Diễn đàn hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế làng nghề

28/12/2019 13:59 Số lượt xem: 3728
Chiều 27-12, tại thị xã Từ Sơn, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế làng nghề”.

Trưởng Ban kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình và các đại biểu thăm gian hàng tại Hội chợ “Sắc màu làng nghề”.

 

Tới dự có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế"; Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng: Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư; Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đào Hồng Lan, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đại diện các bộ, ban, ngành T.Ư cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến nhấn mạnh, sau hơn 20 năm tái lập, đến nay tỉnh Bắc Ninh đã có sự phát triển vượt bậc, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong tốp dẫn đầu cả nước. Trong thành tựu chung có sự đóng góp tích cực của khu vực kinh tế làng nghề với 21 làng nghề truyền thống, 9 làng nghề mới cùng nhiều nghề đang làm thủ tục xét công nhận làng nghề trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy khẳng định đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, hưởng ứng Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” nhằm khơi dậy trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cac hộ làng nghề… đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Đề nghị các đại biểu cùng thảo luận, trao đổi ý kiến, đánh giá đúng thực trạng hoạt động, những tiềm năng, cơ hội, thách thức đối với làng nghề. Đề xuất những giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách để khu vực làng nghề được phá triển bền vững trong bối cảnh kinh tế đã hội nhập sâu rộng.

Theo báo cáo của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó, có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống, với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia. Các sản phẩm làng nghề của cả nước đã xuất khẩu sang khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD/năm.

Đây không chỉ là nơi tạo ra những sản phẩm đặc sắc và tiêu biểu của từng địa phương, vùng miền; mà còn huy động được nguồn lực của người dân ở khu vực nông thôn, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có tại địa phương, mang lại hiệu quả và giá trị về kinh tế cho nhiều hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp; đồng thời, lưu giữ những giá trị mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có tác động mạnh mẽ làm thay đổi đời sống và bộ mặt khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, làng nghề cả nước nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng phát triển còn chậm, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, thiếu mặt bằng sản xuất; khả năng tiếp cận vốn khó khăn, yếu kém về quản trị cơ sở và tiếp thị, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng; hoạt động và quy mô sản xuất còn nhỏ, lẻ, tự phát, đặc biệt vấn đề tồn tại và khó khăn lớn nhất hiện nay đó chính là vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề…

Tại Diễn đàn, đại diện các Bộ, ngành Trung ương trực tiếp giải đáp những kiến nghị, thắc mắc của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất làng nghề về những vấn đề liên quan đến khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: Thị trường tiêu thụ, chính sách đất đai, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, quảng bá sản phẩm… Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng hành lang pháp lý an toàn để bảo vệ môi trường làng nghề; làm tốt công tác điều chỉnh quy hoạch để xác định quỹ đất dành cho phát triển làng nghề; tăng cường công tác dạy nghề, xây dựng đội ngũ nghệ nhân cho các làng nghề; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết liên doanh để tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

Các đại biểu cũng cho rằng, những khó khăn, vướng mắc của làng nghề hiện nay đòi hỏi vai trò, trách nhiệm lớn của Đảng, Nhà nước, cũng như chính quyền các cấp cần thiết phải có cơ chế, chính sách, giải pháp khắc phục những bất cập, tồn tại để các làng nghề được phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương với phương châm “Hiệu quả về kinh tế - giữ được giá trị văn hóa - môi trường được đảm bảo”.

 

 

Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cùng các đồng chí lãnh đạo T.Ư và tỉnh Bắc Ninh tại Diễn đàn.

 

Phát biểu chỉ đạo, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình biểu dương và đánh giá cao những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước của các làng nghề trong suốt hơn 35 năm đổi mới, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Nhất trí với quan điểm cần phải có những giải pháp giúp làng nghề phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nhất là hỗ trợ làng nghề nắm bắt cơ chế chính sách và pháp luật về đất đai, tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ tài chính… Các địa phương cần tách biệt giữa ngành nghề ở nông thôn với các làng nghề truyền thống để từ đó hoạch định lại, giúp nhân dân định hình được hướng đi phù hợp.

Ghi nhận những nội dung trả lời của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước cũng như những kiến nghị đề xuất của các đại biểu tại Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình khẳng định đây là cơ sở quan trọng để đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành chính sách phù hợp nhằm phát triển kinh tế làng nghề bền vững, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Nhân dịp này, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cùng các đồng chí lãnh đạo T.Ư và tỉnh Bắc Ninh đến dự khai mạc và thăm quan các gian hàng Hội chợ “Sắc màu làng nghề” tại Khu đô thị Hanaka – Paris.

Việt Anh