Gia Bình mở rộng diện tích cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên

25/06/2019 08:24 Số lượt xem: 2208
Với mục tiêu giảm chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động để tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, vụ xuân năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp Hội Nông dân, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Bình triển khai gieo cấy gần 300 ha lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên. Kết quả sản xuất thực tế chứng minh giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế, giải quyết được nhiều bất cập tồn tại trong sản xuất lúa mà các địa phương đang gặp phải.

Mô hình gieo cấy giống lúa RVT theo phương pháp hiệu ứng hàng biên trong vụ xuân 2019 của gia đình bà Nguyễn Thị Hoàn, xã Thái Bảo (Gia Bình).

Vụ xuân năm nay, xã Thái Bảo (Gia Bình) gieo cấy 245 ha lúa, chủ lực gồm các giống: Q5, RVT, Nếp các loại. Phát huy kết quả các vụ sản xuất trước, vụ xuân năm nay, xã chỉ đạo nông dân mở rộng diện tích cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên lên 30% diện tích. Kết quả thu hoạch thực tế, năng suất lúa cấy theo phương pháp này trung bình đạt gần 70 tạ/ha, cao hơn gần 3 tạ/ha so với cấy theo phương pháp thông thường.

Ông Nguyễn Đức Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Bảo cho biết: “Từ vụ xuân năm 2016, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn, nông dân thực hiện mô hình cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên. Lúc đầu triển khai cũng vấp phải một số khó khăn nhất định bởi tập quán của nông dân quen với việc cấy dày nên khi cấy thưa bà con rất lo lắng, thậm chí còn phản đối gay gắt vì cho rằng cấy như vậy lãng phí đất. Tuy nhiên, thực tế sản xuất chứng minh phương pháp cấy hiệu ứng hàng biên giúp giảm 50-70% lượng giống, giảm 50-70% chi phí làm mạ, giảm 30% công cấy lúa, giảm 50% thuốc và công phun thuốc bảo vệ thực vật do lúa ít nhiễm sâu bệnh hơn, giảm 30% lượng phân bón phải sử dụng, giúp tăng từ 10-15% năng suất so với phương pháp cấy lúa thông thường. Với những ưu điểm về năng suất, hiệu quả kinh tế như trên, nên vụ xuân năm nay, nông dân xã Thái Bảo mạnh dạn mở rộng diện tích cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên lên 30% diện tích”.
Bà Nguyễn Thị Hoàn, nông dân thôn Vạn Ty cho biết: “Vụ xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy 1,2 mẫu lúa, trong đó 1,1 mẫu giống RVT gieo cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên. Gieo cấy theo phương pháp này có ưu điểm giảm công gieo cấy, công làm mạ, giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt hơn, bông lúa dài, hạt sáng, số lượng bông/khóm lúa tăng hơn so với cấy theo phương pháp thông thường, bộ lá ít sâu bệnh nhất là bệnh khô vằn, đạo ôn, vàng lá… cây lúa có thời gian trỗ nhiều hơn, sức chống đổ của cây tốt hơn do cây cứng, bộ rễ khỏe, số hạt chắc trên bông cao nên năng suất cao hơn khi cấy theo phương pháp cũ”.
Cùng với xã Thái Bảo, vụ xuân năm nay, toàn huyện Gia Bình có gần 300 ha lúa gieo cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên. Theo ông Trần Xuân Dẫn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, kỹ thuật gieo cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên được áp dụng trên đồng đất Bắc Ninh từ vụ xuân năm 2016 với diện tích ban đầu khoảng 5 ha. Đây là phương pháp cấy lúa thưa, cấy một hàng sông hẹp xen một hàng sông rộng. Mật độ cấy tùy thuộc vào các loại giống, thường hàng sông lớn cách khoảng 35-40 cm, hàng sông nhỏ cách 17-20 cm, cây cách cây 21- 24cm là đạt. Cấy lúa theo phương pháp trên để nhằm mục đích tận dụng được ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào gốc, thân, lá… kích thích các chồi mắt phát triển cho cây lúa khỏe, ít sâu bệnh cho năng suất cao, chất lượng tốt. Ngoài ra, còn tạo lợi thế về chăm bón vì khi bón phân sẽ bón theo hàng sông con, không bón phân theo hàng sông rộng để tiết kiệm được phân bón và tăng hiệu quả sử dụng, tránh tình trạng lãng phí phân bón trải rộng khắp ruộng, nhiều chỗ cây lúa không hấp thụ được hết.
Với những ưu điểm, hiệu quả như vậy nên đến nay hầu khắp các địa phương như: Tiên Du, Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong, thành phố Bắc Ninh đều áp dụng phương pháp gieo cấy này. Tuy nhiên, diện tích lúa cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên nhiều nhất là tại huyện Gia Bình, trong đó một số địa phương như: Quỳnh Phú, Vạn Ninh, Thái Bảo, Bình Dương… đạt 20-30% diện tích.
Từ thực tế sản xuất có thể khẳng định cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên tạo ra một tâm lý mới cho nông dân, làm thay đổi phương pháp gieo cấy cũ, phát huy hết khả năng sáng tạo trên đồng ruộng. Góp phần quan trọng vào xây dựng, hình thành các vùng sản xuất tập trung, nâng cao giá trị thu nhập và hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích gieo cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên, huyện Gia Bình cũng như các địa phương khác trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền kỹ thuật, hiệu quả để nông dân áp dụng nhiều hơn, đồng thời có sự chỉ đạo, quy hoạch vùng sản xuất tạo thuận lợi cho việc gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa.

Bài, ảnh: Nguyễn Tuấn