Chủ động phòng, chống các rối loạn do thiếu I ốt

17/12/2018 08:33 Số lượt xem: 668
I ốt có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể con người. Trong những năm qua, công tác phòng chống các rối loạn do thiếu I ốt đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỉ lệ bao phủ muối I ốt và các chế phẩm I ốt đạt trên 90%, tỉ lệ bướu cổ học sinh duy trì thấp <3%. Tuy nhiên, nếu không thường xuyên duy trì và truyền thông, vận động cộng đồng thì tỉ lệ sử dụng muối I ốt và các chế phẩm có I ốt sẽ bị giảm và nguy cơ gia tăng các rối loạn do thiếu I ốt.

Bệnh nhân đến khám, quản lí ngoại trú bệnh lí tuyến giáp tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Từ tháng 9 đến tháng 11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hoạt động khám điều tra bướu cổ cho khoảng 6.000 học sinh từ 8 - 10 tuổi toàn tỉnh. Tại buổi khám ở trường tiểu học Tân Hồng (thị xã Từ Sơn), đoàn phát hiện được 5/794 trẻ tham gia khám sàng lọc mắc bệnh bướu cổ. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là chế độ ăn thiếu I ốt.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh khối lớp 3 đến khối lớp 5 là độ tuổi cơ thể đang phát triển mạnh mẽ và I ốt là một trong những vi chất không thể thiếu. Bị bướu cổ, các cháu bị ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như trí nhớ, tác động trực tiếp đến việc học tập. Buổi khám sàng lọc được các y, bác sĩ với hệ thống máy siêu âm chuyên dùng về tận trường trực tiếp khám nên nhận được sự đồng thuận rất lớn từ gia đình cũng như nhà trường. Đây cũng là một dịp để nhà trường có thể tuyên truyền, gửi thông điệp đến các thầy cô giáo, các em học sinh và phụ huynh về sự cần thiết, quan trọng của việc bổ sung I ốt cho cơ thể, chủ động phòng chống bệnh bướu cổ và phát triển một cách toàn diện.
Những năm gần đây, bệnh lí tuyến giáp do thiếu I ốt, thiếu vi chất như basedow, ung thư tuyến giáp, bướu cổ, suy giáp, viêm tuyến giáp ngày càng gia tăng. Khi chức năng tuyến giáp bị rối loạn và không được điều trị sớm thì người bệnh sẽ bị suy giảm trí nhớ, tăng hoặc giảm cân bất thường, hạn chế vận động, chậm nhịp tim, suy tim và dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với bệnh lí khác nên người bệnh thường không phát hiện bệnh sớm.
Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - đơn vị đi đầu trong quản lí và điều trị ngoại trú bệnh nhân mắc các bệnh lí tuyến giáp, hiện đang có khoảng 1.000 bệnh nhân có các bệnh lí tuyến giáp như bướu cổ, basedow, suy tuyến giáp… đang điều trị. Ông Nguyễn Thiết Đích (xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình) phát hiện bị bệnh suy tuyến giáp từ năm 2007 trong một đợt khám sức khỏe định kì. Từ đó đến nay, đều đặn hàng tháng ông theo lịch hẹn đến Trung tâm để được khám đánh giá tình hình và cấp thuốc uống hàng ngày tại nhà.
Chị Nguyễn Thị Đoan (xã Yên Giả, huyện Quế Võ) sau khi có triệu chứng mệt mỏi, sút cân, nhịp tim nhanh, hay hồi hộp từ tháng 9-2017, đi khám nghi ngờ mắc bệnh lí tuyến giáp nên chị được tư vấn chuyển lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để chẩn đoán xác định và điều trị. Chị Đoan cho biết, từ khi uống thuốc ở Trung tâm, hàng tháng đến khám và siêu âm đánh giá tình hình thấy tiến triển rõ rệt. Cân nặng của chị về lại ban đầu, nhịp tim không bị nhanh và sức khỏe ổn định hơn. Mỗi lần đến khám, ngoài việc dặn dò tuân thủ lịch uống thuốc theo đúng chỉ định, các bác sĩ còn tư vấn cho chị chế độ ăn uống, bổ sung và sử dụng các vi chất dinh dưỡng hợp lí, đặc biệt là vi chất I ốt để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
I ốt là vi chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hooc môn điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận như tim mạch, tiêu hóa, da - lông - tóc - móng, duy trì năng lượng cho cơ thể. Nếu thiếu I ốt sẽ dẫn đến thiếu hoocmon giáp trạng và ảnh hưởng tới nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, gây ra nhiều rối loạn khác nhau, gọi chung là các rối loạn do thiếu I ốt. Thiếu I ốt ở trẻ em có thể khiến trí não kém phát triển, đần độn; ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu; thiếu I ốt cũng làm giảm khả năng lao động và phát triển sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Văn Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, mặc dù đạt được những kết quả tích cực trong công tác này, nhưng nếu không duy trì thường xuyên thì tỉ lệ sử dụng muối I ốt và các chế phẩm có I ốt trong dân chúng sẽ bị giảm đi. Đơn vị chỉ đạo các khoa, phòng có liên quan xây dựng kế hoạch hoạt động phòng chống rối loạn do thiếu I ốt hàng năm, điều tra khám bướu cổ học sinh từ 8-10 tuổi, điều tra tình hình sử dụng muối I ốt thường quy tại hộ gia đình để từ đó có kết quả đánh giá tỉ lệ mắc bướu cổ ở trẻ em và tình hình sử dụng muối I ốt trên địa bàn tỉnh. Qua đây có định hướng phục vụ cho công tác truyền thông cần trọng tâm để người dân nhận thức được tầm quan trọng cũng như cách bổ sung vi chất I ốt hợp lí. Với phòng khám đa khoa của đơn vị, công tác khám, chẩn đoán, điều trị và tư vấn cho người bệnh được quan tâm, chú trọng. Song song với đó, đơn vị còn trọng tâm vào đổi mới phong cách, thái độ phục vụ giúp người bệnh cảm thấy hài lòng khi thực hiện các dịch vụ y tế tại Trung tâm.
Là vi chất quan trọng, nhưng nếu thiếu hay thừa đều có thể gây ra bệnh. Nhu cầu I ốt cần cho mỗi người hàng ngày chỉ là rất nhỏ nhưng có đến 90% lượng I ốt trong cơ thể có được làm từ thực phẩm. Vì vậy, bên cạnh việc chú trọng bổ sung I ốt từ các loại thực phẩm giàu I ốt như muối I ốt, rong biển, hải sâm… trong các bữa ăn hàng ngày, thì bổ sung hợp lí, vừa đủ cũng là yếu tố mà các bà nội trợ cần quan tâm.

Minh Cường