Chủ động ứng phó với thiên tai

22/05/2019 08:21 Số lượt xem: 1820
Việt Nam đang phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai, cường suất lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Những con số hàng trăm người thiệt mạng và mất tích, hàng chục nghìn ngôi nhà bị cuốn trôi, hoặc đổ sập, hư hỏng nặng, thiệt hại tài sản hàng chục tỷ đồng mỗi năm… cho thấy sức tàn phá hết sức nặng nề của thiên tai, bão lũ.

Nạo vét kênh tiêu tại vùng Nam Đuống, chuẩn bị chống úng mùa mưa bão năm 2019.

 

Đối với Bắc Ninh, mặc dù thiên tai, bão lũ chưa gây thiệt hại lớn, song do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn kéo dài và các đợt xả lũ hồ Hòa Bình khiến mực nước sông dâng cao, dẫn đến một số điểm sạt lở mái đê và bờ bãi sông, gây ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều nên không thể chủ quan, buông lỏng. Tỉnh xác định, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) luôn là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của cả hệ thống chính trị, nhất là trong tình hình hiện nay, khi hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường, thời tiết cực đoan, xu thế gia tăng tần xuất thiên tai lớn.
Thực tế cho thấy, nhiều năm nay, Bắc Ninh chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi bão lũ, thiên tai, chỉ xảy ra hiện tượng ngập, úng cục bộ, sạt lở một số điểm chân đê... Công tác phòng, chống lụt bão, ứng phó với thiên tai luôn được thực hiện tốt, song hằng năm tỉnh vẫn luôn chú trọng chủ động mọi phương án. Phương châm đặt ra của tỉnh là: Chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính. Mục tiêu chính là giữ vững hệ thống đê sông chính gồm các tuyến: Tả, hữu sông Đuống, hữu sông Cầu, hữu sông Thái Bình, hữu sông Cà Lồ với mức lũ thiết kế. Khi có lũ vượt mức lũ thiết kế cần tập trung mọi nguồn lực cao nhất để hộ đê, đồng thời triển khai các phương án bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước, của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Kiên quyết không để bị vỡ các tuyến đê bối, gây ảnh hưởng đê chính và cuộc sống của người dân. Chủ động tiêu nước đệm kịp thời, bơm úng khi có mưa lớn, hạn chế thấp nhất diện tích úng ngập bị mất trắng. Điều quan trọng là phải chủ động nắm bắt kịp thời diễn biến thời tiết, triển khai nhanh các biện pháp phòng tránh và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra sát với tình hình thực tế.
Tỉnh cũng xác định các trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2019 gồm: 8 trọng điểm quy mô cấp tỉnh, trong đó, 2 trọng điểm tuyến hữu Đuống; 2 trọng điểm tuyến tả Đuống; 1 trọng điểm tuyến hữu Thái Bình; 3 trọng điểm tuyến hữu Cà Lồ và hữu Cầu. 8 trọng điểm quy mô cấp huyện, thành phố, gồm: 1 trọng điểm tuyến hữu Đuống; 1 trọng điểm tuyến hữu Thái Bình; 4 trọng điểm tuyến tả Đuống; 2 trọng điểm tuyến hữu Cà Lồ và hữu Cầu. Ngoài các khu vực trọng điểm trên, tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố rà soát các điểm xung yếu, giao các xã, phường ven đê dự kiến tình huống sự cố có thể xảy ra để có phương án phòng, tránh. Căn cứ hiện trạng đê trên địa bàn, các địa phương phải xác định được trọng điểm để làm tốt công tác chuẩn bị, đối phó kịp thời với mọi sự cố xảy ra trong mùa mưa lũ.
Để chủ động đối phó với mọi tình huống thiên tai xảy ra, các ngành, các cấp, các địa phương chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, với phương châm “4 tại chỗ”, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Kiện toàn bộ máy Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, bảo đảm về số lượng, chất lượng. Các thành viên Ban chỉ huy có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, rà soát công tác chuẩn bị về mọi mặt phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai. UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch phòng, chống thiên tai của tỉnh để xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống thiên tai đến tất cả các xã, phường, thị trấn. Ban chỉ huy PCTT & TKCN các cấp phải ứng trực khi có bão lũ xảy ra và kịp thời triển khai các phương án phòng, chống. Đồng thời phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, khi xảy ra sự cố phải thông tin nhanh, chính xác về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh theo số điện thoại: 02223822590 - Fax 02223823358. Các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, nắm chắc hiện trạng công trình đê điều và hệ thống công trình chống úng nội đồng. Chủ động xây dựng phương án đối phó sát với tình hình thực tế của từng địa phương, bảo đảm thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra. Về công tác hộ đê, phòng, chống úng nội đồng cũng sẵn sàng mọi phương án tốt nhất.
Công tác PCTT & TKCN được xác định là cấp bách hàng đầu trong mùa mưa bão tới, vì vậy, tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể đến từng ngành, đơn vị, địa phương, trong đó ngành Nông nghiệp & PTNT là cơ quan thường trực tham mưu cho tỉnh về công tác PCTT và chống úng nội đồng. Chịu trách nhiệm chỉ đạo kỹ thuật, xử lý sự cố đê điều và kỹ thuật hộ đê, phòng, chống lũ, điều hành tiêu úng, khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất tại các vùng thiên tai. Các ngành, đơn vị khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để xây dựng Kế hoạch PCTT sát với tình hình thực tế. Nếu ngành, đơn vị, địa phương nào không làm tốt nhiệm vụ, để xảy ra sự cố sẽ bị xử lý. Tất cả vì mục tiêu không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Bài, ảnh: Hoài Anh