Dành trọn đam mê cho nghệ thuật Tuồng

06/09/2018 08:26 Số lượt xem: 1829
Được xem chị diễn một vài lần, có thể thấy nhập vai là chị thoát hẳn cái vẻ ngoài thường nhật để hóa thân cùng nhân vật, có thể là một nữ tướng dũng mãnh hay một bà mẹ thương con, một tiểu thư khuê các… Nay đã ở độ chín muồi về nghệ thuật, có đủ bản lĩnh, kinh nghiệm sân khấu, nhưng chị vẫn giữ được duyên dáng của người nghệ sĩ và nét trẻ trung khó đoán tuổi. Chị là nghệ sĩ tuồng Hoàng Thị Ngọc Kim-CLB Tuồng Đồng Nguyên.

Diễn viên Hoàng Thị Ngọc Kim vai Trưng Trắc trong trích đoạn Tuồng “Trưng nữ vương đề cờ”. (Ảnh: Xuân Khương)

 

Sinh ra và lớn lên tại một làng quê vùng Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa, học hết cấp 3 chị đến với nghệ thuật sâu khấu Tuồng như một cái duyên. Tháng 10-1977, chị trúng tuyển vào trường Sân khấu điện ảnh khoa Tuồng Bắc. Suốt 4 năm học tại trường, chị được đào tạo bài bản, chỉn chu về bộ môn này, sau đó tốt nghiệp và về công tác tại Đoàn nghệ thuật Tuồng Hà Bắc từ năm 1981. Năm 1991, vì điều kiện có nhiều khó khăn, hoạt động không hiệu quả nên đoàn tuồng bị giải thể. Chị chuyển về Đồng Nguyên quê chồng sinh sống. Rất may nơi đây có CLB Tuồng Tam Lư truyền thống với các diễn viên phần lớn là người lao động nhưng yêu mến và gắn bó với bộ môn nghệ thuật này. Từ đó, chị lại có cơ hội được thỏa mãn niềm đam mê theo nghề Tuồng cùng với một số diễn viên không chuyên khác tại các đoàn tuồng địa phương như Tiến Bào, Đa Hội, Đồng Kỵ, Đình Bảng... Hàng năm cứ đến dịp lễ hội chị lại được tham gia biểu diễn hàng trăm đêm tuồng với những vai diễn, dù là vai chính hay vai phụ chị cũng đều hoàn thành xuất sắc, được bà con, khán giả yêu mến. Trong đó không thể không nhắc đến các vai diễn đã góp phần tạo thành tên tuổi nghệ sĩ Ngọc Kim như: vai Hồ Nguyệt Cô trong “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, Thị Mánh trong “Kẻ nô lệ”, Huyền Hương trong “Tiếng đàn huyền diệu”, Mai Hương trong “Thần dược”…
Trong các kỳ hội diễn sân khấu không chuyên của tỉnh cũng như toàn quốc chị đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc. 8 Huy chương Vàng và 4 huy chương Bạc là con số mà nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng phải phấn đấu. Mới đây nhất, tại Hội diễn sân khấu Tuồng không chuyên toàn quốc tháng 7-2018 tại thành phố Quy Nhơn, chị đã giành Huy chương Vàng với vai diễn Lý Săng trong vở tuồng hiện đại “Tình Mẹ”.
Hơn 40 năm trong nghề, chị nỗ lực phấn đấu, không ngừng rèn luyện góp phần gìn giữ, phát huy nền nghệ thuật tuồng truyền thống quý báu của dân tộc, chị đã được nhận Huy chương “Vì sự nghiệp văn hóa” và là hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh, hội viên Hội Nghệ sĩ Việt Nam.
Đặc biệt, chị là một trong 6 nghệ sĩ tuồng vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh năm 2017.
Nghệ sĩ Ngọc Kim tâm sự: Dù xã hội có thay đổi, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả cũng thay đổi theo nhưng chị may mắn vẫn sống được bằng nghề. Nhờ tình yêu nghệ thuật và đam mê nên bao nhiêu tâm huyết chị đều dồn hết cho vai diễn để mỗi năm vẫn có hàng trăm đêm diễn đến với khán giả khắp nơi. Mỗi vai diễn đều là quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, đổ mồ hôi của người nghệ sĩ trên sàn tập để khán giả có thể cùng khóc, cười cùng mỗi số phận, mỗi kiếp người trên sâu khấu. Với chị, thành công lớn nhất đối với một nghệ sĩ là nhận được sự yêu mến của khán giả, được khán giả “nhớ mặt, đặt tên”.
Nói về sự tồn tại nghệ thuật tuồng trong xã hội hiện đại, chị có chút băn khoăn bởi với kinh nghiệm của một người nghệ sĩ cả đời gắn bó với bộ môn nghệ thuật truyền thống, lăn lộn với nghề, chị nhận thấy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả cũng có sự thay đổi lớn theo xu hướng nghệ thuật hiện đại nên nghệ thuật tuồng bị lắng xuống. Vì vậy, mong mỏi của chị cũng như của tất cả nghệ sĩ tuồng khác là việc bảo tồn, duy trì loại hình nghệ thuật truyền thống này được chú trọng hơn nữa để những người nghệ sĩ như chị tiếp tục được đứng trên “thánh đường” sân khấu, được hóa thân vào những vai diễn yêu thích, đóng góp một phần nhỏ vào việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Những người “nghệ sĩ nhân dân” như nghệ sĩ Hoàng Thị Ngọc Kim thật sự rất xứng đáng được tôn vinh, bởi nếu không có tình yêu đủ lớn dành cho nghệ thuật dân gian truyền thống, sẽ không có những nghệ sĩ không chuyên gắn bó, lăn lộn cùng với sự thăng trầm của nghề, vất vả tìm đất diễn để cho những sân khấu nhỏ ở mỗi miền quê được sáng đèn, đem đến cho bà con một món ăn tinh thần quý báu, đậm chất dân gian nhưng lại vô cùng trí tuệ của nghệ thuật Tuồng.

Thu Thủy, Đài Từ Sơn