Diễn xướng Quan họ mừng Ngày thống nhất

27/04/2018 09:27 Số lượt xem: 3987
“Hôm nay sum họp trúc mai/Tình trong một khắc nghĩa dài trăm năm/Hôm nay tứ hải giao tình/Tuy rằng bốn bể nhưng chung một nhà”... Những câu Quan họ vui mừng, vừa ngọt ngào vừa sâu sắc nghĩa tình ấy sẽ lại vang lên giữa lòng hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh) vào 20h tối mai (thứ Bảy 28-4) để chào mừng kỷ niệm 43 năm Ngày đất nước toàn thắng, Bắc Nam sum họp một nhà…

Đêm sum họp của Quan họ

Không lỗi hẹn với niềm mong mỏi của công chúng, chương trình biểu diễn Quan họ trên thuyền số đầu tiên của năm 2018 với chủ đề “Sum họp trúc mai” được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) và Ngày Quốc tế lao động (1-5). Chương trình có kết cấu 2 phần: Phần khai từ với màn hoà tấu nhạc cụ dân tộc “Đối ca sông Cầu” và hát đối đáp của các liền anh, liền chị làng Quan họ gốc bài “Tứ hải giao tình” đối với “Lan Huệ sánh bầy”. Phần biểu diễn Quan họ dưới thuyền do tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh thể hiện là những làn điệu cổ thuộc hệ thống giọng lẻ, giọng vặt như: “Bác đi xa lòng ta còn nhớ” theo điệu Mười nhớ, “Cây trúc xinh”, “Gửi bức thư sang”, “Buôn bấc buôn dầu”, “Chung lập chiến công” theo điệu 36 thứ chim, “Như ruộng năm sào”, “Tưởng đến gần xa”, “Nguyệt gác mái đình”…

 

Biểu diễn Quan họ trên thuyền tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh).

 

Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, thưởng thức văn hoá tinh thần trong các tầng lớp nhân dân đồng thời tuyên truyền, quảng bá sâu rộng vẻ đẹp độc đáo cùng những giá trị đặc sắc, tinh tuý của Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh tới bạn bè trong nước và quốc tế, chương trình biểu diễn Dân ca Quan họ trên thuyền “Sum họp trúc mai” dự kiến được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh. Đặc biệt, ngay khi chương trình hát Quan họ trên thuyền kết thúc sẽ là màn bắn pháo bông nghệ thuật chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cùng với chương trình trọng tâm là biểu diễn Dân ca Quan họ trên thuyền còn có nhiều hoạt động văn hoá hưởng ứng sôi nổi khác diễn ra ở khu vực lân cận hồ Nguyên Phi Ỷ Lan và tuyến phố đi bộ như: Biểu diễn âm nhạc đường phố, biểu diễn Múa rối nước Đồng Ngư, trình diễn nghề làm tran dân gian Đông Hồ, nghề gốm Phù Lãng, các trò chơi dân gian, Thư viện tỉnh trưng bày giới thiệu sách, Bảo tàng tỉnh mở cửa phục vụ khách tham quan trưng bày chuyên đề “Sáng mãi tấm gương người chiến sĩ cách mạng tỉnh Bắc Ninh bị địch bắt tù đày”…

 

Những tinh tuý độc đáo trong “nghề chơi”

 Không giống với các loại hình dân ca khác, Quan họ là một “nghề chơi công phu” diễn ra ở không gian rộng lớn gồm nhiều hoạt động: Dân ca Quan họ, tục kết bạn Quan họ, văn hoá hành vi Quan họ, lễ hội Quan họ và tín ngưỡng Quan họ. Trong đó, Dân ca Quan họ là hoạt động trọng tâm, việc ca hát chính là phương tiện để người Quan họ thực hiện các mặt hoạt động của mình.

Trong văn hoá Quan họ có nhiều khái niệm đặc trưng được người xưa đặt ra khi thực hành “nghề chơi” của mình, ví dụ như: “liền anh”, “liền chị”, “ông trùm”, “bà trùm”, “bọn Quan họ”, “nhà chứa” hay “ngủ bọn”… Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng việc gọi tên các khái niệm như “bọn Quan họ”, “nhà chứa” hay “ngủ bọn” là làm giảm đi cái hay, cái đẹp, thậm chí còn làm xấu văn hoá Quan họ. Song đó hoàn toàn là cách hiểu chưa đúng về Quan họ, bởi những khái niệm đó đều phản ánh vẻ đẹp đặc trưng, riêng biệt cùng những giá trị bất biến của văn hoá Quan họ. Chúng tôi gặp gỡ và trực tiếp được các thế hệ nghệ nhân mà cả cuộc đời “chơi Quan họ” truyền rằng, gọi “bọn Quan họ” hay “nhà chứa” là cách gọi chuẩn xác, chân thực mà từ xưa tới nay người Quan họ vẫn dùng. Nó hoàn toàn không mang nhiều nghĩa xấu như cách hiểu bây giờ. 

