Chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

24/09/2018 07:30 Số lượt xem: 1007
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang hoành hành tại Trung Quốc, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ, tích cực các biện pháp nâng cao khả năng miễn dịch, chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh vào địa bàn tỉnh.

Cán bộ trạm Chăn nuôi, Thú y huyện Lương Tài phun thuốc khử trùng, tiêu độc môi trường.

Là một trong những chủ trang trại chăn nuôi gia công quy mô lớn cho Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam, tổng đàn lên đến 1.800 con lợn nái, nên công tác tiêm phòng, vệ sinh khử trùng tiêu độc bằng hóa chất và vôi bột được ông Vũ Bá Tốn, xã Lai Hạ (Lương Tài) tiến hành thường xuyên theo định kỳ 1 lần/tuần. Tuy nhiên, từ khi có thông tin về dịch tả lợn Châu Phi đang xuất hiện tại Trung Quốc, trang trại của ông Tốn hạn chế tuyệt đối người ra vào, tăng cường các biện pháp phun thuốc, rắc vôi bột, vệ sinh khử trùng tiêu độc cho đàn vật nuôi.
Không chỉ riêng trang trại của ông Tốn, người chăn nuôi trong tỉnh đều chú trọng nâng cao khả năng miễn dịch và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn Châu Phi từ Trung Quốc vào đàn vật nuôi của gia đình. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Mặc dù bệnh dịch tả lợn Châu Phi chưa xuất hiện ở Việt Nam nhưng nguy cơ xâm nhiễm là rất cao, bởi từ đầu năm đến nay giá lợn hơi tại Trung Quốc thấp hơn so với Việt Nam khá nhiều, cho nên lợn sống từ quốc gia này được vận chuyển rải rác vào nước ta qua đường tiểu ngạch và trung chuyển qua địa bàn tỉnh về Hà Nội tiêu thụ. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn trong tỉnh cũng rất lớn, ước tính mỗi ngày khoảng 250 tấn, nguy cơ lây nhiễm khó tránh khỏi.
Cũng theo bà Minh, dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra, tuy không lây sang người, nhưng đến nay chưa có vaccin, thuốc điều trị hiệu quả, đặc biệt vi-rút gây bệnh tồn tại rất lâu trong sản phẩm thịt (kể cả đã qua chế biến chín) mà du khách mang theo khi đi du lịch. Chính vì vậy, việc kiểm soát bệnh dịch tả lợn Châu Phi gặp rất nhiều khó khăn. Nguy hiểm hơn nữa là tỷ lệ chết đối với lợn nhiễm bệnh dịch này rất cao so với những bệnh khác như lở mồm long móng, dịch tả lợn thông thường. Biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất chính là chủ động nâng cao khả năng miễn dịch cho đàn lợn thông qua việc tiêm phòng, vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường, bảo vệ các trang trại không cho vi-rút xâm nhập…
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố triển khai hiệu quả Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường. Tiêm phòng đại trà vụ thu- đông cho đàn gia súc, gia cầm, tổ chức phun hơn 11.000 lít hóa chất, rắc hơn 1.100 tấn vôi bột ở tất cả 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ngay sau khi có Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12-9 của Thủ tướng Chính phủ gửi các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, Chi cục tham mưu cho ngành Nông nghiệp đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ 20.000 lít hóa chất, hơn 700 tấn vôi bột tiếp tục triển khai thêm Tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường từ ngày 15-9 đến ngày 15-10; tổ chức tập huấn, ban hành hướng dẫn nhận biết và phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi đến cán bộ Thú y các xã, phường, thị trấn, chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn; tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển đối với thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn tại tất cả các chợ, điểm giết mổ, buôn bán lợn và thịt lợn.
Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp ngăn chặn nguy cơ nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi của ngành Thú y và những người chăn nuôi sẽ cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để khả năng xâm nhiễm bệnh, rất cần sự kiểm soát gắt gao công tác vận chuyển, buôn bán lợn, các sản phẩm từ lợn, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.

Hoài Lan - Nguyễn Tuấn