Chuyển động Yên Phong

16/01/2020 09:48 Số lượt xem: 2398
Yên Phong-miền gió lặng, nơi vang vọng hồn thiêng sông núi với bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Thái úy Lý Thường Kiệt đánh đuổi giặc Tống xâm lược đã minh chứng cho khí chất anh hùng, bất khuất trước mọi gian nan, thử thách của đất và người nơi đây. Tinh thần quật cường, dám nghĩ, dám làm càng vững vàng hơn trong hội nhập. Miền gió lặng ấy đang chuyển mình mạnh mẽ từ một địa phương thuần nông trở thành vùng kinh tế công nghiệp trọng điểm của tỉnh.

Nằm trọn trong lòng bờ đê vững chãi của sông Cầu,  sông Cà Lồ, sông Ngũ Huyện Khê, bao đời nay đất Yên Phong được bồi đắp phù sa phì nhiêu, màu mỡ. Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, cùng  sự linh hoạt trong vận dụng KHKT vào sản xuất, người dân nơi đây tạo ra những sản vật đặc sắc nức tiếng gần xa như: Lúa VietGAP Yên Phụ, rau an toàn Tam Giang, thóc Kẻ Chiền, tiền Kẻ Chóa; tiền Đông Sóc, thóc Đông Xuyên, gạo ré Đông Mơi, cá trôi đồng Chờ... 
Nếu có dịp về xã Yên Phụ sẽ thấy rõ sự trù phú của vùng đất trăm nghề này. Những cánh đồng lúa nếp cái hoa vàng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trải rộng, HTX nông nghiệp kí kết hợp đồng bao tiêu, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm với các doanh nghiệp, mang lại nguồn thu từ 12-15 tỷ đồng/năm, cao gấp 3 - 4 lần so với cấy lúa tẻ thông thường. Cũng từ nguồn nông sản chủ lực ấy, người dân Yên Phụ khéo léo chuyển hóa thành nghề nấu rượu nếp, với hương vị đặc trưng và bánh đa nem… góp phần hình thành chuỗi cung ứng nông sản mang thương hiệu riêng của Yên Phụ. Không chỉ có vậy, nông sản Yên Phong còn nức tiếng cả nước với bánh tẻ làng Chờ; rau hữu cơ Tam Giang; rượu Đại Lâm; tằm tơ Vọng Nguyệt… đang được huyện đẩy mạnh đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ, đem lại giá trị kinh tế cao. 
Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, huyện Yên Phong huy động mọi nguồn lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại làm đòn bẩy cho kinh tế phát triển. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất hàng hoá kết hợp với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; thu nhập, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Năm 2019, tổng sản phẩm GRDP địa phương ước đạt 7.921,555 tỷ đồng, tăng 7,2 % so với năm 2018. Trong đó, sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt 5.316,206 tỷ đồng, tăng 7,3 %; thương mại dịch vụ đạt 1.955,258 tỷ đồng, tăng 11,4 %…

 

Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt.


Ông Lưu Văn Mùi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện khẳng định: “Để thực hiện thành công mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thương mại dịch vụ, huyện huy động mọi nguồn lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại phục vụ có hiệu quả yêu cầu về phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển mạnh các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn”. 
Hướng đi đúng đã đưa Yên Phong từ một huyện thuần nông phát triển thành vùng kinh tế công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Một mặt, huyện đẩy mạnh phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, mặt khác nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp. Vốn nhạy bén với cơ chế thị trường cùng sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở Yên Phong phát triển mạnh. Hầu hết các xã đều có nghề truyền thống với những thế mạnh riêng như: Nghề cô đúc nhôm Văn Môn; chế biến lương thực ở Yên Phụ, Tam Giang; sản xuất bao bì ở Đông Phong, hương thơm làng Chóa, đồ gỗ mỹ nghệ Ô Cách... 
Điển hình là nghề mộc phát triển mạnh ở các xã Đông Thọ, Trung Nghĩa, với hơn 90% hộ dân tham gia sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và kinh doanh dịch vụ. Sản phẩm đồ gỗ không chỉ có mặt trong nước mà bước đầu vươn xa ra thị trường các nước lân cận như Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia…, tạo việc làm cho hơn 5000 lao động trong và ngoài địa phương. Hay ở xã Đông Tiến, chuyên sản xuất đồng hồ bằng gỗ với những nét chạm khắc tinh xảo tạo nên hình thù đặc sắc như chiếc lá, nhành hoa, tứ linh, tứ quý… làm nên thương hiệu đồng hồ Ô Cách (Đông Tiến) nổi tiếng. Những làng nghề truyền thống đó đã tạo nên bức tranh muôn màu đặc sắc, không chỉ góp phần nâng cao đời sống cho người dân mà còn cho thấy dấu ấn ngàn năm văn hiến trên mảnh đất này. 

