Gài bom phá nổ Tổng kho Long Bình

25/04/2019 08:08 Số lượt xem: 10000
Ở  tuổi 82 tuổi, chân đã chậm, mắt đã mờ nhưng khi nhắc về những ngày tháng tập kích phá Tổng kho Long Bình, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Đỗ Văn Ninh ở khu phố Đọ Xá, phường Ninh Xá (thành phố Bắc Ninh) lại hừng hực khí thế như những ngày ra trận.

Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, ngôi nhà của Đại tá Đỗ Văn Ninh nằm sâu trong ngõ nhỏ sau ngôi chùa Đọ Xá rộn rã tiếng cười. Rót chén trà mời khách, ông kể cho chúng tôi nghe những ký ức chiến tranh. Đó là những năm tháng chiến tranh khốc liệt, từ trận chiến Tết Mậu Thân 1968, đến Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh… Nhưng ấn tượng nhất trong cuộc đời binh nghiệp với ông chính là trận gài bom phá nổ Tổng kho Long Bình (Đồng Nai) năm 1972. 

 

Đại tá Đỗ Văn Ninh kể lại những năm tháng cùng Trung đoàn 113 ra trận.

Đại tá Đỗ Văn Ninh kể lại: “Tổng kho Long Bình nằm trên hướng Đông Bắc Sài Gòn, gồm một dãy 16 quả đồi, nối tiếp nhau theo hình cánh cung, bao quanh thị xã Biên Hòa, có diện tích 24 km2. Phía Tây Nam có sông Đồng Nai, phía Đông Bắc có sông Buông. Sau khi nhận lệnh đột nhập Tổng kho Long Bình, Trung đoàn 113 tổ chức 3 mũi trinh sát (mỗi mũi có 4 đến 5 người) nghiên cứu sơ đồ, địa hình, căn cứ, lực lượng của địch. Sau 3 ngày, các trinh sát nắm bắt được, tại đây Mỹ hình thành 4 khu: Khu A chứa hàng quân tiếp vụ; khu B chứa thiết bị quân sự và thiết bị thông tin liên lạc; khu C đặt Sở Chỉ huy tiểu khu Long Bình; khu D gồm 2 khu kho 50 và 53 chứa đạn. Do tính chất chiến lược đặc biệt quan trọng, tổng kho được bảo vệ nghiêm ngặt. Những  tổ trinh sát của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận vào bên trong bởi nhiều hàng rào phức tạp, từ ngoài vào trong, nhất là hàng rào thứ 9. Đây là hàng rào làm bằng loại thép to, chắc và cứng (không thể dùng kéo cắt) được hàn lại với nhau, khác xa so với các loại rào chắn thông thường. Hàng rào này có tên là “mắt cáo”. Các múi hàn tạo ra một góc khoảng 45o, hai thanh thép chắc tạo ra góc ấy cũng chính là điểm tựa để chúng tôi dùng phương pháp đòn bẩy bật múi hàn ra. Khi người chui qua, “mắt cáo” được khép lại như cũ, địch khó phát hiện”.
Ban ngày các trinh sát nằm trú ẩn trong các căn cứ địch và khi màn đêm buông xuống, họ lại tiếp tục nghiên cứu chi tiết từng kho và cách canh gác, tuần tiễu của địch. Càng vào sâu, tình huống đặt ra càng khó khăn, phức tạp. Điểm cuối cùng là kho tập kết vũ khí, nhưng tất cả các cửa kho, địch  khóa bằng một loại khóa đặc biệt. Để giải quyết vấn đề này, Tham mưu phó Đỗ Văn Ninh chỉ huy một mũi trinh sát vào nghiên cứu, tìm cách mở khóa để chiến sỹ ta đưa vũ khí lọt vào trong kho gài đặt đúng vị trí hiểm yếu nhất.

 

Tổng kho Long Bình năm 1972 (ảnh Tư liệu).


Trên cơ sở nắm chắc tình hình địch, Trung đoàn 113, do các đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Trung đoàn trưởng và Đỗ Văn Ninh, Tham mưu phó Trung đoàn 113 trực tiếp chỉ đạo xây dựng phương án tác chiến nhằm mục tiêu phá hủy bí mật theo 4 bước: Bước 1 cắt rào; bước 2 mở khóa; bước 3 đặt bom nổ chậm; bước 4 rời nhanh khỏi trận địa. Lực lượng tham gia gồm 57 cán bộ, chiến sỹ, chia làm 2 bộ phận trực tiếp đánh nội tuyến và bảo vệ hành lang. Vũ khí trang bị gồm 220 quả bộc phá gắn ngòi nổ hẹn giờ, dụng cụ cưa khóa, mở cửa kho…
Đại tá Đỗ Văn Ninh nhớ lại: “Đêm 12-8-1972, các cán bộ, chiến sỹ tham gia trận đánh do tôi chỉ huy vào khu vực Tổng kho Long Bình. Rất may, đêm đó địch cho mở cửa xả hơi thông gió các dãy kho. Các chiến sỹ của ta nhanh chóng áp sát mục tiêu cài đặt mìn các kho. Đúng  3 giờ sáng ngày 13-8, bộc phá phát nổ. Ở giữa căn cứ Long Bình, những tia chớp xanh lè vọt lên trên nền trời cao rộng, những đám lửa đỏ ngầu, cuồn cuộn bốc lên sáng rực một vùng trời. Cả thị xã Biên Hòa rung lên như động đất. Trong tiếng nổ đanh, giòn của đủ loại bom đạn, quân địch nháo nhác, hoảng loạn và bất lực, chỉ biết nhìn kho dự trữ chiến lược chìm trong biển lửa”. Kết quả, quân ta phá hủy 130 nhà kho chưá 5.430 tấn bom đạn, 200 tấn chất nổ, diệt và làm bị thương 300 quân địch. Toàn bộ cán bộ, chiến sỹ ta rút về an toàn trong niềm vui khôn xiết của nhân dân vùng hậu cứ đón những người con chiến thắng trở về.
 Sau trận đánh lừng lẫy vào Tổng kho Long Bình, đồng chí Đỗ Văn Ninh cùng với Trung đoàn 113 tham gia nhiều chiến dịch, đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1978, đồng chí Đỗ Văn Ninh vinh dự được Đảng, Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Phong Vân