Ghi nhận trong công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp

27/09/2022 20:34 Số lượt xem: 1531
Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn trong giai đoạn nhận hồ sơ xét tuyển. Nhiều trường đã công bố danh sách trúng tuyển và hoàn tất thủ tục nhập học cho học sinh, sinh viên. Công tác tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong năm học 2022 -2023 được nhận định có nhiều điểm sáng tích cực.

Sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh trong giờ học công nghệ ô tô.

 

Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp có kết quả tuyển sinh tốt trong những năm gần đây. Để tạo sức hút, bên cạnh đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyển sinh. Thông tin, hình ảnh về công tác tuyển sinh đẩy mạnh truyền thông qua wedsite, mạng xã hội, xây dựng kênh Youtube để quảng bá về trường… Ông Nguyễn Văn Mễ, Hiệu Phó trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh cho hay: “Theo kế hoạch nhà trường tuyển sinh thành 2 đợt song kết thúc đợt tuyển sinh đầu tiên (cuối tháng 8) đã đạt 90 % chỉ tiêu. Trong đó nhiều ngành lượng thí sinh đăng ký dự tuyển quá tải như: Điện tử theo chuẩn công nghệ CHLB Đức, Điện tử công nghiệp, Điện công nghiệp… Đến thời điểm này, nhà trường hoàn thành tổng chỉ tiêu gần 800 học sinh, sinh viên các ngành học. Đáng ghi nhận là phần lớn các em đã chủ động lựa chọn học tại trường mà không cần chờ kết quả tuyển sinh Đại học cho thấy công tác tư vấn, tuyển sinh những năm qua đang đi đúng hướng”.
Ông Trương Văn Tâm, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh chia sẻ, năm học 2022-2023, trường tuyển sinh tổng số hơn 1.400 sinh viên, học sinh; trong đó có 120 sinh viên đạt kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tổ hợp điểm 3 môn xét tuyển Đại học trên 20 điểm (từ 20 - 25 điểm). Một số ngành chủ lực của trường vẫn khẳng định được sức hút, lượng hồ sơ đăng ký quá tải như: Điện công nghiệp, điện-điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí…
Tương tự, ông Doãn Thế Trọng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Bắc Ninh thông tin tình hình nộp và làm thủ tục xét tuyển trong năm học này có những điểm đáng phấn khởi. Lượng đăng ký đến nay khoảng gần 800 và số thực đã làm thủ tục nhập học vào khoảng hơn 200. Con số này được dự báo sẽ tăng thêm trong thời gian tới.
Sau hai năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công tác tuyển sinh của các trường nghề trong năm 2022 đang có nhiều điểm sáng. Để có kết quả này phải kể đến nhiều yếu tố như: Sự nỗ lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc thay đổi tư duy của phụ huynh, học sinh và cả sự chuyển dịch thị trường lao động. Tuy nhiên, yếu tố đóng vai trò quan trọng vẫn là việc chủ động tìm hướng đi phù hợp với thực tế của từng trường. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Phó Trưởng phòng Quản lý dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH), chặng đường tuyển sinh năm nay vẫn còn dài và ẩn chứa nhiều thử thách. Số lượng thí sinh đăng ký khá ổn nhưng khó thể tránh nhiều hồ sơ ảo. Ngoài ra, vẫn phải chờ diễn biến xét tuyển Đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới có thể chốt được con số tuyển sinh chính thức.
Trên thực tế, trong tổng số 58 cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh đang hoạt động hiệu quả, chỉ có một số trường công tác tuyển sinh duy trì được sức hút, chất lượng thí sinh dự tuyển ổn định qua các năm. Không ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp khá chật vật trong công tác tuyển sinh do chưa tìm được hướng đi phù hợp, đặc biệt trong những khối ngành cơ khí, kinh tế - tài chính…  “Vì vậy, để đạt được con số mà kế hoạch đưa ra, các trường nghề phải thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp, vừa phải nâng cao chất lượng đào tạo vừa phải đẩy mạnh truyền thông tuyển sinh. Các phương pháp tuyển sinh cần thực hiện đa dạng, đồng bộ từ việc tuyển sinh trực tiếp gắn với tuyển sinh trực tuyến thông qua các website, Facebook; đặc biệt cần làm tốt công tác phân luồng, các trường phải có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, thì mới có khả năng thoát khỏi những thách thức trong mùa tuyển sinh”, bà Nguyễn Thị Xuân Hương cho hay.
Để giúp hệ thống giáo dục nghề nghiệp thực hiện tốt công tác tuyển sinh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng, đề xuất với tỉnh các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn liền với thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề. Cụ thể, đẩy mạnh, quan tâm hướng nghiệp, phân luồng học sinh từ bậc THCS, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm, lấy chất lượng việc làm của người học sau khi tốt nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả.
Theo LĐ-TB&XH, trong 6 tháng cuối năm, hệ thống GDNN toàn tỉnh phấn đấu tuyển sinh hệ Cao đẳng 5.200 người, hệ Trung cấp 4.000 người, đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng 41.400 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 77%. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tập trung vào thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội với giáo dục nghề nghiệp; tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo, Trung tâm Dịch vụ Việc làm với doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp; làm tốt công tác phân tích thông tin thị trường lao động để hỗ trợ các đơn vị đào tạo vạch ra chương trình, kế hoạch đào tạo, tuyển sinh đáp ứng nhu cầu người học và doanh nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách mở cho công tác tuyển sinh … góp phần tạo môi trường thuận lợi cho giáo dục nghề nghiệp phát triển, các trường từng bước đứng vững trong cơ chế tự chủ, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Hoài Phương