Chuyện về những người có nhóm máu hiếm

24/11/2021 20:15 Số lượt xem: 2933
Mang trong mình nhóm đặc biệt (Rh-), thành viên trong Câu lạc bộ Những người có nhóm máu hiếm Bắc Ninh luôn nhận thức về tầm quan trọng của nhóm máu Rh- với cộng đồng. Không chỉ đều đặn tham gia hiến máu tình nguyện, mỗi người luôn trong trạng thái sẵn sàng lên đường hiến máu trong trường hợp khẩn cấp.

 

Chị Nguyễn Thị Dịu (phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh) vẫn nhớ như in khoảng khắc bác sĩ tại Bệnh viện phụ sản Trung ương thông báo về việc mình thuộc nhóm B (Rh-). Sau khi được giải thích về tỷ lệ chỉ chưa đầy 0,1% dân số Việt Nam có nhóm máu tương tự, chị ngỡ ngàng và bất ngờ khi mình đang mang trong mình một nhóm máu đặc biệt. Tìm hiểu thêm thông tin về nhóm máu hiếm, chị thấy mình cần có trách nhiệm tham gia các chương trình hiến máu tình nguyện thường xuyên. Đến nay, cô gái trẻ đã có 5 lần hiến máu. Chị Dịu cho hay: “Người mang dòng máu hiếm sinh hoạt, học tập, lao động bình thường như tất cả mọi người tuy nhiên họ có khả năng gặp rủi ro cao hơn bởi khi cần truyền máu do tai nạn gây mất máu, phẫu thuật cấp cứu… không phải lúc nào bệnh viện nơi cấp cứu cũng có sẵn nhóm máu hiếm. Điều này thôi thúc tôi tham gia các câu lạc bộ về nhóm máu hiếm để kịp thời giúp đỡ những người có nhóm máu như mình”.
Chị Trần Thị Thu Phương (thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ) phát hiện ra mình có nhóm máu hiếm trong một hoàn cảnh đặc biệt hơn. Đó là lúc nhập viện chuẩn bị sinh con đầu lòng. “Trong cơn đau dồn dập chuẩn bị sinh tôi chẳng nghĩ gì nhiều về việc mình có nhóm máu hiếm, chỉ tin tưởng mọi thứ vào bác sĩ. Sau khi  “mẹ tròn con vuông” và được bác sĩ tư vấn, dặn dò nhiều lưu ý “sống còn”, tôi mới thấy mình thật may mắn bởi sản phụ có nhóm máu hiếm nếu không được phát hiện nhóm máu, theo dõi, can thiệp kịp thời thì có thể đối mặt với rất nhiều nguy cơ”-Chị Phương tâm sự.
Sau lần sinh đầu tiên không có sự chuẩn bị trước, trong lần sinh tiếp theo, chị Phương chủ động tìm đến sự tư vấn của bác sĩ Bệnh viện Huyết học và truyền máu Trung ương và tiếp tục chào đón 2 đứa con khỏe mạnh. Đó cũng là mối lương duyên để chị tham gia tích cực vào các hoạt động hiến máu tình nguyện với mong muốn được kết nối, chia sẻ, tuyên truyền những thông tin có ích đến nhiều người có chung nhóm máu với mình, đặc biệt là các sản phụ.

 

Các thành viên Câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm Bắc Ninh.

 

Chị Dịu và chị Phương là hai trong số hàng chục tình nguyện viên tại Câu lạc bộ Những người có nhóm máu hiếm (Rh-) Bắc Ninh. Họ ở nhiều lứa tuổi, làm nhiều công việc khác nhau nhưng đều có điểm chung là tinh thần tình nguyện, sẵn sàng là ngân hàng máu sống có thể hiến máu bất cứ lúc nào. Thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thông tin kêu gọi hiến máu được cập nhật thường xuyên. Trong trường hợp khẩn cấp, các thành viên có máu phù hợp sẽ được liên hệ huy động để lên đường hiến tặng máu kịp thời.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thị Thanh Nga, Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, mỗi người được đặc trưng bằng một nhóm máu (A, B, O và AB), mỗi nhóm này sẽ có kháng nguyên Rhesus (Rh) gồm (Rh+) hoặc (Rh-). Ở Việt Nam, nhóm máu có kháng nguyên (Rh-) rất ít gặp, chỉ chiếm tỷ lệ chưa đầy 0,1% dân số nên thường được gọi là nhóm máu hiếm. Đặc điểm của (Rh-) là có thể truyền máu cho người có nhóm (Rh+) hoặc (Rh-) nhưng chỉ nhận được máu (Rh-) nên trong trường hợp cấp cứu nhất thiết phải được truyền đúng loại máu cùng kháng nguyên. Nếu truyền nhầm nhóm máu sẽ xảy ra hiện tượng tan máu (phản ứng loại trừ nhau) gây sốc, trụy tim mạch, thậm chí tử vong.
Với nữ giới, nếu thuộc nhóm máu hiếm thì cần phải đặc biệt quan tâm khi quyết định mang thai. Người mẹ có nhóm máu Rh- vẫn có thể sinh con bình thường, tuy nhiên nếu mang thai con có nhóm máu Rh+ thì sẽ sinh ra kháng thể chống lại Rh+, có thể gây các tai biến như sẩy thai, tan máu ở trẻ sơ sinh. Trường hợp này cần được sự theo dõi, tư vấn điều trị tiêm thuốc kháng nguyên AntiD trong thai kỳ và cả sau sinh từ các bác sĩ, chuyên gia về huyết học.  “Người mang nhóm máu hiếm không nên giấu thông tin mà hãy chia sẻ để giúp bản thân, gia đình, bác sĩ có sự chuẩn bị trước cho từng tình huống bất ngờ. Với những chị em mang thai thì cần khám định kỳ, thông báo với cơ sở y tế về nhóm máu của mình để được tư vấn các phác đồ phù hợp. Nếu đủ điều kiện sức khỏe hãy tham gia hiến máu tình nguyện định kỳ bởi nguồn dự trữ loại máu có kháng nguyên (Rh-) luôn rất khan hiếm… “-Bác sĩ Nga nhấn mạnh.
Có thể nói việc phát triển thành viên CLB Nhóm máu hiếm là cực kỳ cần thiết giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về nhóm máu hiếm cũng như khích lệ tinh thần hiến máu tình nguyện cứu người. Được ví là những người có nhóm máu quý hơn vàng, họ chính là “người hùng thầm lặng” hiến tặng những giọt máu nghĩa tình giúp cứu chữa rất nhiều tính mạng trong hoàn cảnh ngặt nghèo.

Hoài Phương