Chuyện về một “nếp nhà” hiếu học…

14/01/2020 14:36 Số lượt xem: 2483
“Nhà có 14 người con, hơn 20 cháu nội ngoại, mỗi người một công việc, học tập trong, ngoài nước, thế nên phải đến ngày Tết mới có dịp sum họp đông đủ. Ở tuổi 86, tôi chẳng mong gì, chỉ căn dặn các con cháu giữ lấy truyền thống học tập bởi tri thức là tài sản quý giá nhất”, bà Nguyễn Thị Hợi (khu phố Rạp Hát, phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh) trải lòng về gia đình mình. Bản thân vợ chồng bà là những nhà giáo mẫu mực, có 7 người con thì 5 người là Tiến sĩ khoa học, trong đó có 2 Phó Giáo sư, 2 Nhà giáo Ưu tú, 1 Nhà giáo Nhân dân… 

Cùng Nhà giáo Ưu tú Lê Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học thành phố Bắc Ninh, chúng tôi tới thăm gia đình nhà giáo lão thành Nguyễn Thị Hợi vào một sớm mùa xuân trong trẻo. Ngôi nhà khang trang, rộng rãi với cây xanh, sân vườn, bể cá, hòn non bộ khiến ai cũng trầm trồ, thích thú. Từ khi về nghỉ hưu (năm 1987), bà giáo Hợi tiếp tục được tín nhiệm bầu tham gia công tác tại Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu giáo chức, HĐND phường… Có lẽ nếp làm việc chăm chỉ, chỉn chu, lối cư xử nhã nhặn của một nhà giáo giúp bà vẫn giữ được sức khỏe dẻo dai, trí tuệ minh mẫn, được mọi người tin yêu, kính trọng.
Là người gốc Thị Cầu (Bắc Ninh), sau khi học xong phổ thông, bà Hợi theo học Sư phạm Văn - Sử và được phân công về dạy học tại Ninh Bình. Tại đây, duyên phận cho bà gặp người bạn đời là ông Nguyễn Đức Thuần (quê Thái Bình) khi cả 2 cùng công tác chung dưới một mái trường. Sau đó không lâu, đám cưới đơn sơ được diễn ra trong hang đá vào năm 1954 giữa lúc chiến tranh khốc liệt. 
Năm 1956, người con trai cả ra đời là anh Nguyễn Hải Thanh - Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Trưởng Khoa Toán, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội. Trong ký ức tuổi thơ của anh, vì nhà đông con nên những thời điểm tháng ba, ngày tám phải ăn cơm độn ngô, khoai, sắn là chuyện thường xuyên. Dẫu vậy, những năm học phổ thông, anh Thanh luôn là học sinh xuất sắc của trường và được cử sang Liên Xô du học. Sau khi tốt nghiệp, dù gặp không ít khó khăn về môi trường văn hóa, ngôn ngữ, nhưng anh tiếp tục nghiên cứu chuyên ngành Toán học và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại Ấn Độ.

 

Gia đình ba thế hệ quây quần, tề tựu đông đủ đón Xuân mới.


Công tác tại Ninh Bình đến năm 1959 thì hai ông bà được cử đi học Đại học ở Hà Nội. Giữa những năm tháng vô cùng khó khăn gian khổ nhưng cả hai vẫn thay nhau vừa công tác, vừa nuôi con, vừa đi học. Bà Hợi tâm sự: “Tuổi trẻ của chúng tôi chỉ khao khát được học tập. Tri thức giúp chúng tôi hiểu biết, vượt qua gian khó. Tôi vẫn thường bảo các con, đó chính là hạnh phúc!”. Sau khi hoàn thành khóa học, bà về dạy Văn - Sử tại ngôi trường giàu truyền thống mang tên danh nhân Hàn Thuyên ở Bắc Ninh, còn ông ở lại làm Giảng viên Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 
Sống trong cơ chế bao cấp, nhà đông con, vợ chồng mỗi người một nơi nhưng không vì thế mà ông bà xao nhãng việc nuôi dạy con cái. Ở Bắc Ninh, bà Hợi vừa dạy học, vừa tăng gia trồng trọt, chăn nuôi để các con đủ ăn. Căn hộ tập thể chật chội không chỉ là nơi trú ngụ của mấy mẹ con, mà còn phải chừa chỗ cho đàn gà, con lợn. Hiểu và thương bố mẹ, các con đều tự giác kèm cặp nhau học tập, nhường nhịn từng bát cơm, tấm áo, trang vở, cuốn sách… cứ thế lần lượt nối nhau vào Đại học, sang sống cùng bố ở Hà Nội. Những năm 1964-1972 có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất với gia đình, bởi đây là thời điểm chồng bà được Nhà nước cử đi công tác với vai trò chuyên gia Toán học giúp đỡ nước bạn Angola. Một mình tần tảo nuôi con nhưng bà Hợi vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, dạy các con có cái nhìn tích cực về cuộc sống, năng nổ học tập, lao động, trở thành người có ích cho xã hội, là điểm tựa vững chắc để chồng yên tâm nơi xứ người công tác.
Sự nỗ lực, vượt khó của vợ chồng nhà giáo nghèo được đền đáp khi 7 người con đều học tập xuất sắc, trở thành những Nhà khoa học, Nhà giáo Ưu tú, có học hàm, học vị cao. Người con thứ hai là chị Nguyễn Thị Hương Trang (SN 1959), là Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh; tiếp đến là các chị Nguyễn Thị Hoài Trang (SN 1961), Giáo viên Toán nhiều năm đạt danh hiệu dạy Giỏi tại Hà Nội; Nguyễn Thị Hằng Trang (SN 1963) - cán bộ Công ty Cấp thoát nước Bắc Ninh. Hai ông bà còn có 3 người con trai, trong đó cặp sinh đôi Nguyễn Đại Trung - Nguyễn Chí Thành (SN 1970) đều là Tiến sĩ. Anh Trung là Tiến sĩ Địa chất; anh Thành là Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Trưởng Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Hà Nội. Không kém cạnh so với anh chị, người con trai út là anh Nguyễn Trung Hiền (SN 1973) hiện là Giám đốc VNPT Bắc Ninh và đang bảo vệ Luận án Tiến sĩ.
Bà Hợi chia sẻ: một trong những bí quyết giúp các con say mê học tập là ngay từ nhỏ, gia đình luôn quan tâm, khích lệ tinh thần ham học hỏi của mỗi thành viên. Các con của bà không đi học thêm mà đều do bố mẹ chỉ dạy. Đặc biệt, bố mẹ không bao giờ làm thay, không ép học một cách thụ động, mà khuyến khích lối suy nghĩ độc lập, truyền cho các con chí tiến thủ, nỗ lực ở bản thân. 
Trong gia đình bà, các con dâu, con rể cũng đều có học thức cao. Các cháu của ông bà có 2 người là Tiến sĩ, 1 người là Thạc sĩ, nhiều người đang theo học tại các trường Đại học uy tín trong và ngoài nước… Nhà giáo Ưu tú Lê Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học thành phố Bắc Ninh bày tỏ: “Nhắc đến gia đình nhà giáo lão thành Nguyễn Thị Hợi, mọi người không những nể trọng đức hiếu học mà hơn hết còn là sự thuận hòa, hiếu hạnh, sự mẫu mực trong lối sống, cách ứng xử của các thành viên ở một trong những gia đình tiêu biểu nhất trong phong trào khuyến học vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc”.

Hoài Phương - Anh Khôi