 

Mỗi lần tổ chức, chương trình biểu diễn Dân ca Quan họ trên thuyền ở hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh) thu hút hàng vạn lượt nhân dân và du khách đến thưởng thức.

 

Để lý giải cặn kẽ hơn về những khái niệm này, nhà nghiên cứu Quan họ Lê Danh Khiêm chia sẻ: “Bọn Quan họ” là tên gọi do các liền anh, liền chị ngày xưa đặt ra để chỉ tổ chức cơ sở của Quan họ. Về nguyên gốc từ ngữ thì “bọn” là chỉ một tập thể đồng nhất. Một “bọn Quan họ” bao giờ và ở đâu cũng đều phải là một tập thể cùng giới tính, nghĩa là toàn nam hoặc toàn nữ. Quy định đồng nhất giới tính này ngặt nghèo đến mức người đứng đầu bọn Quan họ nữ gọi là “bà trùm” còn người đứng đầu bọn Quan họ nam gọi là “ông trùm”. Hơn nữa, một trong những vẻ đẹp nổi bật của văn hoá Quan họ là tính tập thể rất cao cho nên, bất kỳ ai muốn chơi Quan họ đều phải gia nhập tổ chức “bọn Quan họ” nào đó. Các thành viên trong bọn Quan họ có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau không chỉ lúc truyền dạy, ca hát mà cả ở cuộc sống thường nhật.

Mỗi bọn Quan họ nhất định phải có một “nhà chứa” riêng để làm nơi thường xuyên luyện tập chung vì nếu cả bọn không thường xuyên luyện tập thì không thể đi chơi Quan họ được. Các nghệ nhân kể rằng: Để có thể đi chơi Quan họ vào mùa xuân năm sau thì từ đầu tháng Chạp năm trước, các bọn Quan họ phải thường xuyên đến nhà chứa luyện tập từ cách ăn nói, ứng xử đến trau dồi vốn liếng bài bản, làn điệu Quan họ. Nhiều khi say sưa luyện tập đến quá khuya phải nghỉ lại nhà chứa nên gọi là “ngủ bọn”.

Còn về khái niệm “nhà chứa”. Trong văn hoá Quan họ, “nhà chứa” là một cơ sở vật chất quan trọng không thể thiếu của riêng từng bọn Quan họ. Đúng theo nguyên nghĩa thì “nhà chứa” đơn giản chỉ là “ngôi nhà” để “chứa” bọn Quan họ. Và đó thực chất là cách gọi theo đúng nghĩa của người Quan họ xưa chứ không phải mang nghĩa xấu như một số người bây giờ vẫn hiểu.

Ngày nay, “nhà chứa Quan họ” là một thiết chế văn hóa đặc thù riêng có của người Quan họ. Đây là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa Quan họ, giao lưu, truyền dạy, tiếp đón Quan họ bạn và du khách. Chính vì thế, nhà chứa giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Nhận thức được điều đó, thời gian qua tỉnh Bắc Ninh triển khai phục dựng và phát huy giá trị các nhà chứa tạo điều kiện cho Quan họ trường tồn và lan tỏa. Đây là chủ trương đúng, đáp ứng được lòng mong mỏi của cộng đồng và những người yêu Quan họ. Hiện nay, ngoài “nhà chứa trăm tuổi” của gia đình cụ Ngô Thị Khu ở làng Thuỷ tổ Quan họ Viêm Xá, UBND tỉnh còn đầu tư phục dựng thêm 3 “nhà chứa Quan họ” mới đưa vào sử dụng ở 3 làng Quan họ cổ là: Lũng Giang (thị trấn Lim, Tiên Du); Khu Đương Xá, phường Vạn An và làng Diềm, xã Hoà Long (thành phố Bắc Ninh). Theo lộ trình của Đề án bảo tồn Dân ca Quan họ Bắc Ninh, giai đoạn 2013 - 2020, Bắc Ninh lựa chọn 8 làng Quan họ gốc tiêu biểu, còn duy trì tốt phong trào học hát Quan họ và còn giữ tục kết chạ, kết bạn với nhau để xây dựng nhà chứa. 

Việc xây dựng lại nhà chứa Quan họ theo lối cổ không chỉ tạo không gian sinh hoạt truyền thống của người Quan họ mà các hoạt động giao lưu Quan họ sẽ được triển khai thường xuyên hơn. Thậm chí các làng Quan họ sẽ được đón nhiều đoàn khách du lịch và những người yêu mến Quan họ đến thưởng thức.

Thuận Cẩm