Chuyện “nhặt” ở Bản Đôn

23/08/2021 07:40 Số lượt xem: 3522
Từ thủ phủ Café Tây Nguyên - thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk, vượt gần 50 cây số đường rừng là đến với Bản Đôn, địa danh nổi tiếng khắp nước về săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Bản Đôn (hay Buôn Đôn) nghĩa là làng đảo, ngôi làng được xây dựng giữa ốc đảo trên dòng sông Serepok huyền thoại, là điểm giao thương quan trọng của 3 nước Đông Dương (Việt Nam, Lào và Campuchia) một thuở.

Tại nhà trưng bày và thuyết trình của Trung tâm du lịch Buôn Đôn, chúng tôi bất ngờ thấy tiêu bản một chú voi con. Chị Thu Giang, hướng dẫn viên du lịch cho hay, đây chính là chú voi nguyên mẫu trong ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên tựa đề “Chú voi con ở Bản Đôn”.
Chất giọng thanh ngọt của chị Thu Giang vào chuyện: Năm 1983, ba nhạc sĩ nổi tiếng là Phạm Tuyên, Nguyễn Đức Toàn và Hoàng Vân đi thực tế tìm cảm hứng sáng tác nhạc cho thiếu nhi Tây Nguyên. Họ được tỉnh giới thiệu đến Bản Đôn xem voi, nhưng thật tiếc vì hôm ấy đoàn voi lớn đi rừng làm việc hết, quanh bản chỉ toàn voi con. Nhạc sĩ Phạm Tuyên ấn tượng đặc biệt với chú voi nhỏ nhất, nhưng cũng dễ thương nhất mới chừng 6 tháng tuổi đang bị nhốt ở góc nhà. Hỏi ra mới biết đó là chú voi con lạc mẹ, được bà con buôn làng tìm thấy ở bìa rừng rồi mang về nuôi chứ không phải voi nhà sinh ra.
Nghe chưa hết chuyện mà cảm hứng sáng tác trong ông đã dạt dào. Nhạc sĩ dí dỏm: “Thôi không có voi to thì sáng tác về voi con vậy”. Ai cũng ngỡ ông chỉ bông phèng, không ngờ ngay chiều ấy người nhạc sĩ tài hoa của chúng ta đã có sản phẩm tựa đề “Chú voi con ở Bản Đôn”. Bài hát mang giai điệu âm nhạc Êđê thân thuộc với ca từ ngộ nghĩnh, đáng yêu đã nhanh chóng chiếm trọn trái tim thiếu nhi Tây Nguyên và trở thành biểu tượng của tỉnh Đắk Lắk.
Năm 1985 khi ca khúc đã nổi tiếng khắp nước, nhạc sĩ Phạm Tuyên được lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk mời về thăm lại Bản Đôn và nghe thiếu nhi Tây Nguyên hào hứng hát ca khúc của ông. Tiếc rằng, lần trở lại Bản Đôn của nhạc sĩ thì chú voi con dễ thương 2 năm trước chỉ còn là… tiêu bản, hiện được trưng bày ở ngôi nhà dài đặc trưng của người Êđê trong khu trung tâm du lịch Bản Đôn.
Chị Thu Giang giải thích, từ xa xưa, người Êđê đã thạo việc thuần hoá voi rừng thành voi nhà, nhưng phải là voi từ 2 đến 3 tuổi trở lên, có thể xa mẹ được. Riêng chú voi con trong bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên mặc dù được Trung tâm Bản Đôn nhận chăm sóc nhưng đây là công việc cực kỳ khó vì chú voi con lạc mẹ khi mới 6, 7 tháng tuổi, sức đề kháng kém, không chịu ăn uống, lại chưa quen cuộc sống mới trong buôn làng nên chỉ khoảng nửa năm sau sức khoẻ suy kiệt và qua đời. Cũng bởi đây là nguyên mẫu, nguồn cảm hứng ra đời ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn” nên Trung tâm quyết định mang ướp xác voi con và lưu giữ tiêu bản tại Nhà trưng bày và thuyết trình Trung tâm du lịch Bản Đôn để phục vụ du khách tham quan.

 

Nhà sàn trăm tuổi của “vua săn voi” Ama Kong tại Trung tâm du lịch Bản Đôn, tỉnh Đắk Lắk.