 

Nhà máy HANA Micron Việt Nam (KCN Yên Phong) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.


Cùng với phát triển các ngành nghề truyền thống, công nghiệp Yên Phong cũng đang trên đà tăng trưởng, phát triển mạnh, tạo bước đệm để Yên Phong trở thành thành phố trong tương lai. Hiện trên địa bàn có 2 KCN tập trung (KCN Yên Phong và KCN VSIP II). Trong đó, KCN VSIP II có diện tích 273ha, vốn đầu tư gần 2.360 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án là các xã Tam Giang, Yên Phụ, Hòa Tiến và thị trấn Chờ. Đây là KCN thương mại và dịch vụ có vị trí hết sức thuận lợi, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ với cảng biển, sân bay và các KCN lớn của miền Bắc. Theo định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh, KCN VSIP II sẽ là KCN dành cho các loại hình công nghiệp sạch và công nghệ cao. Hiện các ngành, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để tiếp tục đón dòng đầu tư mới.
 Điểm nhấn của KCN Yên Phong được xây dựng với mục tiêu nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo tiền đề trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây hiện là KCN thu hút vốn đầu tư cao nhất cả nước với hơn 11 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp FDI  chiếm 121 dự án, hiệu quả sử dụng đất/tổng vốn đầu tư cao của cả nước (bình quân, mỗi hecta đất thu hút được 0,04 tỷ USD vốn đầu tư). Kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết hợp với nguồn nhân lực ưu tú, dồi dào và dịch vụ hỗ trợ tiện ích, cùng hệ thống hạ tầng xã hội (nhà ở công nhân, nhà trẻ, trường học, bệnh viện…) và các thiết chế văn hóa đang dần hoàn thiện, giúp các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, người lao động gắn bó với doanh nghiệp khi được thụ hưởng các điều kiện sinh hoạt tiện ích. 
KCN Yên Phong trở thành điểm đến lý tưởng của Tập đoàn Samsung với số vốn đăng ký đầu tư lên tới gần 10 tỷ USD, gồm 3 dự án lớn là Samsung Electronics, Samsung Display, Samsung SDI tạo nên một Khu tổ hợp Samsung hiện đại bậc nhất thế giới tại miền quê Quan họ, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển ngành công nghiệp điện tử viễn thông, đưa Bắc Ninh trở thành “cứ điểm toàn cầu của Tập đoàn Samsung”. 
Ông Dongjin Koh, Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn Samsung chia sẻ: “Yên Phong mang ý nghĩa là nơi gió nhẹ thổi. Tôi nghĩ rằng KCN Yên Phong (Bắc Ninh) nơi đặt nhà máy của chúng tôi chính là nơi đất lành tràn đầy sinh khí. Tôi tin tưởng và không chút nghi ngờ rằng Samsung sẽ như cánh buồm căng gió thuận lợi hướng đến tương lai và không ngừng lớn mạnh”. 
Cùng với Samsung, tại Yên Phong còn nhiều nhà cung cấp khác như: CrucialTec; Hana Micron; Intops; Orion... Năm 2019, doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN Yên Phong đạt 35,8 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 104 nghìn lao động, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và cơ cấu ngành  công nghiệp của tỉnh.

Ánh Dương-Giang Linh