Chuyện thật về ngôi nhà Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo

25/02/2020 10:12 Số lượt xem: 2179
Những ngày đầu xuân, đến thăm làng Đại Hoàng, xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) kể cũng khá thú vị…

Cái thú dễ nhận thấy nhất ở mảnh đất thuần nông nhưng nổi tiếng với thứ chuối Ngự Hoàng trứ danh dùng để tiến vua thuở trước, thì mấy năm gần đây, ngôi làng ấy còn được cả nước, thậm chí Việt kiều nhiều nơi trên thế giới biết đến bởi món ăn dân dã, dung dị của làng quê nhưng đang lên ngôi và trở thành đặc sản, giúp cho nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu. Đó là món cá trắm đen kho niêu đất, còn gọi là cá kho làng Vũ Đại hay cá kho nhà Bá Kiến. Sở dĩ gọi như vậy vì Đại Hoàng là ngôi làng nguyên mẫu trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn, liệt sĩ Nam Cao (tên thật là Trần Hữu Tri) sáng tác năm 1941. Nội dung truyện là tấn bi kịch của một người nông dân nghèo bị tha hóa ở một làng quê đồng bằng Bắc bộ giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. 
Đến làng Đại Hoàng (hay làng Vũ Đại), ta còn tận thấy một “báu vật”, đó là ngôi nhà của Bá Kiến. Dù đã trải qua hơn trăm năm dâu bể với 7 đời chủ nhưng đến nay, ngôi nhà ấy vẫn khá nguyên vẹn, dù mấy lần “chết hụt”. 

 

Toàn cảnh ngôi nhà Bá Kiến ở làng Đại Hoàng (tức làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo).


Theo các cụ cao niên trong làng, ngôi nhà Bá Kiến được xây vào khoảng những năm 1910, chủ nhân đầu tiên là cụ Hanh, một lái buôn giàu có nhất làng thời bấy giờ. Để hoàn thành ngôi nhà, cụ Hanh phải thuê mấy chục thợ giỏi nghề mộc ở Tổng Cao Đà, thuộc phủ Lý Nhân làm ròng rã nhiều tháng mới xong. Cụ Hanh mất đi để lại ngôi nhà cho người con cả là Trần Duy Xầm; cụ Xầm mất đi cũng để lại cho con cả là Trần Duy Cát. Nhưng vị này không nối được chí lớn ông, cha, suốt ngày chỉ rượu chè cờ bạc đến nỗi vay nợ không trả được phải gán ngôi nhà cho Trần Bá Bính. Bá Bính chính là nguyên mẫu của nhân vật Bá Kiến, được nhà văn Nam Cao xây dựng trong tác phẩm Chí Phèo. Cũng từ khi ngôi nhà vào tay Bá Bính thì câu chuyện về ngôi nhà mới trở nên đặc biệt. Đây là lý do giải thích tại sao ngôi nhà chỉ gắn liền với tên chủ nhân là nhà Bá Kiến được truyền tụng qua bao thế hệ…

 

Bể chứa nước mưa và cối đá trong khuôn viên ngôi nhà đã tồn tại hơn một thế kỷ.


Trần Bá Bính, tức Nghị Bính (nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến) xuất thân từ nông dân, nhưng do lọc lõi, mưu hiểm, biết làm giàu, rồi sử dụng đồng tiền mua chức cho mình, từ Phó lý, lên Lý trưởng rồi Chánh Tổng Cao Đà…, là Nghị viện Bắc Kỳ từng được triều đình nhà Nguyễn triệu về kinh đô Huế dự lễ tế đàn Nam Giao… Nghị Bính có 5 vợ và 12 con, vì nắm quyền sinh, quyền sát trong tay nên Nghị Bính muốn lấy vườn tược, ruộng đất hay chiếm đoạt nhà của ai là phải lấy cho bằng được. Nhà văn Nam Cao khi ấy sinh sống tại làng Đại Hoàng, nghe nói khi hoàn thành truyện ngắn Chí Phèo ông đã gặp phải rất nhiều rắc rối. Chuyện chỉ êm xuôi kể từ khi vị tri huyện Lý Nhân mới về trị nhậm, ông giới thiệu là bạn của Trần Hữu Tri, tức nhà văn Nam Cao. 
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền về tay nhân dân, bộ máy phong kiến sụp đổ, Nghị Bính tản cư nơi xa, nhưng khi ốm nặng được con cháu đưa về quê, mất cuối năm 1948. Khác với Bá Bính, rất nhiều con, cháu, dâu, rể của vị này sau đều đi theo cách mạng, vào bộ đội…, người cháu đích tôn còn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ do cụ Hồ lãnh đạo, giành toàn thắng vào ngày 7-5-1954.
Sau khi Trần Bá Bính chết, quyền thừa kế ngôi nhà thuộc người con trai cả là Trần Duy Tảo, hay Binh Tảo (cũng là một nguyên mẫu trong Chí Phèo); khi Trần Duy Tảo mất, con cháu ông bán ngôi nhà này cho cụ Trần Hữu Hậu là Việt kiều mua lại để định cư những năm cuối đời; khi cụ Hậu mất, người cháu nội là Trần Hữu Hòa được thừa hưởng gia sản, đây cũng là chủ nhân thứ bảy của ngôi nhà này.
Xét thấy những giá trị lịch sử đặc biệt, cần để lại cho hậu thế, sau nhiều lần thương thảo, năm 2007 gia đình ông Trần Hữu Hòa đồng ý bán lại ngôi nhà với giá 700 triệu đồng cho UBND tỉnh Hà Nam. Sau đó UBND tỉnh Hà Nam giao Phòng Văn hóa Thông tin và UBND xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân quản lý nhằm bảo tồn, sưu tập và nghiên cứu thân thế, sự nghiệp nhà văn Nam Cao, phục vụ du khách tham quan.
Ngôi nhà Bá Kiến có 3 gian theo truyền thống người Việt Nam gồm 4 hàng cột với tổng cộng 16 cây cột lim, chân cột được kê đá tảng là một loại đá xanh được đẽo gọt công phu giống nhau. Mái nhà lợp duy nhất một loại ngói ta theo kiểu bít đốc, hai đầu bờ nóc có đấu vuông giật cấp, trải hơn 100 năm nhưng vẫn khá nguyên vẹn, chưa bị dột nát… Đây thực sự là báu vật với hậu thế, trên quê hương nhà văn Nam Cao.
Nếu bạn có dịp đến Hà Nam, nhớ ghé thăm làng Vũ Đại thưởng thức món chuối Ngự tiến vua thơm ngọt, rồi mua mấy niêu cá trắm đen về làm quà. Quãng đường từ thành phố Phủ Lý, thủ phủ của tỉnh Hà Nam đến làng Vũ Đại chỉ 30 cây số, đến đó, bạn cũng đừng quên viếng mộ nhà văn, liệt sĩ Trần Hữu Tri, tức nhà văn Nam Cao, thăm “Nhà tưởng niệm nhà văn Nam Cao” trước khi ghé thăm ngôi nhà Bá Kiến nổi tiếng cũng chỉ cách đó non một 1 cây số…

Thanh Tú