Doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

12/10/2018 08:11 Số lượt xem: 1926
Bài 2: CNHT phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Gia nhập WTO, Việt Nam tham gia các  Hiệp định thương mại FTA thế hệ mới, năm 2018 là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ CPTPP… nhưng  các DN trong nước dường như vẫn loay hoay tìm đường hội nhập, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Toàn tỉnh hiện có 418 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Trong đó, có 272 DN FDI, với tổng số vốn đầu tư khoảng 3,1 tỷ USD (chiếm 87%) và chiếm 78% giá trị sản xuất. Trong những năm qua, tuy giá trị sản xuất công nghiệp ngành CNHT có mức tăng trưởng cao nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất toàn ngành (chiếm 10,9% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). Các DN CNHT mới tạo ra khoảng 20% giá trị sản xuất công nghiệp; riêng các DN CNHT thuần Việt chỉ đóng góp được khoảng 26% trong giá trị đó và chiếm 34% giá trị cung cấp các sản phẩm bao bì, gia công lắp ráp modul, chi tiết đơn giản.

Công ty Hana Micro Việt Nam (KCN Yên Phong) 100% vốn FDI, nhà cung ứng của Samsung.

Tuy Bắc Ninh có nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn và nhu cầu tìm kiếm đơn vị cung cấp linh kiện sở tại là tất yếu, song thực tế phần lớn số DN trong nước vẫn chưa “chen” được vào chuỗi sản xuất của khối DN FDI. Trước năm 2010, các DN FDI chủ yếu phải nhập khẩu linh kiện, phụ kiện, chi tiết bán thành phẩm… để lắp ráp, đến nay có một số DN nội địa sản xuất được linh kiện thay thế nhập khẩu, tuy vậy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất chính. Giá trị sản xuất CNHT Bắc Ninh thấp do chủ yếu là gia công, lắp ráp; nguyên vật liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài nên tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng thấp.
Hoạt động sản xuất của các DN trong nước chủ yếu là làm bao bì hay những sản phẩm ở cấp độ thấp cho các Tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Canon, Brather, Kawasaki...; một số DN thì cung cấp bàn đạp, bàn phanh.... cho Yamaha. Hơn thế, sản phẩm hàng hóa tạo ra vẫn chủ yếu do lao động trực tiếp mà chưa được ứng dụng công nghệ cao, do đó sức cạnh tranh thấp, chưa có sản phẩm chất lượng cao.
Điển hình như Samsung, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa rất cao, song phần lớn linh kiện đều do các DN CNHT của Tập đoàn này tại Việt Nam cung ứng, trong tổng số 279 nhà cung ứng cấp I thì DN thuần Việt mới chỉ có 29 đơn vị. Mặt khác, các DN cung ứng nội địa cho Samsung cũng mới chỉ dừng lại ở các sản phẩm bao bì, linh kiện nhựa… giá trị gia tăng thấp (28/29 DN). Đối với các DN điện, điện tử - mới chỉ là bước khởi đầu, duy nhất có 1/29 DN cấp I.
Nguyên nhân chính dẫn tới các DN nội địa khó “chen chân” được vào chuỗi giá trị toàn cầu tiềm lực yếu, chưa có kinh nghiệm cũng như trải nghiệm thực sự trong vấn đề sản xuất các sản phẩm công nghệ cao; Thiếu nguồn nhân lực có tay nghề, chất lượng sản phẩm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp các sản phẩm hiện đại; Thiếu hẳn sự phối hợp, liên kết giữa các nhà cung ứng với nhau, giữa các DN FDI với các DN nội địa. … Những điều này gây khó khăn cho không chỉ DN sản xuất linh kiện, phụ kiện, bán sản phẩm mà còn gây khó khăn cho các đơn vị sản xuất và lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.
 Hiện có 3 vấn đề lớn mà nhiều DN CNHT trong nước đang vấp phải đó là: vốn, mặt bằng sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi cho các lĩnh vực này, nhưng thực tế, số DN được thụ hưởng còn rất ít. Hầu hết DN đều “tự bơi”, nên nhiều đơn vị không dám mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực CNHT.
