Chuyển tải đầy đủ ý kiến của cử tri đến Quốc hội và cơ quan chức năng

20/05/2019 07:57 Số lượt xem: 1215
 Hôm nay 20-5, Kỳ họp thứ Bẩy, Quốc hội khóa XIV khai mạc tại thủ đô Hà Nội. Trước thềm kỳ họp, Báo Bắc Ninh có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Thị Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh về công tác chuẩn bị của Đoàn để tham gia kỳ họp Quốc hội đạt kết quả cao nhất.

PV: Xin đồng chí khái quát đôi nét về nội dung chính của kỳ họp thứ Bẩy, Quốc hội khóa XIV?
Đồng chí Trần Thị Hằng:
Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, gồm: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Về hoạt động giám sát, bên cạnh việc chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Quốc hội sẽ xem xét các nội dung: Báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018; Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020 và một số nội dung khác. 
Về công tác xây dựng luật, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua 7 dự án Luật, 2 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến vào 9 dự án Luật khác.
PV: Vậy các vị đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh đã có sự chuẩn bị như thế nào để tham gia kỳ họp Quốc hội đạt kết quả cao?
Đồng chí Trần Thị Hằng:
Một trong những nội dung trọng tâm của Kỳ họp thứ Bẩy, Quốc hội khóa XIV là công tác xây dựng luật. Để tham góp ý kiến có chất lượng vào công tác xây dựng luật của Quốc hội, ĐBQH tích cực nghiên cứu các dự thảo Luật dự kiến được xem xét, thông qua hoặc cho ý kiến tại kỳ họp; các Báo cáo thẩm tra, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với các dự án Luật...
Đoàn ĐBQH tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự án Luật dự kiến thông qua tại kỳ họp như: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Các hội nghị được tổ chức với thành phần là những người có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực pháp luật hoặc kinh nghiệm hoạt động thực tế trong lĩnh vực được luật điều chỉnh. Đoàn cũng tổ chức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản vào các dự án luật. Qua đó giúp các ĐBQH của Đoàn ĐBQH tỉnh có cơ sở tiếp thu, nghiên cứu, tham khảo, có tiếng nói chất lượng trong đóng góp ý kiến xây dựng luật. Đáng chú ý, Đoàn tổ chức tiếp xúc với những cử tri đang công tác trong ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh để thông báo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ Bẩy, Quốc hội khóa XIV; tiếp thu các ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội. Đồng thời lồng ghép nội dung lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Hội nghị thu được kết quả tốt đẹp với nhiều lượt ý kiến tâm huyết, sát thực được các cử tri trong ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh nhà gửi đến Quốc hội. Đồng thời, các chuyên gia trong ngành Giáo dục - Đào tạo là thành viên Ban soạn thảo Luật được Đoàn ĐBQH mời dự hội nghị cũng đã trao đổi, giải đáp, làm rõ những nội dung mà các cử tri quan tâm.
Việc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp được tổ chức đúng, đủ thành phần và ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các ĐBQH báo cáo cử tri dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp; kết quả trả lời ý kiến cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XIV; đồng thời tiếp thu các ý kiến của cử tri. Ngay sau các cuộc tiếp xúc cử tri, Văn phòng giúp Đoàn ĐBQH tổng hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri theo từng lĩnh vực gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Đoàn ĐBQH tổ chức, phối hợp với các Uỷ ban của Quốc hội và HĐND tỉnh tổ chức các cuộc giám sát, khảo sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật, các Nghị quyết của Quốc hội trên địa bàn  tỉnh. Các vị đại biểu Quốc hội tiến hành giám sát thông qua việc nghiên cứu kỹ dự thảo các báo cáo, tờ trình dự kiến trình tại kỳ họp Quốc hội; tham dự, nghiên cứu các nội dung các kỳ họp HĐND tỉnh và báo cáo của các ngành, đơn vị chức năng; tiếp công dân. Qua đó, thu thập thông tin, số liệu để chuẩn bị có hiệu quả cho việc thảo luận, giám sát việc trả lời kiến nghị của cử tri; làm rõ báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội trình tại kỳ họp Quốc hội và báo cáo giám sát; tiến hành chất vấn các thành viên chính phủ, làm rõ những vấn đề cử tri có ý kiến.
PV: Các đại biểu sẽ làm thế nào để tất cả các ý kiến của cử tri đều đến được diễn đàn Quốc hội, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Thị Hằng:
Qua các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn cho thấy, cử tri rất quan tâm đến hoạt động của Quốc  hội, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng. Bên cạnh các ý kiến đóng góp xây dựng luật và về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, có khá nhiều ý kiến về những sự vụ, những vấn đề cụ thể liên quan đến đời sống người dân.
Các ĐBQH trân trọng, tiếp thu đầy đủ mọi ý kiến của cử tri; phân loại các ý kiến để giải quyết hiệu quả. Đối với những sự việc cụ thể cử tri kiến nghị liên quan đến thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương và địa phương, Đoàn ĐBQH chuyển đến các đơn vị chức năng yêu cầu trả lời để hồi âm cho cử tri, đồng thời sẽ tiếp tục đốc thúc, theo dõi, giám sát việc thực hiện những nội dung đã trả lời. Đối với những kiến nghị của cử tri đóng góp xây dựng luật, đóng góp vào việc thực hiện Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, các ĐBQH tiếp thu, chuyển đến Quốc hội bằng hình thức báo cáo và chắt lọc, làm căn cứ tham gia góp ý vào các báo cáo, tờ trình tại kỳ họp. Đến nay, Đoàn đã hoàn tất việc báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri bằng văn bản gửi đến Quốc hội và các cơ quan chức năng trung ương, địa phương.
Thời gian kỳ họp có hạn nhưng lượng công việc nhiều, số đại biểu cũng rất đông nên khó có thể chuyển tải mọi ý kiến cử tri đến Quốc hội tại các phiên thảo luận. Tuy nhiên, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh sẽ cố gắng đến mức cao nhất để đưa tiếng nói của cử tri đến các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu cũng có thể tranh thủ giờ giải lao hoặc các hoạt động bên lề kỳ họp để trao đổi với các bộ trưởng, trưởng ngành về những vấn đề cử tri Bắc Ninh có ý kiến.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.

Vân Giang (Thực hiện)