Doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

11/10/2018 08:45 Số lượt xem: 2689
Là một địa phương “sáng giá” nhất cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bắc Ninh có sự hiện diện của các Tập đoàn công nghiệp toàn cầu: Samsung, Canon, Suntory-PepsiCo, Foxconn, Sembcorp…

Với sự góp mặt của 1.260 dự án FDI (còn hiệu lực) chuyên sản xuất, cung ứng sản phẩm ở nhiều lĩnh vực, trong đó trọng tâm là điện tử viễn thông, đưa Bắc Ninh trở thành “thủ phủ” sản xuất, xuất khẩu hàng điện tử, CNTT hàng đầu ở Việt Nam và quốc tế. Lợi thế đó không chỉ tạo cho tỉnh thế mạnh nâng cao giá trị xuất khẩu, quy mô nền kinh tế, đẩy mạnh tăng trưởng, mà còn đem đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nội địa phát huy nội lực, kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bài 1: Cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Nói đến Bắc Ninh hôm nay, không chỉ có Quan họ, lễ hội, làng nghề… Bắc Ninh còn là tỉnh phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu đứng thứ 2 toàn quốc (chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh). Quy mô công nghiệp được khẳng định, minh chứng bằng thực tiễn với tốc độ tăng nhanh, công nghệ ngày càng hiện đại, góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Các KCN tập trung, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế.

Bắc Ninh có 17 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích 6.616,9 ha. Trong đó 10 KCN đi vào hoạt động, diện tích quy hoạch 3.494,42 ha, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch đạt 73,76%. Cùng với đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài hàng rào KCN, các dịch vụ phục vụ sản xuất từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, có đủ năng lực tiếp nhận các dự án công nghệ cao, bảo đảm phát triển an toàn, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Lợi thế đó tạo sức hút cho dòng vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh ngày càng lớn, với nhiều dự án “tỷ đô” ra đời thiết lập mạng lưới sản xuất quy mô, kết nối Bắc Ninh với chuỗi sản xuất toàn cầu.
Samsung nhà đầu tư chiến lược của tỉnh thu hút nhiều vệ tinh cung ứng linh kiện, nguyên liệu.
 
Mỗi KCN ở Bắc Ninh đều có các nhà đầu tư hạt nhân như: Samsung, Canon, Foxconn, Suntory-PepsiCo... hình thành các sản phẩm chủ lực là điện tử, công nghệ cao, công nghiệp chế biến. Sự hiện diện của những “ông lớn” luôn kéo theo hệ thống các DN hỗ trợ (vendor) và việc tìm kiếm đơn vị cung cấp linh kiện sở tại của các nhà đầu tư nước ngoài là tất yếu. Đây thực sự là cơ hội lớn để các DN nội địa liên kết sản xuất tham gia vào chuỗi cung ứng đó.
Thực tế các doanh nghiệp (DN)  FDI đang sử dụng rất nhiều nguồn nguyên liệu và linh kiện mà họ vẫn đang phải nhập khẩu với mức chi phí cao, trong khi đó những nguyên liệu này ngay trong nước có thể cung ứng được. Điển hình như Tập đoàn Samsung có tới hơn 279 DN hỗ trợ, tỷ lệ nội địa hóa đạt 57%. Theo kế hoạch sản xuất đến hết năm 2018 Samsung nâng sản lượng lên hơn 1,2 tỷ sản phẩm thông minh (Made in Viet Nam), nhu cầu 170 linh, phụ kiện cần đối tác cung ứng. Đây là cơ hội lớn để các DN địa phương tham gia cung ứng sản phẩm CNHT. Hay như Công ty Canon Việt Nam thu hút hơn 100 DN vệ tinh, riêng Canon Bắc Ninh có gần 30 nhà cung cấp linh kiện, nguyên liệu, điển hình là các nhà đầu tư vệ tinh như: Foxconn, Dragon, Công ty Việt Đức... tỷ lệ nội địa hóa hiện của Tập đoàn này tại Việt Nam chiếm tới 65%. Đây là một tỷ lệ nội địa cao nhất trong các sản phẩm của các DN FDI đầu tư vào địa bàn. Hoặc Công  ty TNHH FUSHAN TECHNOLOGY (KCN VSIP) quy mô hơn 50 dây chuyền sản xuất lắp ráp điện thoại di động đã kéo theo hàng chục DN vệ tinh…
Mới đây Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN Yên Phong II-C, quy mô 219,22 ha, thuộc địa phận thị trấn Chờ và các xã Đông Tiến, Tam Giang (Yên Phong, Dự kiến thời gian tới tỉnh tiếp tục đề nghị Chính phủ phê duyệt KCN VSIP II. Tổng diện tích 2 KCN mới này là 600 ha, đây là khu vực đầu tư lý tưởng, là điều kiện để Bắc Ninh tiếp tục thu hút đầu tư FDI và tạo động lực lan tỏa mới từ các KCN này trong những năm tiếp theo.
Phát huy thế mạnh từ các làng nghề truyền thống, Bắc Ninh xây dựng được hệ thống các DN nhỏ và vừa (toàn tỉnh hiện có hơn 11.340 DN) hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó có rất nhiều DN tiềm năng đủ điều kiện cũng như năng lực gia nhập chuỗi cung ứng của các DN FDI. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần giấy Tiến Thành (KCN Quế Võ) là đơn vị cung cấp bao bì số 1 tại Bắc Ninh, Công ty chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, áp dụng quy trình quản lý tiên tiến như: Máy in offset 5 màu, máy in Flexo 4 màu, máy chế bản laser, polime, máy bồi, máy xẻ rãnh, máy cán lằn, máy bế, máy dán, máy ghim, máy cột dây… nhằm bảo đảm chất lượng tốt nhất cho từng sản phẩm bao bì và giá thành cạnh tranh nhất. Với hệ thống máy móc hiện đại kết hợp với phương pháp quản lý chuyên nghiệp, nên chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất của đơn vị ngày càng được nâng cao. Những sản phẩm bao bì của Tiến Thành là lựa chọn tin cậy của hơn 100 DN trong nước và DN FDI, điển hình như: Công ty VS, Công ty DK, Dragon zet (KCN Quế Võ), Công ty thực phẩm bánh kẹo Tràng An, Công ty Rượu Hà Nội, Công ty sứ Long Phương…
Các DN thuộc các lĩnh vực cơ khí, ép nhựa, bao bì như: Công ty Kim Sen (KCN Yên Phong); Công ty Bảo Tín (Phong Khê, thành phố Bắc Ninh)… cũng từng bước tiếp cận để cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp FDI.
Công ty CP giấy Tiến Thành trở thành nhà cung ứng của Samsung.

