Doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

15/10/2018 08:51 Số lượt xem: 1996

Bài 3: Chủ động liên kết với doanh nghiệp FDI

 

Để tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập quốc tế và nội lực địa phương thúc đẩy ngành CNHT phát triển trước hết cần tiến hành “bồi dưỡng DN CNHT” nội địa để thay thế các nhà ung cấp nước ngoài. Sự bắt tay giữa Samsung và các Bộ, ngành, Hiệp hội DN qua các sự kiện: “Triển lãm Hội thảo Công nghiệp hỗ trợ và Chương trình tư vấn hỗ trợ DN thuần Việt, đào tạo chuyên gia tư vấn cho Việt Nam” của Samsung thời gian qua mang lại nhiều giải pháp thiết thực, trực tiếp giúp các DN nội địa nắm bắt được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung.

Chuyên gia Samsung tư vấn, hỗ trợ DN nội địa nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

Theo ông Kim Dong Hwan, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam: Để kinh tế Việt Nam gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa thì điều quan trọng nhất trong hoạt động sản xuất là việc hợp tác với nhà cung ứng ưu tú cũng như sự phát triển của chuỗi cung ứng. Là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, Samsung luôn nỗ lực cùng Chính phủ Việt Nam phát triển CNHT nội địa. Việc lựa chọn nhà cung ứng cần các DN chứng minh được năng lực, đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Thời gian qua, Samsung nỗ lực tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa ưu tú thông qua việc tổ chức các chương trình tư vấn cải tiến cho DN Việt. Để có thể trở thành nhà cung ứng của Samsung, tất cả các DN đều phải chủ động chứng minh năng lực và quyết tâm lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung. Song thực tế đa phần các DN Việt Nam chưa thoả mãn được các yêu cầu ấy, tuy nhiên chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động đào tạo, hỗ trợ tư vấn bồi dưỡng DN Việt nhằm tìm ra nhà cung ứng cho mình ngay tại địa phương.
Thực hiện Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Bộ Công Thương và Samsung trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hàn Quốc tại Việt Nam vào tháng 3 - 2018, Samsung đã và đang tiến hành tổ chức các khóa đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực CNHT. Sau khi tiếp thu những kiến thức mới, kỹ năng hữu ích, lực lượng này sẽ trở thành nguồn nhân lực then chốt để tư vấn lại cho các DN Việt Nam góp phần nâng cao năng lực, thúc đẩy khả năng cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các Tập đoàn đa quốc gia, trong đó có Samsung.
Thực tiễn triển khai chương trình “Tư vấn hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam” với Samsung và Bộ Công Thương được triển khai từ năm từ 2015, Samsung tiến hành tư vấn, cải tiến tìm ra 7 nhà cung ứng cấp I tại Bắc Ninh như: Công ty Điện tử Thành Long trở thành nhà cung ứng linh kiện điện tử cấp I duy nhất của Việt Nam; Công ty CP giấy Tiến Thành, Công ty Bao bì Thăng Long… Ngoài ra còn có khoảng hơn 30 nhà cung ứng cấp 2 như Công ty ECO (KCN Khai Sơn); Công ty Cp Công nghệ Bắc Việt (KCN Quế Võ)… Một số DN tiềm năng như: Công ty CP thiết bị Bưu điện Postef (KCN VSIP Bắc Ninh); Công ty Châu Thái Sơn (KCN Quế Võ) cung cấp bao bì; Công ty CP MANUTRONICS Việt Nam (KCN Tiên Sơn) cung cấp đĩa CD, DVD… sau khi được hỗ trợ có những chuyển đổi khả quan. Các hạng mục sản xuất có cải tiến 40% về sản lượng, hạng mục về quản lý chất lượng được cải tiến 33%. Nhờ có sự trợ giúp của Samsung, quản lý chất lượng còn được chú trọng thêm qua bước thiết lập phòng chất lượng, thiết lập KPI, phân công nhiệm vụ…