Nằm kế Trung tâm du lịch Bản Đôn là ngôi nhà sàn trăm tuổi, nơi “vua” Ama Kong sống những năm cuối đời. Nhà sàn nép mình bên dòng Serepok với lối kiến trúc độc đáo kết hợp giữa văn hoá truyền thống dân tộc Lào và người Mơ Nông bản địa. Ngôi nhà như một bảo tàng thu nhỏ trưng bày đủ các dụng cụ mà Ama Kong từng dùng để săn bắt voi.
Sở dĩ Ama Kong được người dân đại ngàn Tây Nguyên tôn là “vua”, chính xác là “vua săn voi” bởi những câu chuyện về ông như một huyền thoại. Trong hơn trăm năm cuộc đời (1909-2012), vua Ama Kong đã săn bắt tổng số 298 con voi rừng, lần săn voi cuối cùng là năm 1996, Ama Kong bắt được 7 con, sau đó ông chuyển sang làm huấn luyện viên voi cho vườn Quốc gia Yok Đôn. Ama Kong có 4 vợ, 21 con và 118 cháu, chắt. Ngoài săn voi, người đàn ông dân tộc Mơ Nông ấy còn nổi tiếng với bài thuốc gia truyền bổ thận, tráng dương được nhiều người ca tụng. Loại thuốc này hiện vẫn được người thân của ông bày bán tại nhà sàn trong khu du lịch Bản Đôn.
Mấy anh đứng tuổi trong đoàn công tác hào hứng hỏi mua, tính tôi tiết kiệm lại hay ngờ nên chỉ tủm tỉm sau màn giới thiệu bắt mắt, thuận tai của người bán hàng tự nhận là con gái vua Ama Kong. Một thời gian sau, báo chí loan tin các sản phẩm thuốc gia truyền nhãn hiệu Ama Kong phần lớn hàng nhái, hàng giả kể cả mua tại khu du lịch; tôi hỏi mấy anh đồng nghiệp cơ quan bữa ấy xăng xái tìm mua xem công dụng thuốc thế nào, các anh nghĩ tôi nói kháy nên chỉ cười, nhất định không nói.
Rời nhà sàn của vua Ama Kong, những chiếc cầu treo lắc lư bắc qua dòng Serepok đưa chúng tôi đến hòn đảo nổi để thưởng thú cưỡi voi, đặc trưng du lịch một thời ở Bản Đôn. Cầu treo Bản Đôn có lẽ là độc nhất vô nhị tại Việt Nam? Đây là hệ thống nhiều cây cầu được làm bằng tre, nứa, song, mây mang đặc trưng truyền thống Tây Nguyên dài gần 1 cây số; trụ chính của cầu là những bụi cây Gừa cổ thụ trăm tuổi mọc ở bờ và giữa sông; cầu treo lắc lư đến phát hoảng ấy không dành cho những người yếu tim, bởi thế nhiều du khách không thể vượt cầu treo để lên đảo thưởng thú cưỡi voi trên dòng Serepok.
Được đồng nghiệp mời nhưng tôi biết giá 1vé cho 2 người cưỡi voi trên dòng Serepok trong vòng 15 phút là 150 nghìn đồng, vé không đắt nhưng quả thực thiếu hấp dẫn bởi những Nài voi (người điều khiển) hình như “quên” nhiệm vụ hướng dẫn viên du lịch mà chỉ mải quất tới tấp cho voi phi nhanh về đích. Anh đồng nghiệp Nguyễn Tuấn ngồi cùng than thở, thương cho những chú voi, hình như chúng đang bị vắt kiệt sức để làm du lịch. Tôi ngoái nhìn chúng thấy quả thật rất rệu rã.
Khi đăng tấm ảnh cưỡi voi lên Facebook, nhiều bạn khuyên tôi gỡ xuống bởi nhìn chú voi chật vật cõng khách rất tội nghiệp.
Cảm nhận của các bạn tôi rất đúng, tháng 5-2020, tôi bàng hoàng biết tin một Nài voi ở Đắk Lắk bất ngờ bị voi nhà quật tử vong; 2 tháng sau một nữ du khách đang cưỡi voi trên dòng Serepok cũng bị voi hất văng làm chấn thương ngực và gãy xương sườn; rồi không ít voi nhà làm du lịch cứ chết dần… Nhiều chuyên gia nhận định, có thể do voi bị cưỡng bức lao động quá sức nên bản năng hoang dã trỗi dậy?
Sau những sự cố không mong muốn, tỉnh Đắk Lắk đã nghiêm túc nhìn nhận lại cách làm du lịch ở Bản Đôn để đề ra các mục tiêu phát triển bền vững. Tháng 10-2020, sau buổi tọa đàm “Kết nối giao thương Hà Nội - Đắk Lắk phát triển du lịch an toàn, bền vững”, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk phát đi thông cáo báo chí cam kết sẽ bỏ hẳn dịch vụ cưỡi voi. Thay vào đó, các điểm du lịch sẽ nghiên cứu, lựa chọn những dịch vụ du lịch thân thiện, gắn liền với loài động vật đặc trưng này ở Tây Nguyên như: tắm voi, cho voi ăn, thậm chí là Café voi (một loại đặc sản như Café chồn)… nhằm mang lại những trải nghiệm mới lạ và an toàn cho du khách.
Hành trình đến những trải nghiệm mới lạ và an toàn tại Bản Đôn huyền thoại xa hay gần tuỳ thuộc vào quyết tâm của những người có trách nhiệm tại Đắk Lắk. Nhưng chí ít, quyết định bỏ hẳn loại hình du lịch cưỡi voi là điểm nhấn đáng ghi nhận. Làm sao để trong hiện tại lẫn tương lai, khi đến đại ngàn Tây Nguyên, ghé Bản Đôn, vùng đất nổi tiếng về săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, du khách sẽ thật sự ấn tượng khi có được những trải nghiệm vừa mới lạ, vừa an toàn bên những chú voi vốn là bạn hữu bao đời của những người dân bên dòng Serepok…

Ghi chép của Thanh Tú