Cô Ký khuyến học

29/11/2018 08:31 Số lượt xem: 1723
Chi hội khuyến học Phú Mẫn (thị trấn Chờ, Yên Phong) thành lập năm 1996, là một trong các chi hội thành lập sớm nhất huyện Yên Phong. Nhà giáo Lê Thị Ký là người trong thôn tham gia BCH Chi hội từ ngày đầu.

 

Nhà giáo Lê Thị Ký giới thiệu về con em quê hương là Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ.
 
 

Năm 2007 về hưu, nhà giáo Lê Thị Ký được bầu làm Chi hội Phó và năm 2016 làm Chi hội Trưởng Chi hội Khuyến học của Phú Mẫn. Cô không nề hà bất cứ việc gì, từ tham gia giữ quỹ, vận động các doanh nghiệp, những người hảo tâm đóng góp xây dựng quỹ, nhận đứng đầu một xóm hàng tháng  kiểm tra góc học tập và thực hiện giờ học ban đêm của học sinh.
Với một làng có hơn 1.000 hộ dân, mỗi gia đình ủng hộ 4kg thóc/năm và các nhà hảo tâm, hàng năm quỹ Hội cũng có 150 triệu đồng. Số quỹ ấy chủ yếu để làm học bổng dành cho các em học sinh nghèo vượt khó. Phú Mẫn có học bổng trao hàng tháng cho học sinh gặp khó khăn, cơ nhỡ mỗi suất từ 200 nghìn đến 500 nghìn đồng. Với các em được cấp học bổng hàng tháng ấy, cô Ký cùng với Ban Khuyến học của thôn đến tận nhà thăm hỏi và trao học bổng. Cô Ký vẫn nhớ tên từng gia đình, từng em được nhận học bổng như: Gia đình chị Nguyễn Thị Lý chồng chết để lại 2 đứa con thơ, Hội kịp thời đến động viên chia sẻ; gia đình ông Nguyễn Công Trịnh và bà Nguyễn Thị Lan, chồng bị tai nạn gia thông nằm liệt giường nhiều năm, bà Lan một mình bươn trải, khi làm ruộng lúc chợ búa nuôi chồng nuôi con, chi Hội Khuyến học tạo điều kiện giúp đỡ thường xuyên cho 4 cháu, nay đã có 3 cháu vào Đại học…
Ở Phú Mẫn, phong trào học tập đã trở thành truyền thống tốt đẹp. Trước đây là mô hình tủ sách của Câu lạc bộ Măng non Phú Mẫn đã giúp cho bao thanh, thiếu niên nuôi ước mơ rèn chí lập thân, có học vấn cao đóng góp cho quê hương đất nước. Nối tiếp truyền thống ham đọc sách ấy, năm 2016, Phú Mẫn xây dựng thư viện và giao cho Chi hội Khuyến học làm nòng cốt và mời một số đảng viên tâm huyết vào ban xây dựng. Cô Lê Thị Ký làm Chủ nhiệm thư viện đã xây dựng kế hoạch đề xuất lãnh đạo địa phương đi tham quan thư viện Trang Liệt (thị xã Từ Sơn); đầu tư cơ sở vật chất; xin tài trợ về sách báo... Hiện thư viện có khoảng 7.200 đầu sách, báo, phân loại cẩn thận theo từng chủ đề. Mỗi tuần thư viện mở của 3 buổi, mỗi buổi có từ 30 đến 50 độc giả, gồm người cao tuổi, học sinh, người dân… Ngoài cô Lê Thị Ký còn có 3 thủ thư nữa đều thuộc Ban Khuyến học làm việc với tinh thần tự nguyện.
Những nỗ lực của nhà giáo Lê Thị Ký góp phần cùng các cấp, các ngành và người dân đưa sự nghiệp giáo dục ở Phú Mẫn phát triển mạnh mẽ. Năm nào địa phương cũng có từ 30 đến 40 em đỗ Đại học các trường công lập. Thôn tổ chức 4 lần vinh danh cho các Thạc sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư, Phó Giáo sư, năm 2017 có 123 Thạc sĩ, Tiến sĩ (trong đó có 16 Tiến sĩ, 1 Giáo sư và 2 Phó Giáo sư), bình quân 40 người dân thì có 1 Tiến sĩ, Thạc sĩ. Năm 2014, Chi hội Khuyến học Phú Mẫn được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc. Cô Ký được đại diện cho Chi hội Khuyến học tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh đi dự hội nghị khuyến học toàn quốc tại Đà Nẵng năm 2016.
Tham gia công tác khuyến học, dù ở  vị trí nào từ Ủy viên BCH, Trưởng ban kiểm tra Hội khuyến học huyện… nhà giáo Lê Thị Ký luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cô Ký tâm niệm: “Mang lại niềm vui cho người khác là bản thân thấy hạnh phúc. Công tác khuyến học rất có ý nghĩa vì thế tôi sẽ tiếp tục đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài của quê hương”.
Nghiêm Đình Thường, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Yên Phong