệu tốn kém, đôi lúc vì muốn giá rẻ phải nhập từ đầu năm, nhưng vào thời vụ Tết mới bán chạy để hoàn lại đầu tư. Tính ra, tôi phải đầu tư 3 tỷ đồng để sửa sang cửa hàng, nhập nguyên liệu và rất may mắn vừa qua được vay 2 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”. Từ thành công của mình, Hoàng có điều kiện đào tạo nghề cho 6 thanh niên khác, với mức lương 250.000 đồng/ngày. 

 

Cán bộ Huyện đoàn Gia Bình thăm mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Đức Hoàng, thôn Đại Bái, xã Đại Bái.


Tương tự chị Đỗ Thị Phượng (sinh năm 1990) thôn Ngăm Lương, xã Lãng Ngâm tiếp nối gia đình làm ghề may gia công cũng được vay 500 triệu đồng để đầu tư thêm một bàn máy in vải có công suất 1.000 sản phẩm/ngày. Chị chia sẻ: “Chúng tôi muốn được làm ăn tại quê nhà, gần gia đình để có điều kiện chăm sóc con cái. Đồng thời chúng tôi cũng muốn tiếp tục nghề truyền thống để tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Đến nay, sau khi được vay vốn, chúng tôi nâng công suất lên đạt 2.000 sản phẩm in/ngày, kịp các đơn hàng trong lúc cao điểm, qua đó, tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động, lợi nhuận có thể đạt 300 triệu đồng/năm”. 
Thực tế, là địa bàn ít nghề phụ nên phần đông thanh niên Gia Bình muốn thoát ly lên thành phố lớn hay làm công nhân ở các khu công nghiệp với mức lương cao hơn. Tuy nhiên, tại các làng nghề đúc đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai, nghề may Lãng Ngâm… các bạn trẻ bám trụ ở làng nghề đều rất tâm huyết xây dựng các mô hình khởi nghiệp làm giàu. Chị Nguyễn Thị Chinh, Bí thư Huyện đoàn Gia Bình cho biết: “Hiện nay, nhiều thanh niên làng nghề có ý tưởng khởi nghiệp với tính sáng tạo cao nhưng nhu cầu vay lớn, giá trị tài sản thế chấp thấp. Một số mô hình sản xuất chưa xây dựng được phương án kinh doanh khả thi, đầu ra chưa ổn định nên không đáp ứng được điều kiện vay vốn. Vì vậy, hiện nay, chúng tôi mới cho vay được 3 mô hình thanh niên khởi nghiệp làng nghề với số vốn gần 3 tỷ đồng. Nhìn chung nguồn vốn đang được sử dụng đúng mục đích, thu hút thanh niên lập thân, lập nghiệp tại quê hương”. 
Thời gian tới, Huyện đoàn Gia Bình sẽ tích cực nắm bắt nhu cầu vốn vay của thanh niên để hướng dẫn họ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của tỉnh hoặc của Trung ương Đoàn; thẩm tra, giám sát chặt chẽ các mô hình vay vốn sử dụng đúng mục đích. Khuyến khích các mô hình khởi nghiệp nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời định hướng họ tích cực quảng bá trên mạng xã hội, kết nối các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm. Để, trong khi lớp nghệ nhân tâm huyết đang ngày càng già đi và ít tham gia vào sản xuất, thì việc giúp thanh niên làng nghề khởi nghiệp sẽ góp phần tích cực gìn giữ những nét đẹp quý báu của làng nghề.

Huyền Thương