Ông Ngô Xuân Lợi, Giám đốc Công ty Cổ phần giấy Hưng Lợi (CCN Phú Lâm, Tiên Du) chia sẻ: “Thị trường hiện nay có nhiều biến động, cơ hội và thách thức thường đi kèm. Để an toàn, Công ty chỉ tập trung vào sản xuất đáp ứng những khách hàng truyền thống và chưa có ý định mở rộng vì cạnh tranh không dễ. DN hỗ trợ trong nước phần lớn khó phát triển vì thiếu vốn, mặt bằng sản xuất và khó biết trước nhu cầu của thị trường…”. Băn khoăn của ông Lợi cũng là nỗi niềm của nhiều DN NVV trong tỉnh.
Đối với lĩnh vực chế tạo thép (đúc phôi) vốn là ngành truyền thống của tỉnh nhưng các sản phẩm trong ngành này nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, giá lại cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu, do chi phí sản xuất cao.
Với các DN có nhiều cơ hội trở thành nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI thì hầu hết được khởi nghiệp từ nông thôn, phát triển theo công thức chung là tích lũy vốn từ đất đai, tài nguyên, quản lý theo mô hình “gia đình”, rất ít DN được hình thành và phát triển từ ý tưởng sáng tạo, phát minh hoặc phát triển công nghiệp mới. Phương pháp tổ chức sản xuất, kinh doanh và quản lý mang nặng tính tự phát hoặc theo tập quán. Công ty Giấy và Bao bì Phú Giang (Phú Lâm, Tiên Du) là một trong những DN có tiếng của tỉnh nhưng được hình hành và phát triển trên nền tảng của làng nghề truyền thống và kinh tế hộ. Mặc dù, Công ty có những bước lớn mạnh và có chiến lược kinh doanh tốt, kết hợp với đầu tư thiết bị chất lượng, nhưng sản phẩm cơ bản chỉ tiêu thụ nội địa, chưa trực tiếp cung ứng tới các DN FDI đầu tư tại tỉnh, chưa nói tới chuyện tiến xa hơn ra thị trường toàn cầu.
 Đối với nhóm các DN lớn với xuất phát điểm là các DN nhà nước chịu ảnh hưởng bởi tính bao cấp nên thiếu sự năng động và chậm thích ứng với thị trường. Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Shim Won Hwan chỉ rõ những hạn chế của DN nội địa: Thứ nhất, có rất nhiều DN Việt Nam thực sự còn rất yếu kém, chưa có kinh nghiệm cũng như trải nghiệm thực sự trong vấn đề sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc bán sản phẩm cho khách hàng có thị trường toàn cầu và phải sản xuất các sản phẩm chất lượng hàng đầu với mức giá hợp lý. Thứ hai, thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao. Thứ ba, chất lượng sản phẩm họ làm ra vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện tại. Đó là lý do tại sao các DN FDI vẫn phải “kéo theo” các doanh nghiệp vệ tinh, điển hình như: Nhà máy Samsung SDI chuyên sản xuất pin; Samsung Display chuyên sản xuất màn hình; Công ty Intops, Công ty Hana Micro (KCN Yên Phong) cung cấp linh kiện điện tử chi tiết, gia công vi mạch tích hợp…
 Đây là những lực cản lớn làm giảm tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm mũi nhọn được sản xuất trên địa bàn tỉnh, nhất là nhóm các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại di động, máy in, máy tính và thiết bị ngoại vi… Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với nhiều cơ hội, song cũng không ít thách thức. Trong cuộc cách mạng này các DN sẽ tăng trưởng nhanh nếu cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ. Ngược lại, nếu “lạc nhịp” về công nghệ, DN sẽ phải thu hẹp quy mô, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường.
Theo ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh thì: Cập nhật xu hướng công nghệ mới, thay đổi phương thức quản trị là vấn đề mấu chốt quyết định sự tồn tại và phát triển của DN nội địa. Dưới tác động của CMCN 4.0 có nhiều ngành (du lịch, CNTT, giáo dục, y tế…) sẽ được hưởng lợi từ nền tảng kết nối dữ liệu, số hóa. Trong khi đó, một số ngành như năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp chế tạo, đặc biệt là ngành CNHT sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến chi phí điều chỉnh trong ngắn hạn và trung hạn. DN sẽ tăng trưởng nhanh nếu nắm bắt được cơ hội, cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ và tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngược lại, nếu “lạc nhịp” về công nghệ, DN sẽ phải thu hẹp quy mô, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường. 
Bài 3: Chủ động liên kết với doanh nghiệp FDI

Thái Uyên- Thanh Ngân