Nhận thức được vai trò của phát triển CNHT đối với quá trình CNH -HĐH theo hướng bền vững, song song với việc thực hiện 3 nhóm giải pháp để khuyến khích phát triển CNHT của Chính phủ (Xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nâng cao mối liên kết, hợp tác và tạo môi trường chuyển giao công nghệ giữa các DN FDI và DN trong nước; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng), Bắc Ninh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho DN CNHT. UBND tỉnh ra Quyết định số 229/2015/QĐ-UBND ngày 30-6-2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành CNHT tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó định hướng: Xây dựng cơ chế hỗ trợ liên kết các DN trong chuỗi giá trị; hỗ trợ DNNVV trong nước tham gia vào chuỗi giá trị đó, tạo điều kiện để DN tiếp cận kỹ thuật, công nghệ theo các hình thức thuê, mua, chuyển giao từ các nhà đầu tư nước ngoài từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp tỉnh thực hiện giới thiệu và kết nối các DN để hợp tác, trở thành nhà cung cấp của nhau, đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Tổ chức các chương trình hội thảo, diễn đàn nhà máy FDI làm cầu nối, hợp tác chuyển giao công nghệ với các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản… Điển hình như hoạt động triển lãm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm CNHT, chương trình tư vấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt của Samsung Việt Nam. Qua đó, tạo điều kiện cho DN nội địa tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của Tập đoàn này và có cơ hội vươn lên trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho Samsung.
Ông Tạ Đăng Đoan, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh chia sẻ: Thực tế là những Tập đoàn toàn cầu, đặc biệt là các Công ty nước ngoài đặt nhà máy tại Việt Nam đều rất mong muốn tìm được những nhà cung ứng linh kiện phù hợp ngay ở thị trường trong nước. Bản thân họ cũng rất sẵn sàng hỗ trợ để DN thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh. Bằng chứng là bắt đầu từ năm 2015, Samsung có một số chương trình hợp tác với Bộ Công Thương, cử các chuyên gia từ Hàn Quốc sang để hỗ trợ một số DN phụ trợ của Bắc Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung hoàn thiện quy trình cung ứng sản phẩm, linh kiện cho hai tổ hợp Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên...
Từ những lợi thế cạnh tranh của địa phương cùng với sự trợ giúp đắc lực của các chính sách hỗ trợ phát triển CNHT Trung ương, tỉnh, đặc biệt là sự hỗ trợ của các DN FDI, điển hình là Tập đoàn Samsung đã góp phần quan trọng để “mở lối” cho  CNHT Bắc Ninh phát triển.
Bài 2: CNHT phát triển chưa tương xứng tiềm năng
Thái Uyên-Thanh Ngân