Dành trọn đam mê cho nghệ thuật Chèo

12/04/2019 08:26 Số lượt xem: 2674
Trong giới văn nghệ sĩ Bắc Ninh và công chúng yêu Chèo ít ai không biết nghệ sĩ không chuyên Đặng Thị Ngọc Doãn, thôn Nga Hoàng, xã Yên Giả (Quế Võ). Chị được khán giả nhớ đến ở những vai hề và một số vai diễn chính ở các vở Chèo cổ, tiểu phẩm Chèo mới.

 

Ngọc Doãn thể hiện vai anh Nô trong vở “Quan Âm Thị Kính”.
 
 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống 4 đời theo nghiệp hát Chèo, bố đẻ là ông Đặng Thanh Giáo trùm Chèo nổi tiếng khắp vùng, 7 tuổi, Ngọc Doãn thích hát và được theo gánh hát gia đình đi biểu diễn khắp nơi. Từ niềm yêu thích và say mê với Chèo, chị được cha truyền dạy và định hướng theo con đường nghệ thuật từ sớm. Từ năm 1976-1978, Ngọc Doãn thi đỗ và học tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc, ra trường được tuyển chọn ngay vào Đoàn Chèo Hà Bắc. Song do hoàn cảnh gia đình, hoạt động chuyên nghiệp được 11 năm, chị xin rút khỏi đoàn và sang lao động bên Liên Xô (cũ).
Với tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật Chèo cháy bỏng, tại đây chị thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, diễn Chèo phục vụ đồng hương. Năm 1993 về nước, Ngọc Doãn là giáo viên Mầm non, thời điểm này ngoài giờ trên lớp với trẻ chị dành thời gian đi truyền dạy hát Chèo cho nhiều địa phương và các CLB trong và ngoài tỉnh. Về hưu, chị đứng ra thành lập đội Chèo thôn Nga Hoàng và là nòng cốt truyền dạy cho các thành viên, nay là CLB Chèo thôn Nga Hoàng. CLB được các đơn vị mời đi biểu diễn khắp các vùng trong, ngoài huyện và tỉnh bạn như: Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương…
Những người xem Chèo hẳn sẽ luôn ấn tượng với Ngọc Doãn ở các vai anh Nô, Thiện sĩ trong trích đoạn Chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”; vai anh Chuộc trong vở “Làng Chèo”, vai hề trong vở “Nguyên Phi Ỷ Lan” và các vai hề trong các tiểu phẩm Chèo mới. Trong mỗi vai diễn, chị luôn cố gắng diễn tả hết tính cách của nhân vật góp phần làm cho vở diễn trở nên có “hồn” và được công chúng yêu thích.
Dành trọn đam mê cho nghệ thuật Chèo, Ngọc Doãn có một “kho” giải thưởng tại nhiều liên hoan, hội diễn sân khấu không chuyên của tỉnh. Chị từng đạt Huy chương Vàng ở vai anh Nô trong vở “Quan Âm Thị Kính”, vai Phù Thủy vở “Súy Vân”, vai Mẹ trong vở chèo “Tấm lòng son”, “Bông sen đỏ” và nhiều vai diễn chính trong các vở chèo cổ. Ngọc Doãn thành công hơn cả trong lòng công chúng khi vào các vai hề Chèo. Chị tâm sự: “Năm 1987, tôi bị cắt apidan và mất giọng, lúc này rất buồn, bởi chỉ nghĩ đến đam mê đã theo đuổi bao năm, nay không được thỏa nguyện. Hiểu được nỗi lòng của con gái, cha đã cho tôi thử các vai hề Chèo. Lần đầu vào vai hề được cha khen tôi rất vui. Từ đó, cha truyền cho tôi tất cả các vai hề trong các vở Chèo cổ”.
Đam mê và gắn bó với nghệ thuật truyền thống đã bao nhiêu năm nhưng Ngọc Doãn vẫn tâm huyết với các vai hề Chèo và vai diễn thích nhất là anh Nô trong vở “Quan Âm Thị Kính”. Đi diễn nhiều nơi từ chiếu chèo làng đến đứng trên sân khấu hoành tráng chị đều làm khán giả cười nghiêng ngả bởi những vai hề. Có lẽ sự hài hước trong mỗi vai diễn đã làm công chúng nhớ đến chị lâu hơn, chẳng những thế mà có khán giả xem diễn đã hàng chục năm nhưng khi gặp lại vẫn gọi là anh Nô. Theo Ngọc Doãn, là một diễn viên Chèo yếu tố quan trọng nhất để khán giả nhớ tới mình là phải có năng khiếu bẩm sinh cộng với niềm đam mê và lòng nhiệt huyết.
Hơn 40 năm say cháy với nghệ thuật Chèo, Ngọc Doãn không chỉ góp phần phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương mà còn lan tỏa tình yêu chèo đến các vùng, miền khác qua công tác truyền dạy và biểu diễn. Với những đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của nghệ thuật Chèo, chị nhận được nhiều giấy khen của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ văn hóa, thể thao và du lịch; giấy khen của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động chuyên ngành sân khấu…
Bài, ảnh: Minh Hường