Cơ giới hóa sản xuất lúa ở Đạo Chân

07/11/2019 19:39 Số lượt xem: 3326
Nhờ áp dụng phương pháp gieo mạ khay và sử dụng máy cấy trong sản xuất lúa đã giúp nông dân thôn Đạo Chân, xã Kim Chân (thành phố Bắc Ninh) giảm 50% công lao động, 15-20% chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật, tăng 10-15% năng suất, qua đó nâng cao giá trị thu nhập, hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị canh tác.

Vụ mùa năm nay là vụ thứ hai gia đình ông Vũ Văn Huy ở thôn Đạo Chân, xã Kim Chân tham gia dự án xây dựng và phát triển mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa tại các tỉnh Trung du, đồng bằng sông Hồng do Trung tâm Khuyến nông và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh triển khai với diện tích gieo cấy 6 ha gồm các giống: BC15, TBR225, Thiên ưu 8. Vừa chỉ tay giới thiệu diện tích lúa đang được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, ông Huy cho biết: “Những năm trước đây, gia đình tôi thường chỉ gieo cấy khoảng 5-7 sào lúa/vụ do không có nhân lực, trong khi nhiều gia đình tại địa phương thường bỏ ruộng hoang không canh tác. Từ vụ xuân năm 2019, khi Trung tâm Khuyến nông và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh triển khai mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa gia đình tôi đã mạnh dạn thuê lại ruộng của các hộ trong thôn để tham gia mô hình. Trung bình, nếu cấy theo phương pháp thủ công, một người chỉ cấy được 1 sào/ngày. Nhưng khi áp dụng máy cấy, gia đình cấy được khoảng 1,5-1,8 ha/ngày. Thêm vào đó, lúa được gieo cấy bằng phương pháp mạ khay, máy cấy ít sâu bệnh, đẻ nhánh khỏe, năng suất khi thu hoạch cao hơn so với cấy thủ công. Chi phí từ giống, gieo mạ khay đến khi cấy xong chỉ khoảng 250.000 đồng/sào. Với diện tích gieo cấy 6 ha, năng suất dự kiến đạt 66-67 tạ/ha, sản lượng ước đạt gần 40 tấn, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có thu nhập khoảng 120 triệu đồng”.

 

Nông dân thôn Đạo Chân, xã Kim Chân (thành phố Bắc Ninh) cơ giới hóa thu hoạch lúa mùa.


Cùng với gia đình ông Huy, vụ mùa năm nay, toàn thôn Đạo Chân có 100 hộ tham gia mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa với quy mô 25 ha do Trung tâm Khuyến nông và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh triển khai. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% kinh phí mua máy cấy 6 hàng, máy cấy 4 hàng có sử dụng động cơ, máy gieo hạt, khay gieo mạ và giống lúa, đồng thời được tập huấn kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Theo ông Trần Xuân Dẫn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh, với mục tiêu tăng năng suất lao động trong khâu gieo cấy, giảm chi phí sản xuất (giống, công lao động), khắc phục thời tiết bất thuận khi gieo cấy, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, góp phần đẩy nhanh đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa, tạo tiền đề hình thành các tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, từ vụ xuân năm 2019, Trung tâm đã triển khai mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa tại thôn Đạo Chân, xã Kim Chân. Thực tế cho thấy, áp dụng phương pháp gieo mạ khay, máy cấy giúp nông dân khắc phục được ảnh hưởng của thời tiết, đồng thời tạo thuận lợi trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, rút ngắn thời gian sinh trưởng và góp phần tăng năng suất. Ngoài ra, do cấy thưa nên tạo sự thông thoáng, hấp thu được nhiều ánh sáng chiếu trực tiếp giúp cây lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh sớm hơn so với cấy tay từ 5-7 ngày, hạn chế được sâu bệnh, dịch hại, tỷ lệ bông hữu hiệu cao hơn 1,4-1,5 lần, nâng cao năng suất từ 10-15% so với phương pháp cấy tay.
Việc triển khai mô hình gieo mạ khay, cấy máy ở Đạo Chân không chỉ góp phần giảm công lao động, chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất lúa mà còn khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động và chậm thời vụ ở địa phương. Đây cũng chính là điều kiện, tiền đề để địa phương thúc đẩy việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập, hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị canh tác.

Bài, ảnh: Nguyễn Tuấn