Việt Nam hiện là thành viên chính thức của ASEAN, APEC, ASEM và CPTTP... Việc hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng giao lưu mối quan hệ thương mại với các nước là một cơ hội để đưa Việt Nam nói chung, Bắc Ninh nói riêng hội nhập cùng nền kinh tế thế giới. Làm sao để các doanh nghiệp Việt được tham gia trực tiếp vào dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, nắm được công nghệ cốt lõi, tăng năng lực, năng suất, nâng cao được giá trị thực của sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc các DN nhỏ và vừa làm phụ trợ có thể chủ động tham gia vào chuỗi giá trị của các hãng lớn đang được xem như yếu tố cốt tử của nền công nghiệp Việt Nam. Kỳ vọng đưa ngành CNHT sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp Việt Nam với tỷ trọng chiếm hơn 33% giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2020.
Mục tiêu của Bắc Ninh, đến năm 2020, CNHT sẽ trở thành ngành công nghiệp phát triển, tham gia vào việc sản xuất và cung cấp phần lớn các linh kiện, phụ tùng, dịch vụ bảo trì, sửa chữa cho các ngành công nghiệp trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Đến năm 2030, ngành CNHT của tỉnh sẽ là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các Tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới. Phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trong đó công nghiệp điện tử là ngành mũi nhọn… Mục tiêu này thực sự là một khát vọng lớn cần phải có sự thay đổi về mọi mặt.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh có nhiều giải pháp tập trung cho 3 ngành trọng điểm, trong đó CNHT được xác định vừa là đối tượng chính của chính sách phát triển vừa là giải pháp để phát triển bền vững. Tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực nghiên cứu phát triển, không gây ô nhiễm môi trường; hỗ trợ và thúc đẩy DN trong nước tự đổi mới; hỗ trợ về chính sách đất đai; phí sử dụng hạ tầng; hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào KCN... Khuyến khích các Ngân hàng thương mại dành sự ưu tiên nhất định về lãi suất và hạn mức tín dụng để tạo thuận lợi cho các DN vay vốn đầu tư sản xuất. Tăng cường hỗ trợ DN trong nước gặp gỡ trao đổi, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc hợp tác với các các tổ chức trong nước và quốc tế dưới các hình thức như: Ngày hội FDI, hội chợ, hội thảo... Xây dựng cơ chế hỗ trợ liên kết các DN trong chuỗi giá trị; hỗ trợ DNNVV trong nước tham gia vào chuỗi giá trị đó, tạo điều kiện để DN tiếp cận kỹ thuật, công nghệ theo các hình thức thuê, mua, chuyển giao từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Mở rộng sự liên kết trong đào tạo giữa các cơ sở dạy nghề trong nước và các trường nghề có uy tín trên thế giới, liên kết đào tạo với các DN, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực. Thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Doanh nhân trẻ đẩy mạnh sự liên kết giữa các DN trong nước, trong tỉnh với các DN FDI. Kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu về sản phẩm hỗ trợ với các DN có khả năng sản xuất những sản phẩm này để hợp tác phát triển... Đây là cách thức rất hiệu quả mà các DN trong tỉnh thông qua đó tạo thêm bạn hàng mới, mở rộng thị trường, tiếp cận công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm hỗ trợ.
Phát triển ngành CNHT nhằm tạo ra chuỗi liên kết đan xen, một mình DN tự thực hiện sẽ rất khó khăn. Do vậy, tỉnh cần tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương về cơ chế chính sách và luôn đồng hành cùng nhà đầu tư để khai thác hiệu ứng lan tỏa của các dự án lớn đưa ngành CNHT địa phương phát triển tương xứng. Các doanh nhân Bắc Ninh nói riêng, trong nước nói chung thấy rằng đây là cơ hội để tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong môi trường hội nhập sẽ có những cạnh tranh quyết liệt do sự “chênh” nhau rất lớn về trình độ công nghệ giữa khối DN nội địa và DN FDI nhưng vẫn hứa hẹn những kết quả tốt bởi quá trình toàn cầu hóa sẽ thu hẹp khoảng cách đó. Cùng với sự chủ động trong hội nhập của các DN, việc hỗ trợ các DN CNHT nội địa thụ hưởng các chính sách của Trung ương, địa phương nhằm hóa giải những hạn chế, tận dụng cơ hội từ cuộc CMCN lần thứ 4 để không ngừng đổi mới sáng tạo, tiếp thêm năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Thái Uyên- Thanh Ngân